Mới hay "duyên nợ phong trần"

17/04/2022 12:42

Đọc bài thơ “Thăm lại chùa xưa” của Hồ Đình Bắc, tôi bị cuốn hút ngay bởi giọng thơ lục bát ngọt ngào, uyển chuyển, lắng sâu mà lay thức lòng người về nỗi đời nỗi người.

Thăm lại chùa xưa

Eo thon mặc áo nâu sồng
Khăn chùa thay mái tóc bồng ngày xưa
Để giờ mõ sớm, kinh trưa
Mắt buồn xuân cũ như vừa ướt mi.

Thinh không chùa vắng từ bi
Quên sao ngày ấy em đi lễ chùa
Tóc dài vương những  sợi mưa
Cầu duyên khi tuổi mới vừa sang xuân.

Không ngờ duyên nợ phong trần
Tình tan như nắng qua sân dãi dầu
Còn đâu duyên lễ, duyên cầu
Khói hương chùa vắng - tình đầu ai quên?

Ngày xưa chùa ấy cầu duyên
Giờ em thành bóng sư thiền lặng thinh
Bỏ buồn, bỏ nhớ sau mình
Âm thầm sớm mõ, chiều kinh mặc đời.

HỒ ĐÌNH BẮC  

Đọc bài thơ “Thăm lại chùa xưa” của Hồ Đình Bắc, tôi bị cuốn hút ngay bởi giọng thơ lục bát ngọt ngào, uyển chuyển, lắng sâu mà lay thức lòng người về nỗi đời nỗi người. Bài thơ nói về tình duyên tan vỡ của một cô gái đẹp. Đó là lý do giờ đây cô thành “bóng sư thiền lặng thinh”, ngày lại ngày, quanh quẩn với “mõ sớm, kinh trưa” nơi cửa chùa từ bi độ lượng...

Ngay từ khổ thơ đầu, mặc dù tác giả chưa sử dụng từ em, nhưng ta đã biết đấy là em-em của ngày xưa. Vẫn cái dáng dấp “eo thon” thời thiếu nữ, nhưng giờ đây, thế giới của em đã hoàn toàn khác. Cái áo “nâu sồng”, “khăn chùa” cùng với “mõ sớm, kinh trưa”, cho thấy em đã “thoát tục” về tu nơi cửa chùa. Đặc biệt câu: “Mắt buồn xuân cũ như vừa ướt mi” dường như vừa diễn tả hình dáng, vừa khắc họa tâm trạng u uất của nhân vật trữ tình? Không chỉ là "mắt buồn", "ướt mi" mà giọng điệu buồn man mác, đem lại cảm giác em vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi vừa xa xôi. Gặp em trong dáng dấp ấy, cảnh huống ấy, chắc hẳn người thơ rất bất ngờ và không giấu được cảm xúc… buồn. Vậy là ký ức về em chợt ùa về!

Theo dòng hồi tưởng, tác giả đưa ta về lại khoảng trời xưa, ngày em đi lễ chùa “Cầu duyên khi tuổi mới vừa sang xuân”. Xưa nay, đi lễ chùa để cầu duyên là việc làm quen thuộc của nhiều cô gái khi ở tuổi “vừa sang xuân” - lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, hẳn cô gái nào cũng mong cho mình có được một duyên tình may mắn, suôn sẻ, một mái ấm, êm đềm hạnh phúc. Ở đây em cũng vậy! Em của ngày xưa chỉ được tái hiện qua mái tóc dài và mấy sợi mưa còn vương trên tóc, thế cũng đủ cho sự duyên dáng càng duyên dáng hơn, mặn mà càng mặn mà hơn chăng?

Nhưng ở đời không phải điều gì cũng “cầu được ước thấy”. Tình duyên của em đã tan vỡ. Ở đây tác giả không nói và ta cũng không biết lý do tình đầu của em vì đâu mà tan vỡ, ở đời có ngàn vạn cái không ngờ, không thể lường trước, như tình cảnh của em chẳng hạn: “Không ngờ duyên nợ phong trần/ Tình tan như nắng qua sân dãi dầu”. Chỉ biết cái kết cục cay đắng cho một cuộc tình là em phải bỏ lại sau lưng tất cả buồn nhớ, yêu thương và những ngang trái của cuộc đời, tìm chốn nương thân nơi cửa Phật. Chắc hẳn tình duyên của em phải trải nhiều đau khổ và oan khuất lắm, nên em mới quyết tâm dứt bỏ, tìm về chốn từ bi?

Từ hiện thực "bây giờ” người thơ liên tưởng đến ngày xưa, cũng tại ngôi chùa này mà đã có sự thay đổi đến xót xa. Duyên xưa đã cầu, giờ đã mất. Cũng chủ thể ấy, tại ngôi chùa ấy, nhưng tâm thế của em đã hoàn toàn khác. Em ngày xưa trẻ trung xinh đẹp, yêu đời là thế, giờ thành “bóng sư thiền lặng thinh” tối ngày âm thầm với “mõ sớm kinh trưa”, mặc cho dòng đời nghiệt ngã chảy trôi. Em "bỏ buồn, bỏ nhớ", đoạn tuyệt với mọi vấn vương trần thế, tìm sự thanh tịnh nơi cõi Phật. Nhưng liệu rằng em (sư thầy) có bỏ “mặc đời” được không? Điều này quả là khó, vì câu thơ “Mắt buồn xuân cũ như vừa ướt mi” cho thấy, em không phải là người vô tình, hay ít ra, nhân vật trữ tình em, dù cố quên đi cái sự thật phũ phàng trớ trêu, nhưng đâu dễ dàng quên được?

Có câu “Đời là bể khổ” quả không sai, mới hay, “duyên nợ phong trần” có thể xảy đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Cuộc đời của người con gái trẻ trung, xinh đẹp ngày xưa đã thay đổi, bước sang một ngã rẽ mới. Giờ đây, trong trang phục nhà chùa, em đã chọn “lánh đục về trong”, gột sạch bụi trần, mong tìm được an yên nơi cửa Phật. Ta không biết lựa chọn của em có đúng không? Nhưng có điều chắc chắn ta luôn tin rằng, về với cửa chùa là em tìm về sự thanh tịnh, tránh xa hỉ nộ ái ố… tìm lại ý nghĩa của cuộc đời, tâm luôn hướng thiện.

Bài "Thăm lại chùa xưa" của nhà thơ Hồ Đình Bắc hấp dẫn người đọc bởi ngôn ngữ, hình ảnh thơ trong sáng, giản dị, có sức lan tỏa. Đây là bài lục bát buồn, nhưng là một nỗi buồn đẹp, có tác dụng thanh lọc, tẩy trần. Theo tác giả bài thơ, thì đây là câu chuyện có thật, xảy ra trong gia đình một người bạn. Dù thật, dù không thì những cảnh đời tương tự như thế, ta vẫn gặp đâu đó ngoài đời. Bởi thế, qua hình ảnh em xưa và nay, phải chăng tác giả muốn gửi thông điệp: Cuộc đời còn lắm trái ngang, nhiều thử thách, cho nên mỗi người phải học cách vượt qua nó mà sống một cuộc sống có ý nghĩa?

NGUYỄN THỊ BÌNH 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mới hay "duyên nợ phong trần"