Khát vọng tình yêu của một nữ sĩ

03/12/2017 13:16

Trong văn học trung đại Việt Nam, Hồ Xuân Hương - một nữ sĩ tài hoa lắm truân chuyên đã để lại bộ ba thi phẩm "Tự tình" đặc sắc và da diết tình người, tình đời: Tự tình (I), Tự tình (II), Tự tình (III).

Trong văn học trung đại Việt Nam, Hồ Xuân Hương - một nữ sĩ tài hoa lắm truân chuyên đã để lại bộ ba thi phẩm "Tự tình" đặc sắc và da diết tình người, tình đời: Tự tình (I), Tự tình (II), Tự tình (III). Trong đó, bài thơ Tự tình (II) được xem là điển hình cho tâm trạng cô đơn và nỗi lòng quạnh hiu của tác giả khi tuổi đã chiều tà bóng xế. Tiếng lòng ấy cũng chính là khát vọng tình yêu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ đương thời.

Bài thơ mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống báo canh dồn dập, thúc bách và hình tượng con người trong hoàn cảnh cô độc, lẻ loi: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/Trơ cái hồng nhan với nước non. Đọc hai câu thơ, điều đầu tiên chúng ta dễ dàng phát hiện ra sự đối lập trong nghệ thuật miêu tả thời gian và không gian của tác giả. Thời gian là đêm đã về khuya, lúc mà con người được nghỉ ngơi, yên an và hạnh phúc bên người thân trong gia đình mình. Bao nhiêu âu lo tất bật của một ngày được lắng lại qua giấc ngủ say nồng, êm ấm. Ngược lại, hình tượng con người - có thể xem đây là cái tôi trữ tình tác giả - lại thao thức không yên trước không gian nước non rộng lớn: "Trơ cái hồng nhan với nước non". Một chữ "trơ" kết hợp với lượng từ "cái" đi trước hai chữ "hồng nhan" càng làm nổi bật hơn thân phận người phụ nữ rẻ rúng và thương tâm. Hai câu thơ đầu được tập trung giới thiệu một hoàn cảnh, đúng hơn là một tình cảnh mà ở đó thông qua nghệ thuật đối lập để làm nổi bật tâm trạng của tác giả.

Trong hoàn cảnh tràn đầy nỗi niềm chua chát ấy, tác giả đành cất chén tiêu sầu giữa đêm khuya thanh vắng. Nhưng tiếng trống cầm canh vẫn không thôi dồn dập như báo hiệu thời gian đang gấp gáp, tàn phai. Càng uống rượu dường như tác giả càng tỉnh ra, càng nhận thấy nỗi sầu trống trải đến vô biên. Vầng trăng trên đỉnh trời xa như minh chứng cho tâm trạng nhà thơ cũng tràn đầy se sắt. Trăng và người, tất cả cứ chơi vơi, hao khuyết, "say lại tỉnh" giữa ngổn ngang của sự thế trớ trêu: Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Hai câu thơ tả thực hoàn cảnh cô đơn, ủ dột nên cũng buồn da diết như một tiếng thở dài ngao ngán, xót xa cho tình cảnh bóng lẻ đơn côi trên con đường duyên phận của nhà thơ. Nhưng vượt lên trên nỗi đau thân phận và sự trắc trở trong tình duyên, con mắt nhìn đời của nữ sĩ vẫn cứ nồng nàn và tràn đầy khao khát. Dường như trong cảm quan của Hồ Xuân Hương, sau mỗi lần thất bại ê chề về tình duyên, con mắt xuân tình của nhà thơ vẫn cứ mong ngóng, trái tim vẫn cứ run rẩy đợi chờ một hơi ấm tình yêu. Thế nên, cái cảnh hao khuyết của vầng trăng lẻ bóng, chén rượu buồn thương rồi cũng vụt qua nhanh mà nhường chỗ cho những gì non tơ, rún rẩy xuân tình vẫn len lỏi mà bừng thức cựa quậy trở dậy. Hai câu thơ luận được nhìn qua con mắt rạo rực của Xuân Hương nên cảnh sắc hiện ra thật sống động: Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

Một phép đối rất chỉnh, bổ sung cho nhau làm nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống. Phép đảo ngữ đã đưa các động từ mạnh lên đầu câu kết hợp với bổ ngữ đã tạo nên một sắc thái khác thường. Từng đám rêu xanh tưởng chừng bé nhỏ, yếu ớt thế mà giờ đây nó cũng biết "xiên ngang" để ngoi lên mặt đất mà sống trọn vẹn một cuộc đời đúng nghĩa. Mấy hòn đá tưởng như vô tri vô giác đứng lặng lẽ bên trời kia giờ đây cũng cựa quậy, muốn "đâm toạc" cả chân mây cho thoát kiếp tầm thường. Ô hay, đâu phải cứ gì thiên nhiên, tất cả hành động quyết liệt ấy xuất phát từ cái nhìn rạo rực của Xuân Hương cả đấy. "Thân này đâu đã chịu già tom" (Tự tình I), Xuân Hương nhất quyết bứt phá, vươn dậy để khao khát đi tìm tình yêu chứ không chấp nhận cảnh "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh" quá ngao ngán, đơn điệu. Rõ ràng, trong hai câu 5 và 6, cảnh vật và tâm trạng con người cứ hô ứng, đồng điệu. Nhờ đó, chúng ta phát hiện ra cái vẻ xuân tình nồng cháy của Hồ Xuân Hương qua bức tranh thiên nhiên sinh động và tràn đầy sức sống, muốn vươn lên để thoát khỏi kiếp sống bé nhỏ, tầm thường.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con


Xét về mặt nghệ thuật, có thể nói là Hồ Xuân Hương đã rất tuyệt bút ở hai câu thơ kết. Từ ngôn ngữ đến giọng điệu và sự ngắt nhịp, tất cả đều hài hòa một cách tuyệt đối với nội dung mà tác giả muốn biểu đạt. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật thường hay ngắt nhịp chẵn/lẻ (nhịp 4/3), nhưng ở đây cụ thể là câu cuối bài, tác giả sử dụng nhịp 2/2/1/2, có cảm tưởng cứ ngắt đứt ra từng đoạn, đồng thời với giọng thơ đay nghiến, chua chát, hình ảnh thơ tăng tiến (mảnh tình - san sẻ - tí - con con) đã diễn tả được tình cảnh đau đớn, buồn thương của tâm hồn tác giả. Bi kịch về đời người với biết bao khát vọng tình yêu và tuổi trẻ mãi mãi dừng lại phía bên kia rồi, giờ đây mỗi mùa xuân về càng chất ngất nỗi muộn phiền không thể phôi pha.

Tự tình II của Hồ Xuân Hương là một bài thơ hay viết về nỗi niềm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tâm trạng ấy chứa đựng cảm thức thời gian sớm tàn phai, úa rụng của kiếp người trước cái vô thủy vô chung của vũ trụ. Cao hơn hết, đó còn là khát vọng hiện sinh đầy nhân bản về tình yêu và hạnh phúc mà Hồ Xuân Hương là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói nữ quyền đầy bản lĩnh, giàu cá tính với một tiếng thơ đằm thắm, ân tình. Nên đến bây giờ đọc bài thơ vẫn chứa chan cảm xúc…


LÊ THÀNH VĂN

Tự tình (II)


Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.


HỒ XUÂN HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát vọng tình yêu của một nữ sĩ