Cái chiếu của nhà văn Nguyễn Tuân

18/09/2022 07:04

Tháng giêng năm 1969, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Viện Văn học, Tổng Công đoàn Việt Nam, tổ chức Hội nghị Văn học Công nhân lần thứ nhất trong 3 ngày tại Nhà Giao tế Bãi Cháy.

Tháng giêng năm 1969, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Viện Văn học, Tổng Công đoàn Việt Nam, tổ chức Hội nghị Văn học Công nhân lần thứ nhất trong 3 ngày tại Nhà Giao tế Bãi Cháy. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “Văn học Công nhân” ra đời. Lúc đó, đây là địa chỉ sang trọng nhất ở Quảng Ninh, chỉ dành riêng tiếp các đoàn ngoại giao và lãnh đạo cao cấp của các nước đến nghỉ khi thăm vịnh Hạ Long. Chủ trì hội nghị là ông Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bí thư Đảng đoàn Văn hóa văn nghệ. Hội nghị có khoảng 100 người dự, trong đó khoảng 70 tác giả là các cây bút sáng tác về đề tài công nhân đến từ 4 địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và Thái Nguyên.

Ngay đêm đầu tiên trong chương trình hội nghị, sau chiêu đãi của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh  có cuộc gặp gỡ thân mật các nhà văn, bây giờ gọi là giao lưu, tại căn phòng rộng và đẹp nhất của Nhà giao tế, nơi thường tổ chức các tiệc chiêu đãi quốc tế của Việt Nam tại Quảng Ninh. Trừ một tấm bảng rộng căng trên khung vải, dán chữ đỏ trên nền trắng để ở sát tường, chào mừng các nhà văn tham dự chương trình, còn cả phòng không có trang trí gì. Các nhà văn tự trải chiếu ngồi trên nền gạch hoa để tham dự.

Nhà văn Nguyễn Tuân chọn một cái chiếu ưng ý để ở góc tường, rồi trải trên nền nhà ở một góc chéo về tay trái của tấm phông và ngồi xếp bằng tròn ở giữa. Trông thấy tôi đứng bên, ông mỉm cười gật gật, vì tôi đã hai lần được gặp ông, một lần ở hành lang tầng 2, một lần ở nhà của nhà thơ Hồ Thiện Ngôn. Về Hà Nội thời đó, tôi thường ở tại nhà ông Hồ Thiện Ngôn. Không nhớ hôm đó, ông gặp ông Ngôn có việc gì. Tôi cũng không biết thời gian đó, nhà ông có ở tại khu 2 Cổ Tân hay không. Nghĩ là ông nhớ ra tôi, tôi bèn dè dặt ngồi xuống một góc chiếu, ông lập tức hất tay đuổi thẳng. Ông bảo: “Đây là cái chiếu của tôi. Cậu phải tự trải lấy một cái chiếu riêng để mà ngồi giữa làng văn. Nghe chưa?”. Tôi đứng lên hơi ngượng và nhận ra sự sâu sắc thâm hậu của câu nói có vẻ bâng quơ này. Tôi vòng ra phía sau, đứng ở ngoài rìa, nghe các nhà thơ, nhà văn nói chuyện, đọc thơ và quan sát ông. Thấy đến hết buổi, ông vẫn ngồi ở giữa chiếu một mình. Ngày hôm sau và sáng hôm sau nữa, các nhà văn lớp trước đã bàn bạc, hướng dẫn và dạy bảo lớp trẻ chúng tôi, nhưng tôi thấy không câu nào của bất cứ ai thật sự có ý nghĩa và thấm vào tôi như câu nói của nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân.

Khóa học 1972 - 1973, nhà văn Nguyễn Tuân là thầy dạy chúng tôi ở Trường Viết văn trẻ Quảng Bá, Hà Nội. Đến nay, tôi đã gần 80 tuổi, có 54 tác phẩm ở nhiều thể loại, cả thơ và văn, đều được tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng, được đưa vào sách giáo khoa phổ thông và đại học, ở trong nước và nước ngoài. Nhiều lúc tôi cứ lẳng lặng suy ngẫm và nhủ thầm: Không biết đến lúc này, mình đã tự trải được một chiếc chiếu riêng của mình để mà ngồi ở giữa làng văn như thầy tôi đã dạy hay chưa?

TRẦN NHUẬN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái chiếu của nhà văn Nguyễn Tuân