Chuyến đi bổ ích

30/04/2021 20:44

Trên đường ra về, tôi vẫn còn nghĩ đến những hiện vật chiến tranh được lưu giữ trong bảo tàng.

Thời tiết chuyển mùa những tuần gần đây làm cho hai bàn chân ông tôi sưng phồng lên, đau đớn và khó chịu. Tôi biết vết thương của ông từ những năm tháng chiến tranh lại tái phát. Bố tôi quyết định đưa ông đi khám ở Bệnh viện Quân y 108, nơi chú tôi làm bác sĩ và tiện thể cho anh em tôi đi chơi thủ đô một chuyến để nạp năng lượng sau những ngày nghỉ chống dịch tù túng.

Trên đường đi, bố tôi hỏi ông thích đi thăm địa điểm nào ở Hà Nội thì ông bảo: “Dịp này, nhất định ông cháu tôi phải đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam”. Tôi biết ông muốn dạy chúng tôi phải biết nhớ về quá khứ, nhớ về công ơn của lớp lớp người đi trước đã đổ bao máu xương mới giành lại được độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngày trước, ông nội tôi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nên cứ gần đến ngày kỷ niệm sự kiện trọng đại đó là ông thường hào hứng kể chuyện về những trận đánh như huyền thoại. Những k‎ý ức đã lùi xa gần nửa thế kỷ mà ông vẫn nhớ rõ mồn một. Từng sự kiện như những thước phim quay chậm, hiện ra trong lời kể của ông. Anh em tôi chăm chú lắng nghe nên suốt chặng đường ô tô gần hai tiếng đồng hồ, tôi tỉnh như sáo và không có cảm giác say xe.

Ba bố con tôi đưa ông vào viện khám, làm các xét nghiệm và chụp chiếu. Vì chú tôi xếp hàng, nhận số thứ tự từ sớm nên ông không phải chờ lâu. Ăn cơm trưa ở nhà chú tôi xong, nghỉ ngơi một lúc, ông giục bố tôi đưa đi thăm bảo tàng. Tôi biết Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia nên tôi và em gái cũng háo hức được đến tham quan. Từ nhà chú tôi ra bảo tàng chỉ mất hơn chục phút đi taxi. Đến nơi, tôi thấy du khách khá đông, có cả khách quốc tế. Ông bảo: “Sắp đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên bảo tàng đông hơn là đúng rồi”.

Anh em tôi được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật tiêu biểu về lịch sử quân sự Việt Nam, trong đó có những chiếc xe tăng, máy bay… từng xông pha chiến đấu trên chiến trường. Những hiện vật ấy đã trở thành chứng nhân của một thời oanh liệt. Mỗi hiện vật đều gắn với những câu chuyện thú vị, hấp dẫn qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên du lịch. Thấy cô thuyết minh chưa đủ chỗ nào, ông tôi lại bổ sung và giảng giải cặn kẽ. Mọi lần, trong giờ học môn lịch sử, tôi cứ phải tưởng tượng nhưng bây giờ, mọi thứ hiện ra trước mắt, rất cụ thể và gợi nhiều ý ‎nghĩa làm tôi chững lại, ngắm nghía thật lâu. Chiến thắng 30.4 dường như vẫn nguyên vẹn cảm xúc trong lòng ông tôi. Nghĩ về chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn này, ông dặn con cháu phải mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại và các anh hùng liệt sĩ... Ông đứng lặng hồi lâu như tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh.

Thấy tôi đứng cạnh ông lâu quá, em gái tôi hồn nhiên gọi: “Anh Khanh ơi! Lại đây mà xem” - em vẫy tôi đến góc triển lãm Thư nhật ký thời chiến và khu trưng bày sách với chủ đề: “Tiếp bước truyền thống quân đội anh hùng”. Một loạt cuốn sách hay với tên sách thật ấn tượng hiện ra trước mắt tôi: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Đại thắng mùa xuân, Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập, Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30.4.1975, Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định... Tôi ao ước thốt lên: “Giá mà mình có những cuốn sách kia thì tốt biết mấy”. Bố tôi đứng cạnh nghe thấy, bèn vỗ vai tôi: “Bố sẽ mua tặng các con”. Em gái tôi reo lên vui sướng: “Thật thế hả bố? Con sẽ đọc và viết bài dự thi đại sứ văn hóa đọc, bố ạ!”. Ông tôi ngoảnh lại: “Phải rồi, các cháu phải dành thời gian đọc sách để hiểu biết về lịch sử của dân tộc mình”.

Trên đường ra về, tôi vẫn còn nghĩ đến những hiện vật chiến tranh được lưu giữ trong bảo tàng. Hình ảnh Cột cờ Hà Nội in mãi trong tâm trí tôi. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên bầu trời của thành phố hòa bình như nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi phải biết trân quý ‎và giữ gìn những gì tốt đẹp mình đang được hưởng. Tôi thầm cảm ơn ông về chuyến đi bổ ích này.

VƯƠNG TUẤN KHANH
(Lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyến đi bổ ích