Bố tôi là bộ đội Hải quân

15/12/2019 10:07

Bố hay kể cho tôi về biển đảo hùng vĩ của đất nước mình, kể về những lần bố cùng những người lính hải quân chống chọi với thiên tai khắc nghiệt.



Ngày tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng bắt gặp mẹ cầm tấm hình của bố được đóng khung cẩn thận và khóc. Lúc ấy tôi bối rối lắm, chả biết làm sao mẹ lại khóc, chỉ biết ôm lấy mẹ. Đến bây giờ tôi mới biết những lúc như thế mẹ đang nhớ bố. 

Mẹ tôi là giáo viên của một trường tiểu học, cách nhà cả chục cây số, tít đầu kia của huyện. Sáng nào mẹ cũng dậy từ tờ mờ chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà rồi mới đến trường. Nhiều hôm mẹ về đến nhà thì trời đã nhá nhem tối, nhất là vào những ngày mùa đông lạnh giá, trời tối rất nhanh. Về muộn, mẹ lại lao vào bếp để cơm nước, dọn dẹp. Buổi tối, mẹ soạn bài và chấm bài đến tận khuya nhưng tôi chưa thấy mẹ than thở bao giờ. Các cô bác đồng nghiệp của mẹ thi thoảng ghé qua đều động viên mẹ: “Bộ đội và cô giáo nấu cháo nuôi nhau, đúng là một cặp đôi hoàn hảo nhé!”. Mẹ cười hiền hòa. Dù không nghèo khó đến nỗi phải ăn cháo trừ bữa nhưng tôi biết mẹ rất tằn tiện trong chi tiêu vì nhà tôi cũng không khá giả gì.

Mãi sau này mẹ mới được chuyển về ngôi trường gần nhà, gần ông bà nội ngoại. Bố tôi là lính hải quân nên công tác ở ngoài đảo xa. Một năm bố chỉ về vài lần. Mỗi lần bố về tôi thấy mẹ bận rộn hẳn, mẹ mặc quần áo đẹp, đi chợ từ sớm chuẩn bị cơm nước thịnh soạn. Dù vất vả nhưng tôi vẫn thấy trong ánh mắt mẹ là niềm hạnh phúc ngập tràn.

Mỗi lần về phép, bố thường mua nhiều quà cho chị em tôi nào là vòng tay, vòng cổ, dây buộc tóc, búp bê... 

Lần về phép gần đây nhất, bố mua thuốc bổ biếu ông bà nội ngoại, mua cho mẹ một chiếc khăn quàng cổ vì bố bảo trời sắp rét rồi. Họng mẹ thì không tốt, có lẽ do “bệnh nghề nghiệp” nên bố nhắc mẹ phải luôn giữ ấm cái cổ. Bố mua cho chị em tôi mỗi đứa một cái áo len màu hồng rất xinh. Bố luôn chu đáo như thế.

Tôi nhớ tối ấy, ti vi báo cơn bão số 12 đang ập tới, cả đêm mẹ trằn trọc không ngủ được vì lo cho bố. Đã hơn 12 giờ đêm tôi thấy mẹ vẫn thức. Gió rít lên từng đợt. Tôi đang ngủ giật mình thức giấc vẫn thấy mẹ ngồi cầm điện thoại, bồn chồn…

Sáng hôm sau, tôi bật dậy khi chuông điện thoại reo lên reng reng. Mẹ vồ lấy máy, luống cuống “a lô”. Đúng là bố tôi gọi về báo tin mọi việc ngoài đảo đều an toàn, bão đã đi qua. Gương mặt mẹ giãn ra, có lẽ cả đêm qua mẹ đã thức trắng. Nghe giọng nói thân thương của bố, mẹ nhẹ lòng. 

Bố hay kể cho tôi về biển đảo hùng vĩ của đất nước mình, kể về những lần bố cùng những người lính hải quân chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Tôi thủ thỉ: “Nếu con là con trai con cũng sẽ làm lính hải quân giống bố!". Bố cười: “Chà! Con gái bố mạnh mẽ nhỉ?”. Còn em gái tôi thì ôm mẹ: “Con muốn làm cô giáo như mẹ cơ”. Bố mẹ nhìn nhau mỉm cười hạnh phúc.

Những buổi tối cuối tuần rảnh rỗi, mẹ thường kể chuyện cho tôi nghe, chuyện tình giữa một cô giáo với một anh lính hải quân thật đẹp và lãng mạn. Bố mẹ quen nhau qua một cuộc giao lưu văn nghệ giữa đơn vị của bố và trường của mẹ. Những lá thư vượt biển khơi đã giúp hai người thổ lộ tình cảm. Ngày ấy, gọi điện còn khó khăn, chính những cánh thư đã chắp nối nhịp cầu để bố mẹ nên duyên. 

Ngày cưới đã định. Mẹ tôi rất mong chờ cái ngày ấy nhưng rồi trước đám cưới vài ngày, đài báo bão nên bố không thể về được, mẹ buồn khóc suốt một ngày. Nhưng họ hàng cũng đã mời, cỗ bàn chuẩn bị xong không thể hủy được. Rồi đám cưới vẫn diễn ra, một đám cưới đặc biệt, đám cưới chỉ có cô dâu mà không có chú rể, mẹ tủi thân lắm. Nhưng mẹ cũng không vì thế mà nản chí vì mẹ biết bố luôn đặt nhiệm vụ lên trên, vì hải đảo, vì đất nước. Bố mẹ kết hôn mấy năm mới có tôi, ngày mẹ vượt cạn bố cũng không thể về được, một mình mẹ chống chọi với mọi thứ. Tôi cảm thấy ngưỡng mộ mẹ vô cùng, một cô giáo hiền lành nhưng lại rất mạnh mẽ. 

Bây giờ cuộc sống của bà con ngoài đảo cũng đầy đủ hơn. Kinh tế gia đình tôi cũng không đến nỗi thiếu thốn. Dù bố vắng nhà nhưng mẹ vẫn lo toan chu toàn. Mẹ chăm chút cho chị em tôi và cũng dạy chúng tôi sống tự lập. Tôi tự thấy mình càng phải nỗ lực hơn để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng của bố mẹ và biết bao người như bố mẹ tôi.

NGUYỄN THỊ THẢO (Lớp 12B, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bố tôi là bộ đội Hải quân