Một tứ thơ quen mà lạ

14/06/2020 15:17

Lò Ngân Sủn viết theo thể thơ tự do, thảng có bài năm chữ, bảy chữ, hiếm khi viết lục bát, chính vì vậy tôi cho bài thơ "Lục bát vùng cao" là một tứ thơ quen mà lạ với bạn đọc.

Lò Ngân Sủn -  nhà thơ dân tộc Giáy, gương mặt thơ tiêu biểu của văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, là người con của quê hương Bát Xát (Lào Cai). Trong cuộc đời gần 50 năm cầm bút của mình, ông đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ với trên 40 cuốn sách, trong đó có 22 tập thơ, chủ yếu là thơ tình. Thơ Lò Ngân Sủn ăm ắp chất miền núi, gợi cái hồn, nếp cảm, nếp nghĩ bao đời của người miền núi với những hình ảnh chắc khỏe, gân guốc, tươi rói, căng tràn sức sống. Ông viết theo thể thơ tự do, thảng có bài năm chữ, bảy chữ, hiếm khi viết lục bát, chính vì vậy tôi cho bài thơ "Lục bát vùng cao" là một tứ thơ quen mà lạ với bạn đọc.

Quen bởi thể thơ truyền thống dân tộc với những âm điệu mượt mà, đằm thắm, trữ tình cùng cách ngắt nhịp, gieo vần chuẩn chỉ như một người rất sành lục bát. Ông cũng không có ý định làm mới hình thức câu thơ lục bát như nhiều người gần đây đã làm với cách ngắt dòng, ngắt nhịp, gieo vần có nhiều thay đổi. Đọc "Lục bát vùng cao", người ta vẫn thấy vẹn nguyên một bài lục bát truyền thống bao đời của dân tộc.

Lạ bởi các nhà thơ dân tộc thiểu số rất ít khi viết lục bát, có chăng họ viết theo kiểu pha trộn thể lục bát hoặc lục bát với những cách tân, biến thể. "Lục bát vùng cao" đúng như nhan đề đã gợi ra hồn cốt bao đời của miền núi, đó là sự kết hợp hài hòa của thể thơ truyền thống miền xuôi với những hình ảnh, thi liệu cùng nếp cảm, nếp nghĩ của người miền núi. Lò Ngân Sủn triển khai bài thơ bằng cách mở ra không gian mênh mông, bát ngát của núi rừng với đất, trời, đồi cây, mây gió, trăng sao: "Mênh mông là đất là trời/Trập trùng là núi là đồi là cây/Lửng lơ ở giữa là mây/Lang thang là gió, ngủ ngày: trăng, sao...".

Thơ lục bát khi lên vùng cao dường như cũng không còn êm đềm mà cũng mang dáng dấp gân guốc, chắc khỏe của núi rừng với đèo cao trập trùng, dốc lượn quanh co, thác nước ầm ầm đổ vang khắp bản mường. Thơ lục bát khi lên đây đã nhanh chóng bắt nhịp với núi rừng, cuộc sống nơi đây, vẫn là vần bằng trắc, nhịp sáu tám nhưng câu thơ dường như gợi ra cả một không gian miền rừng núi đầy hiểm trở: "Ơ hay lục bát vùng cao/ Quanh co dốc lượn, ầm ào thác reo/Vần bằng trắc - bắc cầu treo/Nhịp đi sáu - tám vượt đèo Lũng Pung".

Không gian vùng cao tiếp tục mở rộng với những âm thanh, hình ảnh quen thuộc của núi rừng, nét tài hoa, tinh nghệ của Lò Ngân Sủn được thể hiện qua bức tranh với sự pha trộn giữa âm thanh và màu sắc, gợi ra những hiệu ứng vừa cộng hưởng vừa lan tỏa: "Tiếng chim xanh biếc lá rừng/Ngựa đi tung vó đường rung nhạc đường/Xe đi sấm nổ đùng đùng/Bụi tung lốc cuốn ùn ùn sương bay...". Đọc những câu thơ trên tôi chợt nhớ tới bài thơ "Chiều biên giới" của ông, bài thơ ông viết từ năm 1980 trong những ngày khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới nhưng cứ thấy rưng rưng tiếng chim hót, màu xanh cây lá, tình yêu đôi lứa, tất cả như vượt lên mọi đau thương, mất mát của chiến tranh: "Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào xanh hơn/Như tiếng chim hót gọi/ Như chồi non cỏ biếc/Như rừng cây của lá/Như tình yêu đôi ta".

Bên cạnh không gian miền núi, bài thơ còn nhắc và gợi ra những sinh hoạt rất đỗi quen thuộc bao đời của miền núi, lời thơ cũng là lời mời gọi da diết, sâu nặng nghĩa tình "Lên đây thì ở lại đây" để cùng ăn cơm chõ, cày ruộng nương, hát đối, đi chợ vùng cao và đặc biệt là hòa mình trong không khí lễ hội của đồng bào dân tộc với bao trò chơi dân gian.

Những câu thơ cuối bài gợi ra cái hồn nhiên, chân chất trong lao động, sinh hoạt ngàn đời của các dân tộc vùng cao: "Cùng vui hát đối bên đường/Cùng vui chợ Bản, chợ Mường, chợ Thôn/ Cùng vui tung yến tung còn/Cùng ngồi uống rượu quây tròn quanh mâm...". Bài thơ gợi ra một vùng cao ăm ắp núi đồi, cây cỏ, đất trời man mác làm nao lòng người. Đi bằng đôi chân lục bát, Lò Ngân Sủn đã làm đọng lại trong người đọc cái hồn cốt bao đời của miền núi, nhất là khi quây quần bên chén rượu. Đó là sự hết mình, sự thật bụng với nhau: "Cái câu lục bát bâng khuâng/Đã say - say cả, trăm phần trăm say!".

Chỉ bằng mười cặp lục bát, không nhiều dụng công nghệ thuật, lời thơ tự nhiên, mộc mạc nhưng Lò Ngân Sủn đã để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng về vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng luôn đầy ắp nghĩa tình. Là nhà thơ dân tộc thiểu số nhưng ông đã vận dụng thể thơ lục bát để viết về vùng cao một cách nhuần nhị và không kém phần bay bổng, thi vị.   

NGUYỄN QUỲNH ANH

Lục bát vùng cao

     Mênh mông là đất là trời
Trập trùng là núi là đồi là cây
     Lửng lơ ở giữa là mây
Lang thang là gió, ngủ ngày: trăng, sao...
     Ơ hay lục bát vùng cao
Quanh co dốc lượn, ầm ào thác reo
     Vần bằng trắc - bắc cầu treo
Nhịp đi sáu - tám vượt đèo Lũng Pung
     Tiếng chim xanh biếc lá rừng
Ngựa đi tung vó đường rung nhạc đường
     Xe đi sấm nổ đùng đùng
Bụi tung lốc cuốn ùn ùn sương bay...
     Lên đây thì ở lại đây
Cùng ăn cơm chõ cùng cày ruộng nương
     Cùng vui hát đối bên đường
Cùng vui chợ Bản, chợ Mường, chợ Thôn
     Cùng vui tung yến tung còn
Cùng ngồi uống rượu quây tròn quanh mâm...

     Cái câu lục bát bâng khuâng
Đã say - say cả, trăm phần trăm say!

LÒ NGÂN SỦN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một tứ thơ quen mà lạ