Ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày giải phóng Thủ đô

10/10/2021 14:32

Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày giải phóng Thủ đô.

Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày giải phóng Thủ đô.

Nói “kỳ lạ” bởi ca khúc được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Bài hát này đã có những tiên đoán thần kỳ, bởi ngày trở về tiếp quản Thủ đô với những hình ảnh không khác gì “kịch bản” mà Văn Cao đã vẽ ra trong Tiến về Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố...”.

Trong những tư liệu hiếm hoi còn lại, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội”. Ông bảo vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với ông thời đó còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân. Vì hoàn cảnh chiến tranh có thể kéo dài không biết đến bao giờ nên ông đã mang theo vợ con vượt đường số 6 đi bộ gần một tháng mới về đến chợ Đại thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Nội). Đây từng được xem là “thủ phủ” của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

“Về tới chợ Đại chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.

Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm... Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".

Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...”. Chỉ hai tuần lễ sau đó tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội", khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát "Tiến về Hà Nội" của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy”.

HD (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày giải phóng Thủ đô