Từ gợi ý của nhà văn Nguyễn Đình Thi

27/03/2022 08:02

Trong 1 buổi ngoại khóa của lớp báo chí, Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tôi may mắn được tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Trong 1 buổi ngoại khóa của lớp báo chí, Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tôi may mắn được tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Đình Thi. Hôm đó, ông giảng bài về văn học trong giai đoạn miền Bắc cải tạo xã hội chủ nghĩa và miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Ông nói: “Phải bám sát cuộc sống hằng ngày, phải nắm chắc mâu thuẫn xã hội đang đặt ra, phải có kiến thức xã hội và tư duy triết học để giải quyết mâu thuẫn”.

Cho đến lúc giải lao giữa buổi giảng bài, tôi đánh bạo vào gặp ông ở phòng khách. Ông bảo: “Có việc gì cứ hỏi, thời gian không dài đâu nhé”. Tôi giới thiệu với ông hai bản thảo truyện ngắn "Căn nhà trái hướng" và "Nơi đất trời gặp nhau". Tôi nói vắn tắt về truyện "Căn nhà trái hướng" là có một dãy nhà tập thể 10 gian hướng đông-nam, 10 gia đình ở với 10 hoàn cảnh khác nhau. Riêng có một nhà đục tường mở cửa ra phía sau là hướng bấc cho thuận việc đi lại làm ăn khuất tất, đã bị công an bắt trên đường buôn lậu. Truyện thứ hai là có anh làm bên địa chất suốt ngày xuyên rừng lội suối tìm mỏ, không có điều kiện tìm hiểu bạn gái để xây dựng gia đình. Một hôm trong chuyến đi anh gặp một trạm thiên văn trên đỉnh núi, ở đó có một cô gái đã ngoài 30 tuổi. Nơi đó đã diễn ra cuộc gặp của người chuyên làm việc dưới đất với người làm việc trên trời. Nghe đến đây ông vỗ mạnh vào đùi nói: “Được đấy, cậu đã tìm được tứ của truyện rồi đấy. Còn ở cái căn nhà cậu cho là trái hướng kia có người tốt, người xấu. Cái tốt sẽ thắng cái xấu chứ gì? Đó là quan điểm triết học mà các cậu đang học. Còn văn học, cùng quan điểm ấy, cậu giải quyết mâu thuẫn, đừng quá cứng nhắc về lý trí mà phải thuyết phục người đọc bằng lý tình thấu đáo”. 

Sang truyện thứ hai thì ông hỏi: “Cậu đã làm nghề địa chất rồi à?”. Tôi bảo: “Vâng! Em đã hơn chục năm học tập và làm việc trong ngành địa chất”. Ông bảo: “Thế là có vốn sống rồi đấy. Nhưng đừng quá nặng chi tiết nghề nghiệp. Ở truyện này cậu chọn được tứ của truyện rồi. Vậy thể hiện đúng tâm trạng của người đàn ông và đàn bà đã cao tuổi rồi mới gặp nhau. Viết như thế nào mà cuộc gặp nhau này như trời với đất gặp nhau, truyện sẽ thuyết phục được người đọc đấy”.

Chỉ có 15-20 phút thôi mà ông đã gợi ý, giúp tôi suy nghĩ rồi chỉnh lại hai truyện, nhất là phần kết. Truyện "Căn nhà trái hướng" tôi chỉ lướt qua việc công an đang theo dõi mà tập trung vào chủ đề căn nhà trái hướng không phù hợp với thiên nhiên, với quy luật nên đã bị mưa bão làm tốc mái. Tôi lấy câu người xưa nay vẫn nói: “Không nhân đả thì thiên đả” làm kết của truyện. Còn truyện "Nơi đất trời gặp nhau" tôi đi sâu vào tâm lý hai người gặp nhau trên đỉnh núi, mà cái đêm ấy chỉ có trăng sao và mây trời biết được sự hoan lạc của họ. Qua cuộc hoan lạc ấy họ đã có con, đứa con là sản phẩm thiêng liêng như của đất của trời trao cho. 

Từ đó đến nay khi xây dựng mỗi truyện, tôi đều suy nghĩ những lời ông góp ý: “Cốt truyện phải có tứ, thể hiện phải có tình có lý”.

NGUYỄN THANH CẢI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ gợi ý của nhà văn Nguyễn Đình Thi