Một gia đình ba đời làm lính, ba đời nông dân

24/12/2016 11:00

Ông tôi, cha tôi và tôi

Ông tôi, cha tôi và tôi
Ba đời làm lính, ba đời nông dân
Quê hương một mảnh đất cằn
Cày sâu cuốc bẫm làm ăn bốn mùa

Chưa từng đến được Thủ đô
Nghe đài thấy mất Liên Xô thì buồn
Về già cứ nhức mình luôn
Càng thương nỗi bạn mồ chôn rừng già.

Sự trời nắng nắng mưa mưa
Sự đời bao việc còn chưa thỏa lòng
Nhớ khi bờ thửa bờ vùng
Cái sân hợp tác vui chung rộn ràng.

Bây giờ ai dân ai quan
Ai thời vẫn vậy, ai sang một mình?
Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Nước nhà tắt lửa chiến tranh là mừng

Khi buồn giở tráp huân chương
Khi vui xuống ruộng lên vườn làm vui
Ông tôi, cha tôi và tôi
Ba đời làm lính, ba đời nông dân...

NGUYỄN SỸ ĐẠI


Cùng với bài thơ "Nông dân", bài này của Nguyễn Sỹ Đại được nhiều người biết đến và yêu thích bởi nó chất phác, hiền lành, theo kịp được diễn biến thời cuộc mà vẫn đủ độ sâu cần thiết ở một bài thơ. Mở đầu, tác giả có cách giới thiệu hơi khác lạ mà rất hiển nhiên:

Ông tôi, cha tôi và tôi
Ba đời làm lính, ba đời nông dân

Tóm tắt khéo léo được đến vậy, họa chỉ có thơ thôi!

Ba thế hệ kế tiếp trong một gia đình cùng chung sống, đó là chuyện khá phổ biến với người Việt Nam ta, tính trong vòng mấy mươi năm gần đây. Vẫn những người nông dân ấy, cần cù, gắn bó với những nét muôn thuở, những bản chất bền vững đã ăn sâu vào máu thịt, ruột gan họ:

Quê hương một mảnh đất cằn
Cày sâu cuốc bẫm làm ăn bốn mùa


Nhưng người nông dân trong bài thơ này là người nông dân của thời hiện đại, của chiến tranh và cách mạng. Là nông dân, đồng thời họ cũng là lính - lính chiến trận, thế nên những kỷ niệm là nông dân, là lính cứ khéo léo đan xen nhau: 

Khi buồn giở tráp huân chương
Khi vui xuống ruộng lên vườn làm vui


Người già thường hay hoài niệm, nghĩ ngợi mông lung, dù bản thân mình hay đau đớn, nhức mỏi, song lại chẳng chịu nghĩ cho riêng mình, vẫn thấy mình được trở về là còn may mắn: 

Về già cứ nhức mình luôn
Càng thương nỗi bạn mồ chôn rừng già


Hình ảnh người nông dân - người lính kết hợp lại trong một con người thì văn chương lâu nay không thiếu. Nhưng kết hợp lại trong một gia đình, qua ba thế hệ thì có lẽ đây là lần đầu. Ba thế hệ nói lên chiều dài thời gian, nhưng chủ yếu thể hiện tính kế thừa tự nhiên, lẽ phải truyền đời của một ngả đường lịch sử dân tộc mình đã chọn. Vì thế nó đặc sắc, sinh động, trở thành hình ảnh một thời đại hào hùng và oanh liệt.

Nhưng nói đến chiều sâu một thời đại thì phải nói đến những tâm tư, tình cảm mỗi con người. Cái chiều sâu ấy nằm ngay ở cảm giác hẫng hụt trong câu thơ đơn giản mang tính cập nhật thời sự:

Nghe đài thấy mất Liên Xô thì buồn

Nó sâu vì nó động chạm đến niềm tin, đến một phần đời thực trải trong quá khứ:

Nhớ khi bờ thửa bờ vùng
Cái sân hợp tác vui chung rộn ràng


Và nó sâu ở những đổi thay sự đời, lòng người, những biến động ghê gớm, những thử thách khó vượt qua:

Bây giờ ai dân ai quan
Ai thời vẫn vậy, ai sang một mình?


Có thể nói, đấy là những thực tế phũ phàng không thể phủ nhận. Anh lính - người nông dân, sau những hào quang chiến thắng, giờ biết vậy và chấp nhận với cách lý giải rõ ràng mà thấm thía, bao dung:

Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Nước nhà tắt lửa chiến tranh là mừng


Sau cùng tác giả lấy hai câu thơ đầu để nhắc lại một lần nữa, khỏe khoắn, đằm, nhiều ngẫm ngợi. Do vậy, thơ không khép lại mà mở ra, nó tiếp tục vang lên như niềm tự hào pha chút hãnh diện đáng yêu.

ĐẶNG VĂN TOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một gia đình ba đời làm lính, ba đời nông dân