Nơi ghi dấu kỷ niệm ở làng

06/10/2019 09:25

Cổng làng - biểu tượng của văn hóa làng quê Việt Nam - đã trở thành mạch nguồn cảm hứng suốt hàng nghìn năm qua trong văn chương nghệ thuật.

Cổng làng - biểu tượng của văn hóa làng quê Việt Nam - đã trở thành mạch nguồn cảm hứng suốt hàng nghìn năm qua trong văn chương nghệ thuật. Dường như với tâm thức dân tộc Việt, cổng làng là cội nguồn, là nơi chôn nhau cắt rốn, là bản quán ngọt bùi chia sẻ những buồn vui, sướng khổ suốt cuộc đời mỗi người. Cổng làng chính là mảnh hồn làng, nét làng mãi mãi đằm sâu trong ký ức, dù bao vật đổi sao dời, dù cho ai đó phiêu linh cuối chân trời góc biển. 

Trong phong trào Thơ mới, nhà thơ Bàng Bá Lân có bài thơ Cổng làng nổi tiếng, hiện lên chân thực, đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ: “Cổng làng rộng mở. Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai”. Tuy vậy, Cổng làng của Bàng Bá Lân chân thực quá, ít gợi thành ra dễ nhớ dễ thuộc qua thể thơ lục bát, song không thật nhiều ám ảnh. Đọc Cổng làng của tác giả Mạc Trường Thiên, hình tượng thơ đẹp hơn, lắng đọng hơn, lại được tác giả gửi cảm xúc qua nhiều góc nhìn thành ra nỗi niềm lan tỏa với các cung bậc và sắc thái biểu cảm riêng: khi trang trọng thiêng liêng hướng về nguồn cội; khi tơ tưởng yêu thương trong tình cảm lứa đôi; khi rạo rực trước mùa xuân tươi sắc; khi cảm hoài qua mỗi bước phiêu linh… Bài thơ nhờ đó hiện lên đẹp lung linh mà day dứt âm thầm trong trái tim người đọc.

Theo mạch cảm xúc của tác phẩm, nhà thơ Mạc Trường Thiên miêu tả cổng làng hiện lên đầu tiên gắn với hình ảnh những người già. Cổng làng - người già là một liên tưởng gần gũi, thú vị. Cổng làng rêu phong qua tháng năm dài, như minh chứng cho một thời xưa cũ. Đó là vẻ đẹp cổ kính đượm màu sắc trang trọng, nhờ đó giọng thơ cũng trang nghiêm, lắng đọng bồi hồi. Không những thế, cổng làng còn là nơi che chở nắng mưa cho khách vãng lai, nơi đùa vui của trẻ thơ tinh nghịch, nơi chim chóc bay về làm tổ trú ngụ tháng ngày. Tóm lại, cổng làng ôm chứa và bao dung tất cả, nên không ai là không hoài nhớ cổng làng: Nơi người già thường ngồi kể về quá khứ/Khách vãng lai dừng chân trú nắng trưa nồng/Nơi lũ trẻ trèo leo và chim về làm tổ/Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông.

Khổ thơ thứ hai vẫn tiếp tục khơi nguồn từ những gì gần gũi, bình dị gắn với cổng làng nhìn từ nét đẹp văn hóa làng quê nghìn đời thân thuộc. Phiên chợ mai chiều của những mẹ, những chị đi qua cổng làng sao mà thân thương và dịu lành đến thế. Đặc biệt, hình tượng “hương thóc đầy vơi” từ cánh đồng lúa thơm trĩu hạt cũng biết “hướng lòng mình” về phía cổng làng là một phát hiện giàu chất thơ và đầy tâm cảm của tác giả. Phải yêu làng quê nơi mình sống rất nhiều, phải gắn bó thiết tha với “mảnh hồn làng” nhiều lắm mới có thể hạ được những câu thơ đầy xúc động: Cổng làng/Nơi những mẹ, những chị đi về hôm sớm/Phiên chợ mai chiều tần tảo một đời vui/Nơi ngọn lúa từ đồng sâu nương cạn/Biết hướng lòng thổi hương thóc đầy vơi.

