Ông nội tôi

03/10/2021 10:42

Ông nội tôi đã mất hơn bốn mươi năm rồi. Khi ấy, bố tôi còn là một đứa trẻ mới chập chững tập đi. Tôi chỉ biết về ông qua bức ảnh thờ và những lời kể của bà nội.



Chiều thu, tôi rảo bước trên con đường từ trường về nhà. Trời trong xanh không một gợn mây, thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Hôm nay, tôi vô cùng phấn chấn vì đã làm được một bài toán thật khó mà thầy giáo giao cho học sinh năng khiếu. Bỗng tôi nhìn thấy một cậu bé chừng năm tuổi ngồi sau xe đạp của một người đàn ông đã lớn tuổi.

Cậu bé vừa ríu rít gọi: “Ông ơi! Ông ơi!” vừa hỏi đủ thứ chuyện. Tôi đứng sững lại nhìn theo và một nỗi buồn tràn đến xâm chiếm lòng tôi. Tôi buồn vì chưa bao giờ được gọi hai tiếng: “Ông ơi”, chưa được ông đưa đi chơi hay bế ẵm. Ông nội tôi đã mất hơn bốn mươi năm rồi. Khi ấy, bố tôi còn là một đứa trẻ mới chập chững tập đi. Tôi chỉ biết về ông qua bức ảnh thờ và những lời kể của bà nội.

Bà kể rằng ông ngày xưa lịch lãm lắm, gương mặt luôn lộ vẻ thông minh, uyên bác. Có rất nhiều cô gái ngưỡng mộ nhưng ông chỉ chọn bà. Vì bà là một người phụ nữ đảm đang, buôn bán giỏi, xinh đẹp nức tiếng thời đó ở quê tôi. Nghe bà kể, tôi đã mường tượng rằng ông và bà rất đẹp đôi, là một cặp trai tài, gái sắc.

Ông tôi học rất giỏi. Tôi rất ngưỡng mộ ông nội của mình. Tôi ước rằng mình giỏi được bằng một phần như ông thì cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Bà còn nói, khi ấy thị trấn quê tôi còn nhiều khó khăn, lạc hậu nên sau khi học xong ông đã tự nguyện xin về xây dựng quê hương. Sau một thời gian ngắn làm công tác, ông đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch thị trấn. Ông làm việc trách nhiệm, tất cả vì cộng đồng nên được mọi người vô cùng yêu mến. 

Bà còn kể, ông là một người tốt bụng, hay giúp đỡ người nghèo. Mặc dù lương thấp nhưng ông sẵn sàng giúp đỡ bà con xóm phố nếu có thể. Cũng may, thời đó việc buôn bán của bà rất thuận lợi nên mọi việc chi tiêu trong gia đình bà đều lo được. Ông hiểu bà ngầm ủng hộ mình nên càng nhiệt tâm hơn với mọi công việc được giao. 

“Vậy mà, ông trời không chiều lòng người. Vào lúc ông đôn đáo với dự án đem ánh sáng về với thị trấn quê ta thì ông bị tai nạn tàu hỏa và ra đi mãi mãi…”. Mỗi lần nhắc lại nỗi đau này, bà lại khóc nấc lên khiến các con cháu ai nấy đều xót xa. Hôm đó, tờ mờ sáng, ông đã ra ga tàu để đi họp. Từ nhà ra ga chỉ một đoạn ngắn, không hiểu sao ông không đi đường bộ mà lại đi dọc theo đường tàu. Có thể do mải nghĩ công việc nên ông đã không nghe thấy tiếng còi tàu… 

Nghĩ về ông bao nhiêu, tôi lại càng thấy thương bà bấy nhiêu. Bà đã mất chồng khi mới hai mươi chín tuổi và phải trở thành trụ cột chính, gánh vác cả gia đình với bốn người con trai nheo nhóc. Từ khi ông mất, việc buôn bán của bà cũng gặp nhiều khó khăn. Bà phải lăn lộn để kiếm từng đồng bạc lẻ, đã có lần phải gửi lại các con để vào Nam kinh doanh, lập nghiệp. Rồi nhờ sự đảm đang, tháo vát của bà mà gia đình đã dần khấm khá lên. Bà vừa làm mẹ vừa làm cha, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Bây giờ bà già yếu rồi, có đôi khi khó tính, đôi khi làm thằng cháu trai của bà là tôi bực dọc. Nhưng trong thâm tâm, tôi vô cùng kính trọng ông, yêu thương và khâm phục bà.

Nghĩ đến đây, hai mắt tôi cay xè, cố nén những giọt nước mắt chực tràn khỏi mi, tôi chạy ào về nhà. Thấy bà đang nằm đưa võng, tôi ào vào, ôm chầm lấy bà, dụi dụi đầu vào người bà và cảm thấy ấm áp vô cùng. Tôi biết, mặc dù ông đã về với tổ tiên, nhưng ông sẽ vẫn luôn dõi theo và che chở cho cả gia đình. Có thể lúc này đây, ông đang mỉm cười khi thấy gia đình của mình ngày một an vui, thị trấn của mình ngày càng vững mạnh và tiến lên phía trước.            

VŨ TUẤN KHANG 
(Nhóm bút Hương Hoàng Lan, thị trấn Cẩm Giang, Cẩm Giàng)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông nội tôi