Mãi rưng rưng những vần thơ tháng Tám

19/08/2018 06:07

Cách mạng Tháng Tám là dấu mốc chói lòa không chỉ trong lịch sử dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ. "Bài thơ tháng Tám" của nhà thơ Giang Nam là nỗi niềm xúc động, tự hào hòa lẫn cùng niềm hy vọng khi nhớ về tháng Tám lịch sử năm 1945. Những vần thơ viết cách đây đã ngót 60 năm nhưng dường như vẫn còn tươi mới, khơi lên trong lòng người đọc nhiều xúc cảm khôn nguôi.

Cảm xúc mang tên tháng Tám trào dâng mãnh liệt đầu tiên trong bài thơ chính là niềm vui tột cùng trong cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Chính vì vậy, tác giả mới gọi đó là "mùa vui lịch sử". Niềm vui ấy được tái hiện bằng cả hệ thống từ biểu cảm trực tiếp lẫn hệ thống hình ảnh giàu sức gợi. Đó là cảm xúc "sung sướng quá", "muốn cười muốn nói", "muốn thét to", "cơm chín quên ăn", "cuống quýt, say sưa"... gắn liền với những hoạt động vùng lên cướp chính quyền của quần chúng nhân dân: "Đạp xuống bùn đen quân thù hắc ám", "Ăn đứng, ngủ ngồi, giữa hai cuộc mít-tinh"... Người nông dân chân lấm tay bùn từ bao đời nay dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên chống lại ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân phong kiến, để từ đó tự làm chủ cuộc đời mình, góp phần viết nên vận mệnh chung của toàn dân tộc. "Chiếc cùm gỗ nặng nề không xê dịch/Bị chẻ tung rồi! hết khoá chặt bước chân ta!"- còn niềm vui nào lớn lao, tột cùng hơn thế. Chính vì vậy, hình ảnh của những ngày tháng lịch sử ấy còn mãi trong tâm trí người dân. Ở thời điểm nhà thơ Giang Nam viết bài thơ này là 14 năm sau mà "nghe như mới hôm qua", và đến hôm nay, 73 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đọc lại những vần thơ viết về sự kiện lịch sử đó, trong lòng độc giả vẫn trào dâng những cảm xúc tuy không còn mới mẻ nhưng vẫn sống động và mãnh liệt.

Sau niềm vui mạnh mẽ ban đầu, mạch thơ tiếp nối là sự xúc động xen lẫn tự hào của người dân khi cách mạng đã giành được chính quyền. Người mẹ già "dưới bóng đa già nghe xóa nợ, tức tô/Nước mắt rưng rưng nhỏ từng giọt trên cờ". Những người con trai, con gái lần đầu tiên "được gác cho đồng bào tôi ngủ", "biết tập bước một hai". Đó là những trải nghiệm mới mẻ của người dân một nước độc lập nên khiến họ không khỏi "bỡ ngỡ, vụng về, nhưng tự hào biết mấy". Chính những xúc cảm đó đã khiến nhà thơ nhìn cảnh vật quê hương quanh mình bằng một cái nhìn khác, dường như tất cả đều được lột xác theo tâm trạng, vị thế con người. Vẫn là điếm canh, mương nước, lưng đồi hằng ngày đó thôi nhưng nay "bỗng trở nên hiền lành, tha thiết". Khi người dân được làm chủ vận mệnh của mình, vận mệnh của quê hương, đất nước thì quê hương, đất nước lại càng trở nên gắn bó thiết thân trong tình yêu bao la, rộng khắp.

