Dở khóc dở cười chuyện xuất bản thơ

15/05/2017 09:32

Việc xuất bản thơ hiện nay khá dễ dàng nên nhiều cá nhân, tổ chức thường xuyên cho ra đời các ấn phẩm mới. Xoay quanh quá trình này có nhiều chuyện vui buồn và cả những tình huống dở cười dở khóc.

Hành trình vất vả


Hiện nay có ba cách thức để xuất bản thơ: các nhà xuất bản mua bản quyền của tác giả để xuất bản, các tổ chức đứng ra xuất bản các tuyển tập thơ và thứ ba là các tác giả tự xuất bản. Có một sự thật khá phũ phàng là người làm thơ thì nhiều nhưng tác phẩm thơ lại khó tiêu thụ trên thị trường nên cách xuất bản thứ ba hiện đang phổ biến nhất. Chi phí để xuất bản một tập thơ dao động trong khoảng từ 7-10 triệu đồng nên để cho ra đời một tập thơ các tác giả nhiều khi đau đầu với vấn đề "đầu tiên" (tiền đâu).

Các tập thơ của tác giả Tạ Kim Khánh (Bình Giang) được ra đời từ những đồng nhuận bút ông chắt chiu và tiền thưởng khi được giải các cuộc thi thơ. Nhuận bút thơ thì thấp nên phải được báo đăng cả trăm bài mới đủ để in một tập thơ. 

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã có những lần phải cho hội viên vay tiền xuất bản thơ rồi trừ dần vào nhuận bút và kinh phí hỗ trợ sáng tác do Nhà nước cấp. "Yêu thơ nên phải... đánh liều vì thơ", là câu bình luận vui các tác giả vẫn dùng khi nhắc đến những trường hợp này.

Để duy trì phong trào thơ, tác giả Bùi Bá Tuân, Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ tỉnh Hải Dương phải tài trợ toàn bộ tiền in ấn các tuyển tập thơ. Kể từ khi ra đời, câu lạc bộ đã xuất bản được 3 tập Thơ xứ Đông, mỗi tập đều dày trên dưới 300 trang, kinh phí in ấn khoảng 50 triệu đồng mỗi tập (cho 1.000 bản). Xuất bản tuyển tập thơ không chỉ tốn nhiều kinh phí hơn xuất bản thơ của cá nhân mà còn khiến người đứng ra xuất bản hết sức vất vả trong khâu biên tập. "Chúng tôi vẫn gọi vui thơ của câu lạc bộ là "thơ vườn" nên biên tập, chỉnh sửa rất mất công. Hầu hết các bài gửi đến tôi đều phải sửa. Mà sửa thơ thì phải rất thận trọng, sửa bài nào cũng phải trao đổi, xin ý kiến của tác giả. Nhiều khi phải giải thích, thuyết phục họ mới tâm phục khẩu phục. Để chọn được 200 bài để in thì tôi phải đọc tới hàng trăm bài", tác giả Bùi Bá Tuân cho biết.

Sau khi các tập thơ ra đời, cách phát hành, biếu tặng khá phong phú. Câu lạc bộ Thơ tỉnh Hải Dương tặng mỗi tác giả có bài in một tập, những tác giả không có bài in thì được mua với cách khuyến mãi "mua 1 tặng 1". Câu lạc bộ Cựu giáo chức tỉnh thì lấy tuyển tập thơ làm phần thưởng cho các hội viên đạt thành tích xuất sắc trong năm. Còn các cá nhân đa phần sử dụng tập thơ làm quà tặng những người thân thiết. Tác giả Xuân Vàng (ở xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) đã xuất bản một tập thơ và vẫn nuối tiếc vì chỉ in 400 bản nên đã phát hành hết. Bây giờ, mỗi khi muốn tặng ai, ông lại phải photo bản chính để tặng. Đó cũng là nỗi niềm của nhiều tác giả, thôi thúc họ tiếp tục cho ra đời những tập thơ mới.

Những sự cố oái oăm

Để cho ra đời một tập thơ, các công đoạn như chọn bài, biên tập, nhờ người viết lời giới thiệu, chọn thiết kế, bìa, minh họa... đều tiềm ẩn những rủi ro khiến người thực hiện nhiều khi "méo mặt". Tác giả Phạm Ánh Sao, Trưởng Ban Thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã xuất bản 7 tập thơ trong gần 10 năm trở lại đây nên ông nếm trải khá nhiều trắc trở trong việc xuất bản. "Có tập thơ in xong rồi mới thấy bìa họ thiết kế không đúng ý mình, có tập thì chữ in bị mờ, kích thước không phù hợp, có tập thì tôi lại không ưng ý với 1, 2 bài đã chọn. Những lần đó, tôi đều "dũng cảm" đề nghị thay bìa hoặc in lại hoàn toàn. Tuy có mất công, tốn thêm chi phí nhưng được cầm trên tay đứa con tinh thần ưng ý vẫn là quý giá nhất", tác giả Ánh Sao nhớ lại.

Bên cạnh việc xuất bản thành tập thơ, các tác giả còn thích hình thức xuất bản trên sóng phát thanh, truyền hình vì được nhiều người biết đến cùng một lúc. Tác giả Thanh N. (Nam Sách) đã rất vui mừng khi được thông báo một bài thơ của bà được chọn ngâm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tối đó, bà mời đông đủ bạn bè, hàng xóm tới nhà ăn tối và chờ nghe thơ. Mấy mâm cơm vơi dần, vơi dần mà mãi không thấy thơ phát trên đài. Hôm sau bà mới được thông báo lại là chương trình bị tạm hoãn. Lần nghe thơ hụt ấy là kỷ niệm tác giả Thanh N. nhớ mãi.

Việc xuất bản thơ giúp cho thơ của các tác giả đến được với đông đảo bạn đọc hơn nhưng cũng có mặt trái là khiến nguy cơ bị "đạo thơ" cũng cao hơn. Tác giả Phú Ninh (TP Hải Dương) có một kỷ niệm "dở khóc dở cười" khi được mời làm giám khảo một cuộc thi thơ, ông phát hiện ra một số bài thơ của mình được gửi tới dự thi bằng tên... người khác. Tìm gặp người đó, ông được biết họ chép từ một tập thơ ông đã xuất bản để gửi đi dự thi cho đủ chỉ tiêu đã được giao.

Tuy việc xuất bản thơ có thể có những gian nan như vậy song hầu hết các tác giả đều mong muốn cho ra đời những tuyển tập của riêng mình. Đó là những dấu ấn đẹp trong cuộc đời của họ và góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dở khóc dở cười chuyện xuất bản thơ