Chuyện về 2 nhà văn liệt sĩ nổi tiếng

24/07/2022 08:10

Với tinh thần "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, trong các cuộc kháng chiến, nhiều nhà văn, nhà thơ đã ra chiến trường trực tiếp chiến đấu hoặc dùng "ngòi bút" của mình cổ vũ cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Với tinh thần "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, trong các cuộc kháng chiến, nhiều nhà văn, nhà thơ đã ra chiến trường trực tiếp chiến đấu hoặc dùng "ngòi bút" của mình cổ vũ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh.

Nam Cao (1915-1951)

Ngày 30.11.1951, trên đường đi công tác vào vùng địch hậu liên khu 3, nhà văn Nam Cao đã hy sinh tại vùng giáp ranh giữa Ninh Bình và Hà Nam.

Theo lời kể của nhà văn Tô Hoài, người rất thân thiết với Nam Cao, thì chuyến ấy  Nam Cao đi Thanh Hoá dự một hội nghị về văn nghệ. Hội nghị kết thúc, lẽ ra ông trở về Việt Bắc theo đường số 6, nhưng ông lại muốn về thăm lại làng mình (làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam ngày nay) để nắm thực tế vì nghe nói làng quê đã thành làng du kích.

Chuyến đó, Nam Cao đi theo một đoàn cán bộ tuyên truyền thuế nông nghiệp, đi bằng 7 chiếc thuyền nan, vì lúc đó vùng chiêm trũng Ninh Bình, Hà Nam đang ngập nước trắng băng. Nam Cao cùng mấy cán bộ lãnh đạo ngồi chiếc thuyền đầu.

Trước đó, liên lạc viên đã thông báo là trên đường không có địch, nhưng khi đoàn vừa đến làng Vũ Đại ở Gia Xuân, Gia Viễn thì sa lưới một toán quân địch phục kích. Theo lời kể của các cán bộ trong đoàn, thì chỉ mình thuyền đi đầu bị bắt, các thuyền sau chạy thoát cả.

Các cán bộ bị địch bắt giam ở nhà thờ thôn Mưỡu Giáp. Rồi trong đêm hôm đó, có một anh cán bộ tìm cách bỏ trốn mà không thoát, nên sáng hôm sau, bọn giặc đem tất cả ra bắn ở cánh đồng Mưỡu Giáp rồi chôn ngay ở đó. Lúc đó Nam Cao mới 36 tuổi.

Nhiều người cảm thấy kỳ lạ khi ngôi làng nơi Nam Cao hy sinh lại có tên là làng Vũ Đại, đúng tên làng mà nhà văn hư cấu ra khi viết các tác phẩm "Chí Phèo" ("Đôi lứa xứng đôi"), "Chết mòn" (sau đổi thành "Sống mòn").

Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn, 1928-1968)

Trong đợt thứ hai của chiến dịch Mậu Thân, tháng 5.1968, tác giả của những tác phẩm được yêu thích trong kháng chiến chống Mỹ như truyện ký "Người mẹ cầm súng", truyện ngắn "Mẹ vắng nhà", nhà văn Nguyễn Thi đã bị quân địch bao vây giữa lòng thành phố. Ông đã cầm súng trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong tư thế của một người lính cảm tử ngay tại quận 5, Sài Gòn.

Dù hài cốt của ông không được tìm thấy, nhưng nhớ đến sự hy sinh anh dũng của ông, ngày nay con phố mà ông cầm cự ngoan cường và hy sinh ngày 9.5.1968, đã được đặt tên đường Nguyễn Thi. Đây là con đường chỉ dài mấy trăm mét, nối từ Bưu điện quận 5 đến đại lộ Võ Văn Kiệt.

Hy sinh lúc vừa tròn 40 tuổi, di cảo của Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi có tiểu thuyết "Ở xã Trung Nghĩa" chỉ mới viết được 3 chương. Các tác phẩm của ông sau đó được tiếp tục in lại như "Trăng sáng" (1972), "Năm tháng chưa xa" (1985)…

Năm 2000, nhà văn Nguyễn Thi đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 12.2011, ông đã vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với hai liệt sĩ văn nghệ sĩ là nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) và nhạc sĩ Hoàng Việt (Lê Chí Trực).

NGỌC THANH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về 2 nhà văn liệt sĩ nổi tiếng