Những ấn tượng sâu sắc ấy về Cách mạng Tháng Tám vẫn luôn sống động nên ngay trong thời điểm nhà thơ Giang Nam viết bài thơ này, đất nước vẫn đang còn chia cắt nhưng niềm tin về ngày thống nhất luôn mãnh liệt trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đó là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn đang trong giai đoạn ác liệt: "đất nước quặn thương đau", "trăm vết thương rỉ máu", "đen ngòm quân ác quỷ". Điều đó chỉ làm tăng thêm quyết tâm "quyết đạp ngã quân thù" với sức mạnh, niềm tin đã được khơi lên từ những ngày tháng Tám: "Tháng Tám hôm qua là trận mở đầu/Cho tháng Tám ngày mai long trời lở đất!". Bài thơ kết thúc với lời khẳng định: "Có tháng Tám là có ngày thống nhất!" và trên thực tế, lời khẳng định này đã trở thành hiện thực. Bởi vậy, bài thơ không chỉ có giá trị tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà còn mang tính dự đoán và khắc họa tấm lòng của nhân dân với cách mạng một cách sống động, chân thực, đầy cảm xúc.

SONG KHUÊ

Bài thơ tháng Tám

Tôi viết bài thơ tháng Tám
Giữa lòng đất nước quê ta
Mười bốn năm rồi, nghe như mới hôm qua
Tôi lại đứng giữa mùa vui lịch sử!
Sung sướng quá! tôi muốn cười muốn nói
Muốn thét to lên như thuở ấy ra đường
Dao chặt cá sáng ngời, đeo lủng lẳng bên hông
Sóng nước bao la cuộn mang màu cờ đỏ
Cơm chín quên ăn chạy vù ra ngõ
"Đi cướp chính quyền!" ơi ới gọi nhau
Cuống quýt say sưa, vứt cả áo đội đầu
Phút lịch sử, nghẹn ngào, tay chặt nắm...
Đạp xuống bùn đen quân thù hắc ám
Tôi bước đi lần thứ nhất trên đời
Đầu ngẩng lên, nhìn thẳng tới tương lai
Giữa gậy gộc, xà beng, và câu liêm giáo mác...

Ngày kéo dài quá gà gáy, nửa đêm!
Ăn đứng, ngủ ngồi, giữa hai cuộc mít-tinh
Dưới bóng trăng cởi trần đứng gác!
Áo giặt chưa khô, tì tay lên ngọn mác
Tôi nghẹn ngào nhìn thôn xóm quanh tôi
Cũng vẫn điếm canh, mương nước, lưng đồi
Sao bỗng trở nên hiền lành, tha thiết?
(Chiếc cùm gỗ nặng nề không xê dịch
Bị chẻ tung rồi! hết khóa chặt bước chân ta!)
Lần đầu tiên từ thuở mẹ sinh ra
Tôi được gác cho đồng bào tôi ngủ!
Tôi biết sống từ mùa thu tháng Tám
Biết làm người, biết tập bước một hai
Bỡ ngỡ, vụng về, nhưng tự hào biết mấy
Mẹ vịn vai con ra đình làng dự hội
Dưới bóng đa già nghe xóa nợ, tức tô
Nước mắt rưng rưng nhỏ từng giọt trên cờ
Mơ ước ấy, suốt đời chưa dám nghĩ!
Ơn cách mạng khắc sâu vào xương tuỷ
Dù chén gạo chia phần đã ăn hết từ lâu!
Dù tạm thời đất nước bị chia đôi
Mẹ vẫn tin một ngày mai thống nhất!

Tôi viết bài thơ tháng Tám
Trên nửa mình đất nước quặn thương đau
Ôi! Những đêm dài Rạch Giá, Cà Mau
Long Mỹ, Thổ Sơn... đen ngòm quân ác quỷ
Chiến khu Đ, ôi! xóm, làng, nương, rẫy!
Tiếng bom nào nổ xoáy óc tim ta!
Tôi ngồi đây nghe từng phút, từng giờ
Đất nước quanh mình trăm vết thương rỉ máu
Đang lớn lên bừng bừng như vũ bão
Triệu bàn chân quyết đạp ngã quân thù!
Tháng Tám hôm qua là trận mở đầu
Cho tháng Tám ngày mai long trời lở đất!

Có tháng Tám là có ngày thống nhất!

GIANG NAM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mãi rưng rưng những vần thơ tháng Tám