Khúc tráng ca mở đầu từ mùa thu cách mạng

19/08/2022 14:26

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Xuân Diệu là nhà thơ tình lãng mạn nổi tiếng với các thi tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Ông nổi lên như một thi sĩ hàng đầu, trở thành “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Xuân Diệu là nhà thơ tình lãng mạn nổi tiếng với các thi tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Ông nổi lên như một thi sĩ hàng đầu, trở thành “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Xuân Diệu sớm hòa nhập giữa lòng dân tộc “quyết giành cho được độc lập”. Trái tim mộng mơ, lãng mạn, sống gấp gáp “mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ em ơi em tình non sắp già rồi” giờ đồng hành cùng lòng nhiệt thành yêu nước của hàng chục triệu đồng bào. Vì vậy, ông được xem là một trong những nhà thơ sớm có khuynh hướng dùng văn học để làm vũ khí đấu tranh chống lại kẻ thù. Trường ca Ngọn quốc kỳ được Xuân Diệu hoàn thiện bản thảo sau những ngày đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công và kết thúc vào ngày 30.11.1945.

Mười sáu năm sau trong Lời tựa khi in lần thứ hai bản trường ca Ngọn quốc kỳ, nhà thơ Xuân Diệu vẫn sung sướng trong niềm cảm xúc dào dạt. Tất cả tươi mới trong lòng người, trên đất nước như tập trung hiện bật lên lá cờ đỏ sao vàng. Chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu… Ngọn quốc kỳ như một mặt trời đỏ thức dậy trên biển xanh.

Quả vậy, khát vọng độc lập, tự do của hàng triệu đồng bào lúc ấy đều tập trung vào lá cờ Tổ quốc. Chính điều này đã tạo cho nhà thơ Xuân Diệu một sự xúc động chưa từng có. Bài thơ Vịnh cái cờ ra đời sau đó không lâu, là tiền thân để ông hoàn thành bản tráng ca Ngọn quốc kỳ dài hơn 200 câu thơ đặc sắc sau này.

Mở đầu bản trường ca Ngọn quốc kỳ, nhà thơ Xuân Diệu đã có những câu thơ đầy hào sảng, mạnh mẽ để ca ngợi lá quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Có lẽ chưa bao giờ như lúc này, thơ ông lại quay cuồng trong gió say, mây bay và trong tiếng reo vui hùng tráng qua những không gian núi non, ruộng đồng, đèo cao đến vậy: "Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo/ Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng/ Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo/ Gió hát trên đồng màu đỏ cao treo".

Mượn hình tượng lá quốc kỳ để khẳng định sức mạnh của một nước Việt Nam mới giành được độc lập, tự do. Không chỉ thế, Xuân Diệu vừa ngợi ca vừa hoài niệm về những năm tháng đau thương tiền khởi nghĩa. Sau bóng tối lao lung, tù đày của biết bao con người hùng dũng nhất, đặc biệt là vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, nay cờ đã thắm, máu đã hồng, sao đã vàng lại dưới bóng cờ mới treo, sức lực tràn trề như tuổi hai mươi hồng hào thắm đỏ: "Nào những huyền u uất, tím thê lương/ Nào những tía, những hồng yếu đuối/ Thắm lại hết! - Nào những màu bạc tái/ Những tàn tro, những than tựa đêm tăm/ Vàng lại rồi! Nước cũ bốn ngàn năm/ Treo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi".

Nhờ cảm hứng bay bổng, ý tưởng dào dạt nhiều chiều từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai, trường ca Ngọn quốc kỳ được Xuân Diệu huy động toàn bộ vốn sống để khái quát được những chặng đường từ đau khổ tới vinh quang của ngày độc lập. Nếu trong Thơ mới, cái tôi cô đơn, u uẩn thấm đẫm thì đến những dòng thơ cách mạng buổi đầu này, người đọc thấy được sức vạm vỡ của một tâm hồn lộng gió cờ reo. Ông ca ngợi người du kích “giữ lá cờ sao vàng lấp lánh”, họ đi theo tiếng gọi nước non, thà quyết hy sinh dưới lá cờ đỏ sao vàng bất diệt: "Ai từng nghe nói quân du kích/ Nhắc đến lòng son tràn cảm kích/ Ôi những chiến sĩ những anh hùng/ Những kẻ hồn xanh như ngọc bích".

Cứ thế, nhà thơ Xuân Diệu đã khơi gợi lại lịch sử từ những Đống Đa, Bạch Đằng, Chi Lăng thuở trước và từ những địa danh trên khắp mọi miền đất nước như Tiền Giang, Hậu Giang, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gò Công, Vĩnh Long… dường như đều nhuộm thắm sắc cờ bay của cuộc cách mạng Tháng Tám mùa thu, dù phải trải qua biết bao hy sinh xương máu: "Càng đấu tranh vàng mới lại mở ra/ Có nung nấu, đỏ mới càng đỏ riết/ Theo cờ gọi những con dân nước Việt/ Dâng máu xương không tiếc với sơn hà".

Kết thúc bản trường ca Ngọn quốc kỳ, hình tượng nước Việt Nam mới, hình tượng Hồ Chí Minh xuất hiện như một chân lý để khẳng định sự thắng lợi huy hoàng, sự vững bền muôn thuở của dân tộc Việt Nam: "Cờ là đó, Việt Nam này vẫn đó/ Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến quân ca/ Sáng muôn năm nền dân chủ cộng hòa".

Chính từ cảm hứng tư tưởng và chiều sâu cảm xúc ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ Xuân Diệu đã viết bản trường ca Ngọn quốc kỳ tràn đầy hào sảng và đậm chất tráng ca. Cùng với Hội nghị non sông, bản trường ca này đã trở thành khúc hùng ca mở đầu của nền thơ từ mùa thu cách mạng, góp phần làm nên sự nghiệp văn chương đồ sộ của Xuân Diệu sau này.

 LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khúc tráng ca mở đầu từ mùa thu cách mạng