Những tờ tiền lẻ

19/12/2021 09:12

Hồi bé, tôi từng mê mẩn xếp gọn những tờ tiền lẻ tiết kiệm từ bữa ăn sáng rồi lại chắt chiu từng đồng để mua những món đồ lặt vặt trước cổng trường.



Hồi bé, tôi từng mê mẩn xếp gọn những tờ tiền lẻ tiết kiệm từ bữa ăn sáng rồi lại chắt chiu từng đồng để mua những món đồ lặt vặt trước cổng trường. Tuy ít ỏi nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng đối với một đứa có hoàn cảnh gia đình khó khăn như tôi. Kỷ niệm trong những tờ tiền ấy đọng lại hóa thành những cảm xúc đặc biệt mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Mỗi khi nhìn thấy những tờ tiền lẻ, kỷ niệm trong tôi lại bất chợt ùa về.

Năm ấy nhà tôi gặp khó khăn, mẹ gặp tai nạn lao động nên không thể tiếp tục làm việc ở xưởng. Bố tôi vốn ốm yếu, giờ lại gánh vác việc nuôi cả một gia đình sáu miệng ăn nên càng mệt mỏi, khiến bố như biến thành con người khác. Bố sinh ra nóng nảy và hay cáu giận vô cớ. Tôi lúc ấy cũng phải vừa trông em vừa đi làm việc lặt vặt, phụ bán hàng để kiếm chút tiền thêm vào mua rau mắm. Tôi cũng chẳng dám đi ăn quà cùng các bạn như trước nữa.

Một buổi tối, bố tôi đột nhiên sốt cao. Mẹ tôi hoảng sợ đến phát khóc, sai tôi chạy sang hàng xóm nhờ người đưa bố đi viện. Tôi ba chân bốn cẳng vội chạy đi ngay nhưng nhà hàng xóm đã tắt chuông đi ngủ. Tôi gào khản giọng mà không ai nghe thấy. Trong đầu tôi lóe lên hình ảnh thầy Tân. Nhà thầy cũng ở gần khu phố của tôi. May quá, thầy thức khuya soạn bài nên ánh đèn vẫn sáng. Tôi vừa thở hổn hển vừa mếu máo: “Thầy…Thầy ơi… Cứu bố em…”. Mất một lúc, thầy mới hiểu đầu đuôi sự việc. Thầy vội dắt xe máy ra, chở tôi về và gọi xe taxi đưa bố tôi đi bệnh viện. Bố tôi sốt vi rút, phải nằm điều trị cả tuần mới đỡ.

Bố là trụ cột gia đình, nay bỗng dưng phải nằm bẹp một chỗ nên nhà tôi vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thuốc men, viện phí cũng tốn một khoản nữa. Tôi phải vừa học vừa làm thêm nên có hôm đến lớp muộn, quần áo lem nhem, nhăn nhúm. Người tôi gầy gò, sút cân khiến thầy Tân phát hiện ra. Một hôm, thầy gặp tôi, bằng giọng thủ thỉ, thầy hỏi thăm tình hình của gia đình rồi an ủi tôi. Tôi cảm nhận sự ấm áp và tình thương chân thành của thầy.

- Em bé vậy mà đã phải vất vả làm thêm! Thế mà suốt thời gian qua thầy chẳng giúp gì được cho em. Giờ em gầy gò thế này, làm sao còn sức mà đi làm. Thầy sẽ nghĩ cách giúp em.

Tôi nghe thấy những lời đó, lòng đang nặng trĩu bỗng nhẹ nhõm hơn nhiều. Mắt tôi rưng rưng, chỉ chực òa khóc. Lúc đó thầy đã ở bên tôi, như người thân của tôi. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu lúc ấy không có thầy, liệu tôi có được như bây giờ không?

 Hôm đó, thầy đưa tôi về nhà, nói chuyện với bố mẹ tôi rồi đưa bố tôi chút tiền. Ban đầu bố tôi từ chối, nhưng rồi lại nhận, một phần vì thầy cứ ép mãi, một phần vì nhà tôi thực sự túng thiếu. Bố nhận nhưng vẫn bảo coi như vay thầy, khi nào có sẽ trả lại.

Vài hôm sau, tôi vẫn làm những công việc như bình thường, bận bịu từ trông em đến chăm mẹ, làm thêm. Cuối ngày, tôi xếp những đồng tiền lẻ phẳng phiu vào một cái hộp nhựa. Tôi nâng niu thành quả lao động của mình và tự nhủ, lớn lên mình sẽ giúp bố mẹ trả nợ, mua cho bố mẹ đồ ăn ngon, đưa cả nhà đi du lịch… Nhưng ước mơ ấy còn xa vời quá.

Thầy Tân đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tôi vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục theo đuổi con đường học hành đầy chông gai. Thầy đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi của tôi. Chẳng bao lâu, thầy đã đến, cùng các bạn và một hộp quà lớn. Tôi ngỡ ngàng và xúc động trước tình cảm của thầy và các bạn dành cho gia đình tôi. Hộp quà là một thùng quyên góp với những tờ tiền lẻ đã được xếp phẳng phiu. Chính thầy đã kể chuyện cho đồng nghiệp và các bạn trong lớp về hoàn cảnh của tôi nên tôi được giúp đỡ tận tình. Số tiền quyên góp không nhiều nhưng tôi rất trân trọng tình cảm của thầy cô và bạn bè. Cũng từ đó, tôi được miễn giảm nhiều khoản đóng góp, sách vở cũng có người tài trợ.     

Bây giờ mẹ tôi đã khỏe lại, có thể trồng rau, nuôi gà và quán xuyến việc nhà. Chị em tôi chăm chỉ học hành nên bố tôi cũng không còn nóng nảy nữa. Tôi vừa được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường nên thầy Tân vui lắm. Nếu không có thầy, có lẽ tôi chỉ là một cô bé nghèo phải bỏ học đi làm thêm. Dù không phải kiếm tiền nữa, tôi vẫn giữ thói quen nâng niu những đồng tiền lẻ. Cất hộp tiền lẻ vào ngăn tủ, tôi tự nhủ mình sẽ mãi khắc ghi trong lòng công ơn của thầy.

TRẦN THẢO ANH
Lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tờ tiền lẻ