Nỗi nhớ anh, nỗi nhớ khôn cùng

13/12/2020 15:26

Trong rất nhiều thi phẩm viết về Ninh Bình, tôi rất tâm đắc bài thơ "Không đề (1)" của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Ninh Bình- một vùng đất sơn thanh thủy tú luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các văn nghệ sĩ. Ai đã từng qua Ninh Bình mà không để thương để nhớ? Trong rất nhiều thi phẩm viết về Ninh Bình, tôi rất tâm đắc bài thơ "Không đề (1)" của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ không hẳn là ca ngợi danh lam, thắng cảnh ở Ninh Bình, mà dường như Ninh Bình chỉ là cái cớ để người thơ “vẽ” nên một lối nhớ rất riêng với người mình yêu thương thì phải? Nỗi nhớ ấy xuyên suốt bài thơ bằng những cung bậc cảm xúc khác nhau, hòa quyện trong thiên nhiên và cảnh sắc Ninh Bình.

Mấy câu thơ đầu tác giả bộc bạch: "Trước cây cỏ vô tư em chẳng giấu/ Nỗi nhớ anh, nỗi nhớ khôn cùng…" Cảnh vật thiên nhiên cây cỏ dù có rực rỡ sắc màu, chỉ càng làm cho nỗi nhớ anh tăng lên theo cấp số nhân. 

Bài thơ nói về một buổi chia tay. Hai đoạn thơ sau cụ thể hóa cảm xúc về buổi chia tay này: “Anh đi rồi trời nổi cơn giông/ Trận gió mạnh từ phía anh thổi tới”. Cơn giông của trời đất hay cơn giông trong lòng thi nhân mà khi anh đi rồi trời mới nổi giông gió? Có thể hiểu cơn giông của đất trời và cơn giông trong lòng người cộng hưởng, làm thành “trận gió mạnh” dồn dập thổi từ phía anh. Người thơ dõi theo từng bước chân anh và cảm nhận được nỗi da diết của khoảng cách. Xa người yêu là cả một trời trống vắng với bao nhớ thương, lo lắng và cả dự cảm về những bất thường có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chia tay anh, em ở lại nơi phố phường quen thuộc. Những khi vắng anh, nhớ anh: “Em trở lại một mình trên lối nhớ?/Gió trở lại một mình trên mái phố”. Tất cả những quen thuộc giờ đây không có anh đã thành lối nhớ của riêng em. Cả ngọn gió chừng như cũng đồng cảm và thấu hiểu, nên gió trở lại cùng em, phụ họa cho nỗi nhớ anh, gió cũng cô đơn giống em chăng? Còn anh, anh đang rong ruổi về “hướng núi”. Nơi anh đóng quân là một vùng nào đó trên đất Ninh Bình. Nơi anh qua, có nhiều núi non, có những danh thắng độc đáo ghi dấu kỷ niệm của anh và em. Không phải thế sao nhân vật trữ tình: “Nghĩ đến anh em nhớ về hướng núi/ Ngọn núi Cánh Diều- Ngọn núi mây bay”. Chỉ có thể cùng chung kỷ niệm trên mảnh đất này, hoặc mảnh đất này đã vô cùng quen thuộc mới để thương để nhớ cho người thơ đến vậy.

Người thơ mường tượng những nơi anh đến, những nẻo đường anh qua, mà phấp phỏng trong lòng với bao thương nhớ, âu lo thường nhật. Địa danh Ninh Bình được nhắc tới chỉ một lần, nhưng cũng đủ diễn tả tình yêu của tác giả với mảnh đất này: “Trời Ninh Bình chiều nay hẳn nhiều mây/ Mưa to thế chắc sông tràn bờ cỏ”. Sự lo lắng về thời tiết bất thường nơi anh đến càng khiến cho nỗi nhớ thêm tỉ mỉ, sâu sắc. Những từ “hẳn”, “chắc” là những mường tượng, phỏng đoán về thời tiết, để rồi từ đó nhà thơ bộc bạch nỗi lòng và tình yêu da diết của mình. Tình yêu của thi sĩ luôn song hành với sự lo lắng, chăm chút theo từng vòng quay của bánh xe: “Thương chiếc xe anh nhọc nhằn trong gió”. Bằng biện pháp hoán dụ, câu thơ diễn tả nỗi vất vả, nhọc nhằn của anh trên mỗi chặng đường.

Bài thơ ra đời cách nay đã mấy chục năm, cho nên, ta hiểu phương tiện di chuyển của anh lúc bấy giờ chỉ là chiếc xe đạp. Một mình một xe, anh còng lưng đạp trong điều kiện đường sá không thể tốt như bây giờ, kèm theo mưa to, gió mạnh, thử hỏi một người phụ nữ tinh tế và sâu sắc như Xuân Quỳnh làm sao mà không lo lắng? Người thơ tưởng tượng và dõi theo suốt hành trình của anh, rồi tự đặt ra biết bao câu hỏi:“Mái nhà nào đêm nay anh dừng chân?/ Áo ướt ai phơi, ba lô ai xếp hộ…”. Chu đáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết như vậy, chỉ có thể có được ở người vợ yêu chồng đến quên mình mà thôi. Không chỉ là sự lo lắng trong suy nghĩ, cụ thể hơn nhà thơ còn: “Ước chi làm chiếc nón che anh/ Đêm gió lạnh em xin làm ngọn lửa… ”. Chỉ là mong ước nhưng nó gói ghém cả tấm lòng, tình yêu và sự hy sinh của người phụ nữ muốn đem lại cho người mình yêu những gì tốt đẹp nhất, luôn là mối quan tâm hàng đầu của thi sĩ tài hoa này. 

Tình yêu và nỗi nhớ là dư vị ngọt ngào làm nên sức hấp dẫn của "Không đề (1)". Bài thơ chở nặng tình cảm. Giọng điệu nhẹ nhàng mà lắng sâu. Có thể đây chưa phải là bài thơ đặc sắc của Xuân Quỳnh, nhưng nó vẫn có một sức hút ma mị, đầy ắp sự sẻ chia và ước muốn chân thành về một tình yêu vĩnh cửu, một khát vọng được lo lắng, chăm sóc cho người mình yêu. Nhưng trên hết vẫn là sự nhân hậu vị tha của người phụ nữ, suốt đời chăm chút, bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình.             

NGUYỄN THỊ BÌNH

Không đề (1) 

Chiều tháng năm nắng ngả thân cây
Em trở lại một mình trên lối nhớ
Gió trở lại một mình trên mái phố
Khắp một trời phượng đỏ mênh mông
Hoa sen hồng mặt nước thì trong
Cây tường vi mọc gần cây sấu
Trước cây cỏ vô tư em chẳng giấu
Nỗi nhớ anh, nỗi nhớ khôn cùng

Anh đi rồi trời nổi cơn giông
Trận gió mạnh từ phía anh thổi tới
Nghĩ đến anh em nhớ về hướng núi
Ngọn núi Cánh Diều-Ngọn núi mây bay

Trời Ninh Bình chiều nay hẳn nhiều mây
Mưa to thế chắc sông tràn bờ cỏ
Thương chiếc xe anh nhọc nhằn trong gió
Mái nhà nào đêm nay anh dừng chân?
Ước chi làm chiếc nón che anh
Đêm gió lạnh em xin làm ngọn lửa
Áo ướt ai phơi, ba lô ai xếp hộ!
Mong sao trời ngừng mưa!

XUÂN QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi nhớ anh, nỗi nhớ khôn cùng