Lòng tốt gửi vào thiên hạ

22/01/2018 08:29

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có nhiều bài thơ được bạn đọc yêu thích. Trong đó, Dặn con được bình chọn là 1 trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có nhiều bài thơ được bạn đọc yêu thích. Trong đó, Dặn con được bình chọn là 1 trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX. Trong thi phẩm này, người đọc bắt gặp một tấm lòng thương người, thương đời sâu sắc được chuyển tải qua thể thơ 6 chữ thấm đẫm âm hưởng trữ tình.

Dân tộc ta có truyền thống coi trọng tình nghĩa, yêu thương và chia sẻ những hoàn cảnh gian nan, khó nhọc. Việc dạy dỗ con cái biết thông cảm cho hoàn cảnh của người khác là trách nhiệm của cha mẹ. Từ đó giáo dục tinh thần lấy nhân nghĩa mà ứng xử với nhau trong cuộc sống đời thường. Ngay từ khổ thơ mở đầu thi phẩm, lời dặn dò của người cha với con thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, giản đơn nhưng chan chứa nỗi niềm. Tác giả tâm sự thủ thỉ chứ không lên giọng cao đạo của kẻ bề trên, vừa có lý có tình nên người con cũng dễ bề thấu cảm: Chẳng ai muốn làm hành khất/Tội trời đày ở nhân gian/Con không được cười giễu họ/Dù họ hôi hám úa tàn.

"Chẳng ai muốn làm hành khất", câu thơ nhẹ mà sâu nhờ thủ pháp nói tránh đầy nghệ thuật. Tác giả không dùng từ ăn mày mà dùng từ Hán Việt "hành khất" hết sức trân trọng để chỉ người khách "hôi hám úa tàn" kia. Lý giải hoàn cảnh của họ, người cha giải thích cho con hiểu chẳng qua vì "tội trời đày ở nhân gian" chứ không ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh ấy. Giảng giải nhẹ nhàng, từ tốn để khơi gợi tình thương, sự cảm thông nơi con trẻ là cách thức dễ đi vào tâm hồn thơ ngây nhất, từ đó đánh động để đứa trẻ đồng tình và hưởng ứng theo mình: "Con không được cười giễu họ/Dù họ hôi hám úa tàn". Họ cũng là con người, có rách rưới dơ bẩn chẳng qua là do hoàn cảnh tạo ra, không nên khinh khi, giễu cợt họ mà mang tội. Phải thương người lắm, thấu hiểu tình đời lắm tác giả mới có những câu thơ gan ruột, nhẹ nhàng mà thẳm sâu đến thế.

Biết ứng xử có văn hóa và cảm thông cho người "hành khất" là cần thiết nhưng chưa đủ. Ở khổ thứ hai, dường như chưa yên lòng với con trẻ, người cha tỉ mỉ dặn dò thêm: Nhà mình sát đường họ đến/Có cho thì có là bao/Con không bao giờ được hỏi/Quê hương họ ở nơi nào.

Mỗi người ai cũng có một quê hương, sao người cha lại dặn con mình "con không bao giờ được hỏi"? "Không bao giờ" là cấm kỵ, điều không được phép, mạnh mẽ và quyết liệt lắm đấy. Dặn với thái độ dứt khoát thế chắc là người con sẽ không dám đâu. Con người ta nhiều lúc không dám nhận mặt quê hương mình, nhất là lúc gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vì cảm giác sợ quê hương bị "vạ lây". Đây không phải là tâm lý phụ rẫy mà là cảm thức trân trọng quê hương bản quán. Một vẻ đẹp nhân văn và sâu sắc trong tâm hồn con người Việt Nam. Người hành khất trong bài thơ gặp bước đường khốn khổ nên phải đi ăn xin độ nhật, người cha hiểu tâm lý bằng sự từng trải của mình nên đã khuyên con thật chí tình. Khổ thơ thứ hai vì thế có sức lan tỏa mãnh liệt. Lời thơ nhỏ nhẹ nhưng ý thơ là cảm thức chung của mọi xã hội, mọi thời đại. Thế mới biết làm thơ đâu cần phải đao to búa lớn, đâu cần phải ngoa ngôn, mỹ tự. Khi hồn thơ nhập với tình thương con người, cảm thông sâu sắc với số phận con người, thơ tất neo đậu vào lòng người vĩnh viễn.

Không chỉ dặn con ứng xử có văn hóa và tử tế với người ăn mày, tác giả cũng không quên nhắc nhở con về "Con chó nhà mình rất hư/Cứ thấy ăn mày là cắn". Nó hư vì nó không biết được lẽ đời như con người tinh khôn, ngoài sự cảnh giác còn phải có tình thương yêu đồng loại. Trong văn xuôi, cách gài chi tiết kiểu này thường được xem là rất đắt, với thơ lại càng quý giá bội phần, vì nhờ đó mà tứ thơ được tô đậm thêm khiến người đọc bừng ngộ nhiều điều lý thú. Chuyện con chó hung hăng với người hành khất là không được, con phải dạy nó tuân thủ phép nhà mình, nếu không được thì nên đem bán. Nhẹ nhàng là thế, tình và lý cũng rất rạch ròi buộc người con phải tìm cách xử lý cho phù hợp.

Trước người ăn mày đáng thương kia, người cha dặn con thủ thỉ, nhẹ nhàng hết điều này đến điều khác để rồi cuối cùng đúc kết thành một lẽ sống ở đời, một tiên lượng thật logic và chí tình về kiếp nhân sinh. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" (Trịnh Công Sơn), tình thương ấy biết đâu là tài sản quý giá sau này, là phước lành theo thuyết nhà Phật: Mình tạm gọi là no ấm/Ai biết cơ trời vần xoay/Lòng tốt gửi vào thiên hạ/Biết đâu nuôi bố sau này.

Khổ thơ có 4 dòng thơ, 24 tiếng mà khái quát sâu sắc tư tưởng tác giả trong việc khẳng định hiện tại, dự báo một tương lai bất trắc có thể xảy ra và hy vọng về một điều tốt lành đáp lại. Quan niệm nhà Phật về thuyết nhân - quả đã được Trần Nhuận Minh sử dụng nhuần nhuyễn trong khổ thơ này. Từ một hoàn cảnh đặc biệt của người ăn mày ở ba khổ thơ trên, tác giả đi đến một chiêm nghiệm mang màu sắc nhân văn và triết lý sâu sắc.

Mình no ấm phải thương yêu, giúp đỡ kẻ khốn khó, cơ hàn. Điều tưởng đơn giản mà không phải ai trên đời cũng thực hiện được. Vì vậy, khổ thơ cuối bài vừa như một lời khuyên, vừa như một tuyên ngôn sống của Trần Nhuận Minh: phải biết thương người, thương đời thì mới xứng đáng là một con người sống tử tế. Đơn giản mà cũng khó lắm thay.

AN ĐỨC

Dặn con

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.

TRẦN NHUẬN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lòng tốt gửi vào thiên hạ