“Thơ nhặt dọc đường” và những triết lý cuộc đời

05/07/2020 16:04

"Thơ nhặt dọc đường” được lấy làm tên gọi cho tập thơ mới nhất của Huy Trụ.

Huy Trụ là nhà thơ tài hoa và khá nổi tiếng. Thơ ông, nhất là thơ lục bát đã tìm được lối đi riêng. Hẳn những người yêu thơ ít ai lại không biết đến quan niệm độc đáo, chính xác của ông về thơ: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau. Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”. Xuất phát từ quan niệm ấy, mỗi câu thơ, bài thơ Huy Trụ viết ra đều rất cẩn trọng, chắc chắn và có sức nặng. Thế nên, thơ ông neo lại được trong lòng độc giả. Bài thơ “Thơ nhặt dọc đường” là một trong những bài thơ như vậy.

"Thơ nhặt dọc đường” được lấy làm tên gọi cho tập thơ mới nhất của Huy Trụ. Từ tên bài thơ, tôi tò mò và hăm hở đi tìm. Thơ là thứ trừu tượng sao lại “nhặt”, mà lại nhặt “dọc đường”? Đắm mình vào thế giới nghệ thuật bài thơ, tôi hiểu điều mà người thơ “nhặt” được là một thế giới nhân sinh, chứa đựng những tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu sắc. Do vậy, mỗi câu thơ lục bát ông viết ra, đọc lên nghe nhẹ nhàng như không nhưng nó luôn có sức ám ảnh, bởi từng chữ, từng câu, từng ý, từng lời, đều chứa đựng những suy ngẫm đầy triết lý.

"Thơ nhặt dọc đường” là cách nói khiêm tốn, thoạt nghe có vẻ như đùa, nhưng đọc bài thơ và nhất là nghe cái cách ông định nghĩa về thơ cũng đủ hiểu, điều ông “nhặt” được chẳng dễ dàng gì. Hai câu thơ mở đầu đã hấp dẫn người đọc bởi cách dùng từ ngữ khá đắt: “Mắt em thả biển vào trong/ Để con sóng đánh nát lòng anh ra”. Cách nói ngoa dụ càng làm cho ta hiểu thế nào là sức mạnh của tình yêu? Ai đó đã nói “Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt” thật chẳng sai. Câu“Mắt em thả biển vào trong” nghe có vẻ vô lý nhưng hoàn toàn có lý. Trong con mắt của kẻ đang yêu thì vũ trụ cũng trở nên bé nhỏ. Đôi mắt có một ma lực vô cùng như những con sóng, làm điên đảo con tim, thậm chí "đánh nát lòng anh". 

Sự so sánh con thuyền và con người: “Con thuyền trôi giữa lênh đênh/ Con người mắc giữa lưới tình bể dâu” đã cụ thể hơn sự trớ trêu của con người trong cõi nhân gian. Bởi đã là người, ai mà không yêu, ai mà không mắc lưới tình? Từ chuyện tình yêu, bài thơ liên tưởng đến cuộc đời bằng những câu thơ mang tính triết lý: “Chẳng cần ghế thấp, ghế cao/ Khi nằm xuống cỏ ghế nào cũng xanh”. Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ (ghế thấp, ghế cao) khiến ý nghĩa câu thơ cụ thể, sinh động hơn. Con người ta dù địa vị, chức tước, dù sang hèn thì khi “nằm xuống cỏ” cũng đều như nhau. Tôi rất thích cách dùng từ "nằm xuống cỏ" nghe tự nhiên, nhẹ nhàng như chuẩn bị sẵn tâm thế cho cuộc ra đi mãi mãi. Trong thơ cũng có nhiều người nói tới vấn đề sống chết, theo kiểu chết là hết. Chẳng hạn: “Đời này cõi tạm mà thôi/ Giàu sang nghèo khó chết rồi, như nhau". Nhưng Huy Trụ lại có một cách nói khác, nhẹ nhàng, thâm thúy hơn, để từ đó tác giả bàn luận đến những giá trị cần có và nên có trong cuộc đời mà mỗi người nhất định phải nâng niu, gìn giữ, không để ai giành giật bán mua, đó là nghĩa nhân, là lòng tốt: “Bạc tiền có thể đua tranh/ Nghĩa nhân đừng để ai dành bán mua”. Mà muốn đạt được điều nhân nghĩa thì: “Yêu phải thật/ Ghét phải đùa/ Ớt cay thành mật, khế chua thành đường”. Mỗi câu lục câu bát chia làm hai vế đối lập để nói về cách ứng xử đề cao sự thành thực, thẳng thắn. Nếu cần, có thể “năm bỏ làm ba chín bỏ làm mười”, thậm chí “Ớt cay thành mật, khế chua thành đường” để đẹp lòng nhau và vì nhau. Thiết tưởng, cách ứng xử như vậy rất cần trong mọi lĩnh vực cuộc sống, mọi thời đại. Bởi “Cuộc đời như khói như sương/ Khói cay mắt để mùi hương mãi còn”. Câu thơ triết lý về sự mất còn của đời người. Để có được thành công, sự nghiệp, người ta phải trải qua nhiều khó khăn vất vả, có khi cả mất mát, hy sinh. 

Nếu đoạn thơ đầu nói về tình yêu, đoạn giữa nghiêng về triết lý cuộc đời thì hai câu cuối, bài thơ quay trở về với tình yêu bằng một chiêm cảm: “Rượu nồng dẫu một chén suông/ Yêu nhau con mắt dẫn đường sang nhau”. Con mắt không chỉ là cửa sổ tâm hồn, nó còn là khởi nguồn của tình yêu. Hình ảnh con mắt lại xuất hiện cuối bài thơ là một cái kết đẹp của tình yêu đó chăng?

Bằng giọng thơ lục bát đằm thắm nhẹ nhàng mà sâu sắc, từ ngữ hình ảnh trau chuốt, giàu sức gợi, bài “Thơ nhặt dọc đường” của Huy Trụ đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thú vị về tình yêu, tình người và những triết lý cuộc đời. Những điều mà nhà thơ “nhặt” được “dọc đường” hy vọng sẽ là những bài học sâu sắc cho mỗi con người, mỗi cuộc đời trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Thơ nhặt dọc đường

     Mắt em thả biển vào trong
Để con sóng đánh nát lòng anh ra
     Trời sinh nắng, đất sinh hoa
Ai sinh dan díu cho ta với mình…
     Con thuyền trôi giữa lênh đênh
Con người mắc giữa lưới tình bể dâu
     Chẳng cần ghế thấp, ghế cao
Khi nằm xuống cỏ, ghế nào cũng xanh
     Bạc tiền có thể đua tranh
Nghĩa nhân đừng để ai dành bán mua…
     Yêu phải thật, ghét phải đùa
Ớt cay thành mật, khế chua thành đường
     Cuộc đời như khói, như sương
Khói cay mắt để mùi hương mãi còn
     Rượu nồng dẫu một chén suông
Yêu nhau con mắt dẫn đường tìm nhau…

HUY TRỤ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Thơ nhặt dọc đường” và những triết lý cuộc đời