Cây đa - tình người

30/04/2019 16:50

Như lời ông nội tôi nói thì cây đa dễ đến ba trăm tuổi. Thân đa to, bốn năm người ôm không kín. Cái áo màu nâu sẫm nó đang mặc đã cũ.

Như lời ông nội tôi nói thì cây đa dễ đến ba trăm tuổi. Thân đa to, bốn năm người ôm không kín. Cái áo màu nâu sẫm nó đang mặc đã cũ. Những cục u nổi lên chi chít, như những cái bậc để lũ trẻ chúng tôi dễ leo trèo. Hàng trăm cái rễ phụ tỏa từ trên cao xuống. Nhiều cái cắm vào lòng đất, to như những cái cột chống đỡ cho cây trong mùa mưa bão. 

Cây đa làng tôi cũng giữ nguyên màu xanh ngắt. Bóng đa trùm một khoảng đất rộng lớn. Tán dày như mái che. Lũ trẻ chúng tôi bám đu vào những cái rễ còn lửng lơ trong không gian. Người lớn dọa: “Thần cây đa, ma cây gạo”. Tuổi thơ biết sợ là gì. Đứa nhặt lá đa làm chú trâu mộng vênh vênh cái sừng. Đứa nhặt những búp đa khô làm kèn thổi toe toe, toe… Chỉ bấy nhiêu thôi mà quên giờ quên giấc.

Những ngày hè nóng bức, người đi làm đồng về rẽ vào nghỉ ngơi chút đỉnh. Gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Mọi người trao đổi với nhau về mảnh ruộng gần, thửa ruộng xa. Các bà mở chiếc khăn tay mời nhau ăn trầu, khoe miếng cau mỏng mày hay hạt, miếng vỏ quế dày mình thắm ruột. Đàn ông chia nhau điếu thuốc lào. Các cô gái cởi bỏ khăn che mặt, khoe đôi má ửng hồng vì nắng. Lại duyên thêm cái lúm đồng tiền. Khối chàng trai chưa hút thuốc đã say nghiêng ngả. Họ mời nhau bát nước vối trồng ở vườn nhà, được ủ kỹ phơi khô. Đêm đêm những cặp tình nhân gặp gỡ dưới gốc đa, cùng ước nguyện thiêng liêng: “Có thần cây đa chứng giám, phù hộ cho nên vợ nên chồng”. Chẳng biết có đúng không? Chỉ biết rằng đứng dưới bóng đa làng tôi dường như mát mẻ hơn, yên ổn hơn nơi khác. 

Kỷ niệm sâu đậm và tự hào của người dân quê tôi là những ngày Tháng Tám lịch sử. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngọn đa cao nhất. Đoàn người rùng rùng tiến ra huyện lỵ giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Chế độ phong kiến thực dân bị đập tan. Rồi cuộc kháng chiến chín năm, tiếp đến hai mươi năm  chống Mỹ, lớp lớp thanh niên làng tôi lên đường. Lễ tiễn đưa bao giờ cũng diễn ra dưới gốc đa này. Rồi hội hè đình đám, đông vụ chí kỳ...

Cây đa luôn là biểu tượng của sự sống, của sự chở che. Từ hạt đa bé xíu mọc lên thành cây. Đa bám đất đêm ngày, vươn lên từ đất. Tự chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại. Càng sống lâu cây càng khỏe mạnh sum suê xanh tốt. Đa không đòi hỏi sự đãi ngộ, sự nuông nịnh nào. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi thăm bất kỳ địa phương nào đều trồng đa. Những cây đa ban đầu nhỏ bé mảnh mai. Bác muốn dùng cái vật chất tối thiểu nhất để biểu đạt cái giá trị tinh thần tối đa nhất. Những cây đa Bác trồng đâu chỉ là kỷ niệm của vị Cha già dân tộc mà chính là Bác Hồ “để lại muôn vàn tình thương yêu cho con cháu mai sau”.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây đa - tình người