Hoài niệm những đêm chèo

12/03/2019 08:24

Chừng hai chục năm gần đây, hội làng tôi mở lại. Những đêm chèo vẫn có. Chuyên nghiệp hẳn hoi. Nhưng xem mà cứ như thấy giả giả thế nào ấy.

Ở làng tôi ngày trước thật khó có thể hình dung ra hội làng mùa xuân lại không có vài ba đêm biểu diễn chèo, nhất là đêm chính hội. Cái thuở vàng son của những vở chèo cổ như: Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Tống Trân Cúc Hoa… mới chỉ đi qua được vài chục năm. Ngày nay có hiện đại hơn với bao trò chơi vui thú ham mê, nhưng nhiều người vẫn còn nao nao thổn thức khi bất chợt nghe được một câu hát chèo.

Khi cây lúa vừa bén rễ, khi nắng xuân vàng nhạt xen lẫn gió bấc se se, hoa bưởi, hoa xoan vừa bung nở, hương thơm lan tỏa, công việc nông trang nhàn rỗi, ấy là lúc hội làng được mở kèm theo những đêm chèo say đắm lòng người. Nhiều bậc cao niên đến giờ vẫn còn giữ nguyên vẹn trong ký ức về niềm vui ấy. Một xã có tới mấy “đoàn" chèo. Mỗi đoàn chừng dăm ba người. Một người đóng nhiều vai trong cùng vở diễn. Họ là những nông dân chân lấm tay bùn. Ban sáng còn mê mải bừa xong thửa ruộng, cấy nhanh đon mạ cho kịp thời vụ. Buổi chiều lại vội vã đến sân đình tập dượt lần cuối. Người làng với nhau cả, chạm mặt nhau suốt ngày, vậy mà khi cánh màn nhung được kéo lên, nhìn ai cũng thấy đẹp hẳn ra. Diễn viên nhìn khán giả. Khán giả nhìn diễn viên. Như lạ như quen. Nét mặt ai cũng vui tươi rạng rỡ. Kẻ đứng người ngồi, hồi hộp đợi chờ phần kết. Vẫn những vở diễn từ năm ngoái, năm kia. Vẫn diễn viên quen mặt thuộc tên. Người ta nghe hoài, nghe mãi, nghe đến thuộc lòng. Nhiều người còn khe khẽ hát theo. Nay nghe lại vẫn không hề nhàm chán. Y như ăn cơm tẻ từ hạt thóc do chính tay mình làm ra. Nhất là những vở chèo hiện đại. Ai cũng như soi thấy mình trong đó, câu chuyện như có thật của làng mình, xã mình. Tiếng vỗ tay rào rào. Tiếng cười nghiêng ngả mỗi lần anh hề xuất hiện. Hài hước và hóm hỉnh. Nhẹ nhàng và sâu cay. Người ta tạm quên đi cái vất vả của người làm nghề nông.

Không ai nhớ chiếng chèo làng tôi có từ bao giờ. Một mảnh đất nghèo khó, xa xôi với bao nhọc nhằn vất vả từ thuở lập làng lập tổng, phải luôn đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Muốn tồn tại phải vượt lên nghịch cảnh. Vậy thì không gì bằng những điệu chèo. Người làng tôi vịn vào câu chèo mà đứng vững. Những câu chèo mộc mạc giản dị đã nâng bước người làng tôi. Có năm mưa xuân nặng hạt, đêm diễn phải chuyển vào trong đình. Một hai cái chiếu trải ra, vài ba cái đèn măng xông thắp lên. Thế là thành sân khấu. Không phông màn, không hồi không cảnh. Thế mà ai cũng hiểu một cách tường tận. Những nghệ sĩ cây nhà lá vườn tay múa còn cứng, giọng hát chưa chuẩn, tay đàn chưa ngọt nhưng đây là của nhà làm ra. Như hạt thóc củ khoai, không yêu sao được. Người ta tán thưởng bằng những tràng pháo tay, những tiếng cười sảng khoái tưởng như không dứt.

Rồi chiến tranh lan tới. Không còn hội làng. Không còn những đêm chèo náo nức. Dân làng phiêu tán. Người ra trận mạc. Kẻ kiếm ăn xa quê. Trong vô vàn nỗi lo còn, mất, sâu thẳm tận góc khuất tâm hồn, người làng tôi vẫn nhớ, vẫn da diết ngày hội làng cùng những đêm chèo tưng bừng đàn sáo. Lâu lâu gặp nhau, thầm hỏi: “Khi nào làng mình lại mở hội? Ngày xuân mà chưa được xem vở chèo nào thì buồn lắm. Mà vở chèo ấy, câu hát ấy phải do người làng mình biểu diễn mới thật đã”. Xin đừng trách người làng tôi cục bộ địa phương hoặc một điều gì đó tương tự. Đã yêu, đã quý, đã coi đó là hương vị, là linh hồn quê hương thì tránh sao được sự thiên vị ấy.

Chừng hai chục năm gần đây, hội làng tôi mở lại. Những đêm chèo vẫn có. Chuyên nghiệp hẳn hoi. Nhưng xem mà cứ như thấy giả giả thế nào ấy. Lớp già hết lòng ráng giữ. Cũng tốp chèo nọ gánh chèo kia. Chỉ là sự níu kéo. Chẳng biết níu kéo được bao lâu nữa. Tự nhiên tôi nhớ tới ông đồ già trong gió mưa se sắt của Vũ Đình Liên mà lòng buồn man mác.

Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Hoài niệm những đêm chèo