Bí ẩn một huyền thoại trong Chuyện tình Khau Vai

11/07/2021 10:40

Chuyện tình Khau Vai là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Thế Kỷ do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 10.2019.



Trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại có một số nhà văn chuyên viết về đề tài miền núi và để lại những tác phẩm đồ sộ, như Tô Hoài với các tiểu thuyết Miền Tây, Truyện Tây Bắc.., Đỗ Bích Thúy với Lặng yên dưới vực sâu, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Bóng của cây sồi… Cũng về đề tài miền núi, gần đây nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai lấy cảm hứng từ một huyền thoại về phiên chợ tình nổi tiếng ở vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Chuyện tình Khau Vai là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Thế Kỷ do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 10.2019. Cuốn tiểu thuyết này có nguồn gốc từ kịch bản sân khấu cùng tên tác giả sáng tác năm 2013, đã được VTV1 lựa chọn công chiếu khắp trong Nam ngoài Bắc với phiên bản kịch cải lương.

Tiểu thuyết kể lại câu chuyện tình đầy bí ẩn và cuốn hút của nàng Út, người con gái cưng của Tộc trưởng người dân tộc Giáy với chàng Ba, là con nhà nông dân nghèo người Nùng nhưng đẹp trai, tài giỏi. Hai người vô tình gặp nhau trong phiên chợ tình đầu xuân và đã hứa hẹn mãi mãi thuộc về nhau. Đến tuổi “trăng tròn", Tộc trưởng kén rể, bao nhiêu chàng trai là con nhà khá giả khắp bản đến xem mắt, nhưng nàng Út chỉ ưng duy nhất chàng Ba. Cái bi kịch của mối tình này là ngay chính Tộc trưởng người Giáy, thời thanh niên cũng yêu một cô gái người Nùng và không vượt qua được rào cản dòng tộc, nên ông đã chôn chặt mối tình ấy trong suốt cuộc đời. Trớ trêu thay, người con gái thời thanh xuân mà Tộc trưởng yêu chính là mẹ của chàng Ba.

Vì hàng rào định kiến, tập tục nên nàng Út không được phép lấy chàng Ba. Hai người quyết định bỏ trốn lên đỉnh núi cao sinh sống, nhưng hai họ tộc thâm thù nhau, đánh nhau nên nàng Út quyết định hy sinh tình yêu trở về nhà. Nghe theo sự sắp đặt của Tộc trưởng, nàng chấp nhận lấy người hầu của cha mình là Cố Sầu để có thể sinh con trai nối ngôi Tộc trưởng. Khi đứa con trai chào đời thì nàng Út cũng nhắm mắt xuôi tay, có gửi lại chiếc vòng bạc kỷ niệm của chàng Ba mà phiên chợ tình mùa xuân năm ấy hai người nhận lời yêu nhau.  

Nguyễn Thế Kỷ đã dày công xây dựng Chuyện tình Khau Vai trở thành một cuốn tiểu thuyết độc đáo. Nó đã bỏ qua tất cả các mô típ lâu nay trong thủ pháp tiểu thuyết, trở thành một phát hiện độc đáo của văn học, từ một truyền thuyết hiếm có trong văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc. Bằng rung động của một nhà văn - nghệ sĩ và khả năng khai thác tư liệu của một nhà nghiên cứu, Nguyễn Thế Kỷ đã tạo ra một câu chuyện dày dặn, lắm lớp lang, gần như hàm chứa những ưu điểm cốt lõi nhất, những điều cần thiết nhất mà thủ pháp tiểu thuyết đòi hỏi với hệ thống nhân vật, cảnh huống, cấu trúc ngôn ngữ, những mâu thuẫn, những diễn biến hết sức hợp lý.

Điều đáng nói thứ hai về sự độc đáo của Chuyện tình Khau Vai là việc xây dựng hệ thống nhân vật. Tác giả đã tạo ra được thêm nhân vật trung tâm bên cạnh nhân vật chính. Đó là nhân vật Tộc trưởng của người Giáy. Những nhân vật phụ như bà Tộc trưởng, người hầu Cố Sầu sau này là chồng nàng Út, Lả Nhinh người hầu của nàng Út đều được nhà văn khắc họa tinh tế, thiện ác rõ ràng…

Hấp dẫn và độc đáo nữa là khi viết một đề tài nào đó về vùng dân tộc thiểu số là một thử thách không nhỏ đối với các tác giả người Kinh. Chuyện tình Khau Vai đã vượt qua được thử thách ấy. Người đọc nhận ra rằng, đây là câu chuyện của những người dân tộc thiểu số. Nhận ra bởi sự ví von, đối đáp, tư duy được vật hóa gần gũi với đời sống. Nhận ra bởi tâm hồn con người luôn gắn liền, giao hòa với vật thể, từ ngọn núi, con suối tới hòn đá, nhành cây...

Trong tiểu thuyết này có rất nhiều đoạn thoại khá đặc sắc. Nguyễn Thế Kỷ đã nắm chắc được đặc tính ngôn ngữ dân tộc thiểu số mà tạo ra những đoạn thoại để độc giả tin cậy. Đó là những đoạn thoại ngắn, trực diện, giàu sắc thái ngữ điệu của người dân tộc thiểu số, tác giả đã chứng tỏ sự làm chủ thủ pháp đến độ nhuần nhuyễn khi viết tiểu thuyết, khi phản ánh tâm hồn và văn hóa các tộc người vùng cao. Trong cuốn tiểu thuyết này, có hai trường đoạn tả về đám ma và đám cưới của đồng bào hai dân tộc Giáy và Nùng. Đây là những chi tiết dễ xảy ra sự cố, sơ hở nếu tác giả không am tường văn hóa tộc người bản địa. Nguyễn Thế Kỷ đã chinh phục bạn đọc khi tái hiện một cách tinh tế hai hình thái văn hóa quan trọng này của hai dân tộc Giáy, Nùng chứ không phải chỉ kể chuyện, sao chép, mô tả lối sống, tập tục…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá, cùng với mô típ mang tính phát hiện, việc tác giả xây dựng hệ thống nhân vật trong Chuyện tình Khau Vai cũng là điểm độc đáo. Ở đây tác giả đã tạo thêm nhân vật trung tâm là Tộc trưởng của người Giáy bên cạnh các nhân vật chính, phát triển câu chuyện xung quanh hệ thống nhân vật này, vừa bảo đảm tính logic vừa khiến câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn đến trang cuối cùng.

Đọc Chuyện tình Khau Vai ta đau đáu trong lòng cảm giác luyến tiếc cho những chuyện tình dang dở nhưng lại ánh lên một niềm vui vì tấm lòng bao dung của người vợ, người chồng chấp nhận cho người chung chăn gối tìm lại với người xưa ở một phiên chợ. Có thể nói, tuy là tiểu thuyết đầu tay viết về đề tài miền núi nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc về một huyền thoại tình yêu rất đỗi nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao nguyên đá Hà Giang.

NGUYỄN VIẾT HIỆN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí ẩn một huyền thoại trong Chuyện tình Khau Vai