Từ những gì bình dị, thân thiết nghìn đời nơi quê nhà bản quán mà cổng làng là một nét đẹp thiêng liêng, con người bước chân ra đi gặp sông dài biển rộng vẫn không nguôi hoài vọng cổng làng. Thi thố với đời, đỗ đạt hiển vinh, công thành danh toại, nhưng khi trở lại quê nhà vẫn cảm động rưng rưng cúi hôn mảnh đất tổ tiên bao đời có bóng dáng cổng làng trầm mặc: Nơi người ra đi biết nhìn trời cao vợi/Núi sông dài biển rộng bước chân qua/Ngày trở lại cúi đầu hôn đất mẹ/Cảm ơn người, nhân nghĩa thật bao la.

Ở ba khổ thơ đầu, cái nhìn của tác giả qua hình ảnh cổng làng đằm sâu nét đẹp văn hóa làng quê Việt Nam thân thuộc, ngưng đọng và lắng sâu trong tâm thức của mỗi người bằng giọng thơ bồi hồi, tha thiết. Khổ thơ thứ tư, giọng thơ vui tươi, hình ảnh thơ trong sáng và bay bổng nhiều hơn qua vẻ đẹp người con gái kiêu sa trong sắc điệu huy hoàng áo mới bước qua cổng làng mùa xuân: Cổng làng/Nơi mùa xuân có dập dìu áo mới/Hoa hết mình tỏa hương sắc bay xa/Em cũng có một thời làm con gái/Qua cổng làng dáng xuân nữ kiêu sa.

Bài thơ khép lại bằng giọng thơ tâm tình pha chút triết lý của tác giả từ hình ảnh cổng làng thân thuộc. Cổng làng trở thành chứng tích của thời gian; dấu vết của phế hưng, thăng trầm mà mỗi làng quê trên mảnh đất Việt Nam đều chung cùng thụ nhận. Hơn thế nữa, cổng làng mãi mãi là niềm ước mơ, khát vọng đẹp đẽ, hàm ơn hướng về  của mỗi người dù đang phiêu linh tận chân trời góc biển. Ý thơ cuối bài nhờ đó mang sức khái quát, ôm chứa tư tưởng của toàn bộ thi phẩm Cổng làng: Nơi chứng kiến những thăng trầm, hưng phế/Màu rêu xanh bàng bạc tháng năm dài/Có ai đó bước phiêu linh hoài vọng/Giấc mơ thầm ẩn hiện, cổng làng ơi!

Đọc xong bài thơ Cổng làng của Mạc Trường Thiên, lòng ai không bồi hồi xúc động khi nghĩ về quê hương xứ sở. Cảm ơn nhà thơ đã gieo vào hồn người sự mát trong, thơm thảo của tình yêu đất đai và vẻ đẹp văn hóa làng. Nhớ quê hương, làm sao trong đời chúng ta không một lần hoài vọng và nhớ thương da diết cổng làng, để rồi ngay cả trong giấc mơ vẫn thầm khẽ gọi: “Cổng làng ơi!”.

LÊ THÀNH VĂN

Cổng làng

Cổng làng
Nơi người già thường ngồi kể về quá khứ
Khách vãng lai dừng chân trú 
                                            nắng trưa nồng
Nơi lũ trẻ trèo leo và chim về làm tổ
Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông.

Cổng làng
Nơi những mẹ, những chị đi về hôm sớm
Phiên chợ mai chiều tần tảo một đời vui
Nơi ngọn lúa từ đồng sâu nương cạn
Biết hướng lòng thổi hương thóc đầy vơi.

Cổng làng
Nơi người ra đi biết nhìn trời cao vợi
Núi sông dài biển rộng bước chân qua
Ngày trở lại cúi đầu hôn đất mẹ
Cảm ơn người, nhân nghĩa thật bao la.

Cổng làng
Nơi mùa xuân có dập dìu áo mới
Hoa hết mình tỏa hương sắc bay xa
Em cũng có một thời làm con gái
Qua cổng làng dáng xuân nữ kiêu sa.

Cổng làng
Nơi chứng kiến những thăng trầm, 
                                                      hưng phế
Màu rêu xanh bàng bạc tháng năm dài
Có ai đó bước phiêu linh hoài vọng
Giấc mơ thầm ẩn hiện, cổng làng ơi!

MẠC TRƯỜNG THIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi ghi dấu kỷ niệm ở làng