Một nhịp cầu trữ tình, mê đắm

11/12/2017 15:43

"Qua cầu” - Đấy là tiêu đề bài thơ của Nguyễn Huy hay đấy cũng chính là điểm phát lộ, khai sáng cõi hồn người viết?

"Qua cầu” - Đấy là tiêu đề bài thơ của Nguyễn Huy hay đấy cũng chính là điểm phát lộ, khai sáng cõi hồn người viết?  

“Qua cầu” được người viết chọn lựa một “góc hẹp” để mở. Một “lát cắt” để nhìn. Một mạch ngầm nhỏ để dẫn, nhằm, từ “góc hẹp” với lát cắt nhỏ kia, có thể mở ra cái thấm loang, cái xa rộng, lớn hơn. Và Nguyễn Huy đã tìm cách nhập đề bằng lối thả nhẹ vào tấm phông lớn một giọt nước, lấy sức gợi từ đó dào lên. Để rồi, dường như là ngẫu nhiên, ngơ ngác, phút “Qua cầu” nào đó đang mê cuồng, đang cháy lên trong tâm trạng “Người qua cầu” một trạng thái chung chiêng. “Một tôi vỡ vụn cơn say/Một em đi giữa những ngày chênh chao/Hoa xoan rụng tím phương nào/Ngọn đu còn mảnh yếm đào tháng giêng”...

Thì ra, qua hình ảnh “Ngọn đu còn mảnh yếm đào tháng giêng” ở câu thứ tư của khổ thơ thứ nhất này, “cái tình” chênh chao, với cơn say vỡ vụn... mới vỡ ra cái sự rằng: “Một em” với “Một tôi”. Với một mối tình trong bâng khuâng, tương ngộ. Trong đượm nồng, da diết. Trong mơ tưởng, chia xa ở cây cầu có thật trong địa danh quê hương, làng nước? Hay đấy chỉ là cây cầu tượng trưng mang hình ảnh với ý nghĩa trong dấu ấn cuộc đời, trong ngày tháng ta đang bước đi và gặp?

Phải chăng, đây là câu “chuyện tình” của “người khách” đa tình? Của tâm hồn đa sầu, đa cảm cứ mê hoặc, dẫn dắt người đọc bằng lối cuốn, lối nhập hòa giữa hai chiều là vậy. “Một chủ thể tư duy với một phía tiếp nhận nguồn truyền cảm” cứ giao thoa, cứ dồn tấp, cuốn trôi theo dòng tự sự. Và, cứ thế, câu chuyện lại mở ra, nối dài và đắp dầy nguồn thi hứng: “Hôm qua xem hội làng Chiềng/Voi nan lạc nẻo… đời quên mấy mùa/Đường quê xao xác gió lùa/Người đem xác pháo giao thừa về đâu”...

Đến đây, điểm sáng của “Qua cầu”, của thơ lại được mở, được thắp sáng thêm lần nữa “thiên tình sử" thật mong manh, giản dị, rằng “Người trai ấy, người con gái ấy. Họ gặp nhau trong lễ hội làng Chiềng. Và người xinh đẹp, mến thương ơi. Ai đã “phải lòng” ai. Để rồi, nỗi tương tư đến nỗi “...đời quên mấy mùa/Đường quê xao xác gió.../xác pháo giao thừa về đâu...”

Vâng. Tình là thế. Cái duyên của con tim yêu thương là thế. Ngọn lửa đẹp lặng thầm ta mang theo là thế. Có thể, trong đơn phương, người đeo nặng nỗi niềm này đã cầm tay, đã nói được câu gì, với người trong mộng? Nhưng, nỗi niềm lung linh, mơ tưởng về một người ta nhớ thương, là có thật. Là lúc này đang trĩu nặng trong góc lòng ta có. Là buổi ta “trở lại thôn Châu/... một màu cổ viên" đã khóa chặt hồn ta với rêu in lối cũ. Với “Ngút xanh bờ bãi tang điền”, với "Mây trời sông Mã còn nghiêng đáy lòng"...

Ở đây, câu thơ: “... Lối cũ màu cổ viên” với “Ngút xanh bờ bãi tang điền” thật hay, thật đắc địa. Bởi nó gợi cái mơ hồ, hoài niệm, cũ xa  của không gian, của nét hồn “người đang yêu” đứng trước cổ viên (vườn cũ) trước “tang điền”, nơi nương dâu, bãi bể trong biến thiên, vô định, vô thường. Nó thật gợi và gây nhiều ám ảnh.

Với mười bốn câu trong kết cấu của lục bát “Qua cầu”. Với nhiều câu thơ đã đẩy tới và trụ vững nơi bến bờ của cái hay, cái đẹp. Nguyễn Huy đã khá thành công ở nghệ thuật “khép mở” ở hai câu thơ kết: “Em sang cầu Bụt lấy chồng/Cơn mưa đổ lạnh cánh đồng… Và Tôi!”...

Cái hay của hai câu kết được người viết lấy làm “cái trụ”, tạo khả năng đồng hiện nhiều cảm rung mang “sức động”. Có một khoảng mờ xa, vò võ tháng ngày “ta” nhớ nhung, đeo đuổi hay chỉ sau phút giây gặp gỡ, mơ tưởng kia, thì em đã làm ta ngác ngơ, choáng váng. Em đã qua cầu Bụt theo ai trong lễ cưới, về làm dâu ai đó...

"Qua cầu” dù là mối tình ảo hay thật thì vẫn là bài thơ giàu rung cảm được đẻ ra từ nguồn say đậm chất trữ tình của Nguyễn Huy, cộng tác viên thân thiết, lâu năm của Báo Hải Dương.

KIM CHUÔNG

Qua cầu


Một tôi vỡ vụn cơn say
Một em đi giữa những ngày chênh chao
Hoa xoan rụng tím phương nào    
Ngọn đu còn mảnh yếm đào tháng giêng

Hôm qua xem hội làng Chiềng(*)
Voi nan lạc nẻo... đời quên mấy mùa
Đường quê xao xác gió lùa
Người đem xác pháo giao thừa về đâu

Bùi ngùi trở lại thôn Châu
Rêu in lối cũ một màu cổ viên
Ngút xanh bờ bãi tang điền    
Mây trời sông Mã còn nghiêng đáy lòng

Em sang cầu Bụt lấy chồng
Cơn mưa đổ lạnh cánh đồng... Và Tôi!...


(*) Làng Chiềng, nơi nổi tiếng nghề tre đan truyền  thống

NGUYỄN HUY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một nhịp cầu trữ tình, mê đắm