Ký ức của ông

30/04/2020 10:24

Lúc thảnh thơi, ông lại kể những kỷ niệm kháng chiến cho tôi nghe.



Mấy đêm nay, ông nội tôi ngủ không ngon giấc. Ông hay mê sảng khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Tôi nằm ngủ ở phòng bên cạnh nên nghe rõ mồn một. Đêm thì ông hét lên: “Xuống hầm đi. Nó cắt bom đấy”, đêm thì ông hô: “Anh em ơi! Xung phong!”, đêm nay ông bỗng khóc tu tu... Những lần ông mê như thế, bà tôi liền bật điện, lấy nước cho ông uống rồi an ủi:

- Thôi! Ông đừng nghĩ ngợi gì nữa. Sắp đến ngày kỷ niệm chiến thắng thì ông phải mừng chứ. Cứ mê sảng thế này hại người lắm, huyết áp lại tăng cho mà xem. Vết thương cũ mà tái phát thì biết làm sao?

Giọng ông mệt nhọc:

- Tôi cũng không hiểu sao dạo này mình cứ hay mơ về những ngày tháng chiến tranh ác liệt. Thương đồng đội hy sinh quá bà ạ! Vừa nãy tôi mơ cả trung đội bị bom, chẳng còn một ai. Duy nhất mình tôi sống sót thì chẳng nhìn thấy gì. Mắt tôi cứ tối sầm lại. Tôi khóc đúng không bà?

- Chỉ là giấc mơ thôi! Ông gắng ngủ lại đi! 

Bà tắt điện. Phòng bên im lặng. Tôi không biết ông có dễ dàng ngủ lại hay không, còn tôi cứ trằn trọc mãi. Tôi nghĩ đến vết thương bên thái dương của ông khiến mắt phải ông mất hẳn thị lực. Ban ngày ông vẫn đeo kính râm mỗi khi đi ra đường, những lúc ở nhà thì ông bỏ kính ra cho thoáng. Tôi nhìn suốt nên quen chứ mấy đứa bạn học của tôi bất chợt đến nhà chơi khi ông chưa kịp đeo kính là tụi nó sợ.

Ông nội tôi từng là lính trinh sát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông may mắn sống sót trở về với thương tật trên người. Hồi bà mới sinh bố tôi còn đỏ hỏn thì ông lên đường đi B. Sau này ông bà không dám sinh thêm người con nào nữa vì bác sĩ cảnh báo những di chứng của chất độc màu da cam rất nguy hiểm. Nhiều lần ông kể cho tôi nghe về những tháng ngày đánh giặc gian khổ mà ông đã trải qua. Ông bảo đã là lính trinh sát thì phải đặc biệt tinh nhạy, sẵn sàng vượt qua mọi địa hình. Để trận chiến thắng lợi thì ta phải nắm bắt được tình hình của kẻ thù. Mọi sai sót sẽ phải trả giá rất đắt, vì thế dù có khó khăn, nguy hiểm cũng không thể lùi bước. Ban đêm ông và đồng đội hóa trang, bí mật bò vào cứ điểm để quan sát, nhớ chính xác từng vị trí, ngóc ngách của địch, tổng hợp tình hình rồi báo cáo chỉ huy. Khi gặp địch thì ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm. Vậy mà trong những tình thế ngặt nghèo đó, ông cũng tìm mọi cách để thoát được vòng vây của địch. Tôi miên man nhớ lại lời kể của ông rồi thiếp đi lúc nào không biết…

Tiếng nước xối ngoài vườn làm tôi tỉnh giấc. Ông đã dậy ra vườn tưới cây, tưới rau mặc dù đêm qua ông ngủ chẳng ngon. Rất hiếm khi ông chịu ngồi yên một chỗ. Tôi chạy ra giúp ông một tay:

- Ông ơi! Mấy đêm rồi con nghe thấy ông mê sảng. Ông có mệt lắm không?

Ông cười hiền:

- Con cũng thính ngủ nhỉ. Ông không thể lý giải nổi. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày 30.4 là ông hay nằm mơ thấy đồng đội, những trận đánh năm xưa rõ lắm - ông ngừng tay tưới cây, thừ người ra - Kỷ niệm ngày đại thắng nhưng cũng là ngày giỗ của các ông ấy. Ông được trở về là may mắn lắm rồi. Biết bao người mãi mãi nằm lại chiến trường. Thế hệ các con, các cháu không được lãng quên sự hy sinh đó… 

- Hai ông cháu vào ăn sáng đi! - tiếng bà giục giã.

Khi cả nhà quây quần bên bàn ăn, ông chép miệng:

- Dịp này không họp hội đồng ngũ được rồi. Chờ dịch Covid-19 bị đánh tan thì nhất định phải họp mặt mới được. 

Cả nhà đều biết tâm tư của ông lúc này, rằng ông đang rất nhớ đồng đội.

Lúc thảnh thơi, ông lại kể những kỷ niệm kháng chiến cho tôi nghe. Ông dặn tôi phải viết vào một quyển sổ. Mỗi lần đọc lại những dòng ký ức của ông, tôi càng thêm tự hào bởi ông tôi đã đóng góp một phần công sức, viết nên bản hùng ca Đại thắng mùa xuân năm 1975.

VŨ THỊ THANH ANH(Lớp 10F, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức của ông