Xúc động hoàn cảnh ra đời bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”

05/03/2022 07:02

“Gửi em ở cuối sông Hồng” - thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến là một trong những bài hát nổi tiếng của kho tàng âm nhạc cách mạng.

Ít ai biết rằng, bài thơ gốc được sáng tác vào ngày 20.2.1979, khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra được 3 ngày.

Nhà thơ Dương Soái sinh năm 1950 ở vùng quê chiêm trũng Hà Nam. Bước vào tuổi 18 ông gia nhập đoàn công nhân địa chất Hoàng Liên Sơn (nay thuộc địa phận hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái).

Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, nhà thơ Dương Soái đang là phóng viên của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Ông được ban lãnh đạo đài cử lên mặt trận ngay trong tháng 2.1979. Tại nơi tạm nghỉ trong các trận đánh, ông đã được gặp các chiến sĩ và người dân vừa từ mặt trận trở về.

“Có người trở về sau trận đánh máu vẫn còn chảy ròng ròng ở vết thương. Người về trước, người về sau, nhưng trông thấy nhau là… khóc vì “tưởng mày chết rồi!”. Khi biết tôi là nhà báo, các chiến sĩ nói với tôi rằng: Anh là nhà báo, anh phải nói với mọi người rằng: Còn chúng em, thì còn biên giới. Đặc biệt, ngay sau đó, các chiến sĩ nhờ tôi gửi những lá thư của họ về gia đình", nhà thơ Dương Soái từng chia sẻ.

Người thì gửi những lá thư đã cho vào phong bì dán tem, người thì gửi lá thư vừa viết vội chưa kịp cho vào phong bì mà chỉ mới kịp gấp làm 3. Thậm chí, có người chỉ kịp xin nhà thơ Dương Soái một tờ giấy để ghi vội vài dòng ngắn ngủi nhắn nhủ cho người thân ở nhà biết họ vẫn đang bình yên hoặc đưa cho nhà thơ địa chỉ rồi nhờ đánh điện về nhà báo tin họ vẫn còn sống.

Giai đoạn đó, phóng viên đi đưa tin không có phương tiện gì để truyền về ngoài trực tiếp về cơ quan. Vì vậy, sau khi thu đầy các cuốn băng về các mẩu chuyện – câu chuyện chiến đấu thì nhà thơ Dương Soái trở về phố Lu (Lào Cai). Thời điểm đó, người ta dồn tất cả các loại tàu lại để chở những người sơ tán từ biên giới vào sâu trong nội địa.

Trong lúc ngồi chờ đoàn tàu tiếp theo ở ga phố Lu, nhà thơ mới có thời gian lần giở những lá thư mà người nơi chiến trận gửi. Hoá ra, trong những lá thư đó, đa phần là địa chỉ ở Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hải Hưng… tức toàn những cái tên ở phía cuối sông Hồng.

"Điều này làm cho tôi dấy lên suy nghĩ, cuộc chiến này tập hợp rất nhiều con em ở dọc sông Hồng lên bảo vệ biên giới. Cộng với nỗi niềm của bản thân, một người cũng sinh ra bên cạnh sông Hồng… đã làm tôi cảm tác để viết nên bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Bài thơ sau đó được Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn in, sau đó báo Văn nghệ in”, nhà thơ Dương Soái kể.

Năm 1980, nhạc sĩ Thuận Yến tình cờ đọc được bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Ông đã phổ nhạc cho bài thơ, trở thành bài hát nổi tiếng.

THANH NGA(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xúc động hoàn cảnh ra đời bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”