Ngọn lửa ấm nhất

03/01/2021 09:09

Bếp lửa là hình ảnh khá quen thuộc trong thơ ca bởi nó mang tính hình tượng sâu sắc. Bếp lửa tượng trưng cho sự ấm áp, quây quần.

Bếp lửa là hình ảnh khá quen thuộc trong thơ ca bởi nó mang tính hình tượng sâu sắc. Bếp lửa tượng trưng cho sự ấm áp, quây quần. Bếp lửa gắn với những bữa cơm ấm cúng, là nơi nuôi ta lớn lên, là ngọn nguồn cho sự phát triển của nhân loại. Nhờ biết dùng lửa mà con người đã tiến hóa hơn những loài còn lại. Trong những ngày mùa đông rét mướt, đọc bài thơ “Bếp lửa nhà mình” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, thấy lòng dường như ấm áp hơn, không chỉ bởi hình ảnh bếp lửa lung linh mà còn bởi cái tình thấm đẫm lan tỏa trong từng câu thơ.

Bếp lửa đầu tiên gắn bó với mỗi con người hẳn đều là bếp của “nhà mình”. Có lẽ vì nhà có bếp nên mới được gọi là “tổ ấm” và hình ảnh bếp trong gia đình thường gắn liền với người phụ nữ. “Ngày đầu năm em xây bếp mới”- hai cái khởi đầu chất chứa trong cùng một câu thơ gợi thật nhiều liên tưởng. Trong ngày đầu tiên của năm, người phụ nữ “xây bếp mới”, cái bếp ấy ắt hẳn không chỉ là cái bếp thực, là một địa điểm trong nhà bằng vật chất mà nó còn là tượng trưng cho mái ấm, cho khởi đầu của một gia đình. Và khi ngọn lửa của hạnh phúc được nhen lên thì cái giá lạnh của mùa đông phải dừng bước: “Thế là gió mùa đông bắc tạnh rồi em”. “Gió mùa đông bắc” vốn là tác nhân khiến mùa đông lạnh lẽo, u ám hơn cũng giống như những khó khăn, cô đơn bủa vây con người đã dần tan biến khi ngọn lửa yêu thương của gia đình bừng sáng. Sự tác hợp giữa hai con người tạo thành một gia đình mới được miêu tả thật giản dị: “Chung bếp lửa là chung niềm thao thức/ Sợi khói bay nghiêng vẽ dáng em hiền”. Bên bếp lửa gia đình, người phụ nữ thật dịu dàng, ấm áp. Chính bàn tay cô nhóm lên ngọn lửa, nấu bữa ăn ngon, sẻ chia bao nỗi niềm thao thức, biến một mái nhà thành mái ấm yêu thương.

Bên bếp lửa mới xây của gia đình ấy, nhân vật trữ tình không khỏi liên tưởng đến những “bếp lửa” khác mình từng sưởi ấm trong đời. Đó là bếp lửa thời sinh viên đốt ở giữa trời cùng bè bạn, bếp lửa giữa rừng cùng đồng đội nấu khoai sắn chia nhau. Những bếp lửa của tuổi thanh xuân ấy hẳn vẫn cháy sáng trong trái tim người lính cũ bởi đó là những quãng đời không thể nào quên. Những bếp lửa dã chiến khơi dậy niềm vui bè bạn, xây dựng tình đồng đội gắn bó với nhau. Và cũng như những bếp lửa đó, tuổi thanh xuân của mỗi người đều nuôi trong lòng một ngọn lửa nhiệt huyết với đất nước, quê hương. Chính ngọn lửa ấy đã soi đường cho các chàng trai ra trận, chiến đấu hết mình vì Tổ quốc thân yêu. Hình ảnh ngọn lửa từ bếp lửa thực bỗng chốc được nâng tầm đầy thuyết phục: “Lửa sinh ra người, lửa sinh ra trái tim rực cháy/Lửa làm bóng tối xa ra và mặt người gần lại”. Khi lòng người cùng chung ngọn lửa thì người ta dễ dàng xích lại với nhau hơn. Và ước mơ của nhà thơ không dừng lại ở phạm vi gần gũi nữa mà tiếp tục vươn ra ngoài biên giới: “Lòng vẫn khát khao đốt lửa giữa trời/Đến với mọi cộng đồng, đến với mọi màu da trên toàn Trái đất”. Nếu như toàn bộ con người trên Trái đất này cháy chung một ngọn lửa yêu thương thì hẳn nhân loại sẽ không còn chiến tranh, không còn những cách ngăn, chia xa vô ích. Giấc mơ cao cả nhưng xa vời ấy dường như đang trở nên gần gũi hơn, được củng cố nhiều hơn khi nhân vật trữ tình soi mình vào bếp lửa của gia đình, cái bếp lửa ấm nhất và nuôi dưỡng cho tâm hồn ta giàu có nhất: “Bởi yêu em, nhân loại thấy yêu thêm”.

Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Tiến Duật được ví là “ngọn lửa đèn" của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh bếp lửa trở đi trở lại trong nhiều bài thơ của ông với những tầng ý nghĩa đa dạng nhưng thống nhất. Ngọn lửa trong thơ ông có khi là truyền thống yêu nước của nghìn đời cha ông truyền lại, có khi là nhiệt huyết của những người con muốn cống hiến mình cho quê hương, là ánh sáng soi đường của chân lý… song hết thảy đều là ngọn lửa của yêu thương và chia sẻ. Đặt trong hệ thống ấy để thấy bài thơ “Bếp lửa nhà mình” là một ngọn lửa thực dịu dàng, hồn hậu nhưng ngọn lửa ấy cũng không kém phần mạnh mẽ, mãnh liệt, là khởi nguồn cho mọi sức mạnh của con người.

SONG KHUÊ

Bếp lửa nhà mình

Ngày đầu năm em xây bếp mới
Thế là gió mùa đông bắc tạnh rồi em
Chung bếp lửa là chung niềm thao thức
Sợi khói bay nghiêng vẽ dáng em hiền

Cả tuổi thanh xuân anh đốt lửa giữa trời
Cũng là bếp nhưng bếp chung bè bạn
Hết bếp lửa sinh viên, lại lửa rừng cháy sáng
Nấu nồi sắn nồi khoai tập thể, lính ăn chung.

Ngọn lửa ơi, lòng lửa tốt vô cùng
Lửa sinh ra người, lửa sinh ra trái tim rực cháy
Lửa làm bóng tối xa ra và mặt người gần lại
Ngọn lửa nào thân bằng lửa bếp, bạn bè ơi!

Lòng vẫn khát khao đốt lửa giữa trời
Đến với mọi cộng đồng, đến với mọi màu da trên toàn Trái đất
Nhưng chỉ bếp nhà mình là ấm nhất
Bởi yêu em, nhân loại thấy yêu thêm.

PHẠM TIẾN DUẬT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngọn lửa ấm nhất