Ung dung ngày rộng tháng dài

19/05/2019 11:34

Bác như một ông tiên đang hướng cho mọi người đến cách sống "thanh đạm nhẹ người" để đạt được phong thái minh mẫn, tâm hồn thoải mái và có được sức lực tráng niên...

Bài thơ Thất cửu (Sáu ba tuổi) ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trải qua tám năm ròng rã, gian khổ thật nhiều nhưng niềm vui cũng lớn lao sau những chiến thắng vang dội. Ở miền Bắc và miền Trung, vùng tự do giải phóng được mở rộng, công cuộc cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng cũng mới được bắt đầu. Niềm vui nhân tiếp niềm vui, trong ngày sinh nhật lần thứ 63 của mình, Hồ Chủ tịch đã làm bài thơ Thất cửu bằng chữ Hán, sau được nhà thơ Xuân Thủy - một người uyên thâm Nho học và rất am tường phong cách thơ Hồ Chí Minh - đã dịch khá thành công qua thể thơ lục bát truyền thống:

Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.

Trước hết, qua bản dịch thơ của Xuân Thủy, phần lớn ý tưởng bài thơ Thất cửu của Bác được chuyển tải khá nhuần nhuyễn, không có những "hạt sạn" đáng tiếc. Tình ý vẫn tràn đầy, cảm xúc thư thái, an nhiên trong niềm vui lạc quan của một bậc "đại nhân, đại trí, đại dũng" khi bước sang tuổi hạc đời người mà vẫn ung dung tháng rộng ngày dài với non sông đất nước.

Chúng ta đều biết, phẩm chất lạc quan trước cuộc đời, niềm tin ở tương lai, xem thường sự nguy khó là một phong thái xuyên suốt ở cốt cách con người Hồ Chí Minh. Từ trong các vần thơ của tập Nhật ký trong tù, khi Người bị giam cầm đày ải trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, nhưng chưa lúc nào ta thấy Bác than vãn, sầu não hay cảm thán bi thiết cả. Ở bài thơ này, thấu rõ quy luật đời người là sinh - lão - bệnh - tử, có lẽ hơn ai hết, Hồ Chủ tịch đã cảm nhận khi Người tiếp nhận Phật học từ buổi thiếu thời. Có điều, không giống như người khác, Bác luôn lạc quan trước tuổi tác bằng giọng thơ hóm hỉnh, bông đùa của một con người từng trải: 

Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.

Trong nguyên tác, nghĩa của hai câu này là: "Thường người ta chưa đến năm mươi đã tự than già, mình năm nay sáu ba tuổi vẫn đương khỏe mạnh". Như vậy, ở bản dịch thơ, dịch giả Xuân Thủy đã dịch chữ "khang cường" (khỏe mạnh) thành ra "đương trai". "Đương trai" cũng có nghĩa là đang tuổi cường tráng, khỏe mạnh, song giọng thơ hơi cường điệu lên một chút, điều đó càng tạo nên nét duyên cho thi phẩm dịch, đồng thời cũng ít nhiều phù hợp với cách nói thường khôi hài của Bác. Trong bài thơ Không đề viết nhân lần sinh nhật thứ năm mươi chín, Bác chẳng đã từng cho mình "mới thiếu niên" đó sao! Chất hài hước, tiếng cười sảng khoái khi làm thơ tự cảm về mình là nét đẹp truyền thống có từ thời cụ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương và nhiều bậc Nho học khác nữa mà Hồ Chủ tịch chỉ là người kế thừa, học hỏi. Có điều, đặt cảm xúc ấy trong hoàn cảnh lịch sử của nước nhà, ta càng cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn tỏa ra từ Bác, một con người luôn yêu đời, lạc quan, sống hết mình bằng sự làm việc cần mẫn, lối sống giản dị và đặc biệt luôn hài hòa với thiên nhiên. Có lẽ vậy chăng mà đến hai câu kết bài, Bác đã lý giải với chúng ta về phong thái "chính khang cường" có được ấy của Người:

Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.

Ngắn gọn và dễ hiểu, Bác như một ông tiên đang hướng cho mọi người đến cách sống "thanh đạm nhẹ người" để đạt được phong thái minh mẫn, tâm hồn thoải mái và có được sức lực tráng niên khi bước qua tuổi đời mà mọi người thường cảm thấy không còn trẻ nữa. Với Bác, chí ít phải có đến mấy tiêu chí sau: thứ nhất là sống thanh đạm, giản dị; thứ hai là tinh thần phải thoải mái; thứ ba là phải có thói quen làm việc miệt mài, ung dung nhưng bằng một khát khao cháy bỏng. Đến nay nhiều tài liệu khoa học, thuật dưỡng sinh của y học và các ngành khác đã chứng minh được điều đó. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, bài thơ mừng sinh nhật chính mình lại trở thành một thi phẩm thể hiện nhân sinh quan sâu sắc của Bác về vấn đề tuổi tác, quan niệm sống ở đời, sự gắn kết hài hòa giữa con người với môi trường sống, cần dung dưỡng tinh thần để đạt được lối sống thanh cao, hiền triết đậm chất phương Đông.

Thất cửu có sự cổ kính của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt viết bằng chữ Hán, song đã được chuyển thành thể thơ lục bát tài hoa và giàu biến hóa của dịch giả Xuân Thủy. Khiêm tốn bằng một tâm tình trước nhân dân và đồng chí trong ngày vui sinh nhật, Hồ Chủ tịch đã chuyển tải được một thông điệp về tâm hồn, trí tuệ của mình trước Tổ quốc, đồng bào, chiến sĩ khi thể hiện được lẽ sống cao đẹp, hết lòng hết sức phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, sống thanh đạm nhẹ nhàng để được dốc toàn bộ tâm sức suốt đời gánh vác việc nước, việc dân. Thông điệp ấy Người đâu thể nói thành lời bạch thoại thông thường, chỉ qua nghệ thuật ngôn từ của thơ ca, may ra chúng ta mới thấp thoáng thấy được vỉa tầng sâu thẳm của một tư tưởng, tâm hồn và nhân cách lớn. Bài thơ Thất cửu là một trường hợp nói chuyện ngày sinh mà chạm được một nhân sinh đậm chất triết lý cuộc đời.

LÊ THÀNH VĂN

Hồ Chí Minh

Thất cửu 


Nguyên tác:
Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,
Ngã kim thất cửu chính khang cường.
Tự cung thanh đạm tinh thần sảng,
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường.

Dịch thơ:
Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.

XUÂN THỦY(dịch)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ung dung ngày rộng tháng dài