Khát khao lớn nhất của người làm báo

21/06/2019 14:34

Khi đọc bài thơ “Sự thật và trái tim người làm báo”, một lần nữa những sự trở trăn, khao khát mang tên sự thật của những người làm báo lại hiện lên sống động và sâu sắc.

Đề thi vào trường báo chí của chúng tôi năm ấy là câu ngạn ngữ Nga nổi tiếng: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Nhiều năm sau này chúng tôi vẫn nhắc đến đề thi ấy với nhau bởi đó chính là lời nhắc nhở đầu tiên cũng là lời nhắc thường xuyên nhất với lương tâm người làm báo. Khi đọc bài thơ “Sự thật và trái tim người làm báo” của tác giả Lê Cảnh Nhạc, một lần nữa những sự trở trăn, khao khát mang tên sự thật của những người làm báo lại hiện lên sống động và sâu sắc.

Nói đến nghề báo, thường người ta hay nghĩ về những vất vả, khó khăn của quá trình tác nghiệp như thường xuyên phải di chuyển, đi xa, làm việc không kể ngày giờ, đối mặt với hiểm nguy… Nhưng đằng sau đó còn có những khó khăn mà có lẽ chỉ những người trong nghề mới thật sự thấu hiểu. Đó là những trở trăn, day dứt khi tìm cách đưa sự thật đến được với công chúng. Tác giả Lê Cảnh Nhạc gọi nhà báo là “Người nghệ sĩ ngữ ngôn với cây gậy thăng bằng” bởi họ phải cân bằng giữa “Trách nhiệm trước cuộc đời và gập ghềnh thị hiếu”. Trách nhiệm của người làm báo trước cuộc đời chính là viết về sự thật trên trang báo. Nhưng trong thời hiện tại, báo chí muốn “sống” được còn phải chiều theo thị hiếu người đọc. Nhiều khi người làm báo không muốn mà vẫn phải tìm cách “giật tít, câu view” để thu hút người xem. Hành động ấy nếu không cẩn thận sẽ biến sự thật chỉ còn một nửa và hậu quả có thể sẽ khôn lường. Bởi vậy, cân bằng được hai điều này thật không dễ dàng. Bên cạnh đó còn luôn luôn có những thế lực tìm cách che giấu sự thật hay “đổi trắng thay đen” bằng nhiều cách: “Ma quái đồng tiền xô trang dòng xiêu vẹo/ Những thế lực âm binh ném con chữ vô hình”. Đứng trước những thử thách đó, người làm báo phải thực sự bản lĩnh; đồng thời cũng phải có trái tim biết đồng cảm với những người tìm đến mình để nói lên sự thật. Đó có thể là người cựu chiến binh, bác thợ cày hay vị tướng, bất cứ ai cũng có thể có những nỗi niềm cần sẻ chia, giúp đỡ. Để tìm lại lẽ công bằng, nhà báo không chỉ cần một cái đầu tỉnh táo mà cần cả trái tim yêu sự thật, đồng cảm với số phận con người. Có lẽ bởi vậy nên tác giả đã đặt tên bài thơ là “Sự thật và trái tim nhà báo”, một cái tên súc tích, đầy đủ ý nghĩa như một bài báo không tìm cách câu view.

Tác giả dành trọn hai khổ thơ thứ tư và năm để định nghĩa về “sự thật” đối với người làm báo. Khổ thơ thứ tư là cách định nghĩa ngược như thế nào thì không phải là sự thật. Đó là sự thật được phản ánh không phụ thuộc vào vị trí, chức tước của con người, không bị ảnh hưởng bởi quyền lực từ trên xuống, không bị mua bán bởi tiền bạc, vật chất. Khổ thơ thứ năm là những nội hàm của sự thật đó. Đó là sự thật được đo bằng trách nhiệm trước nhân dân, xuất phát từ trái tim của người cầm bút. Sự thật là cái đích tối thượng của người làm báo nên dù phải trả bằng cả máu và nước mắt thì họ vẫn chấp nhận để “Gỡ bòng bong cuộc đời sự thật sáng bừng lên”.

Trên con đường đi tìm sự thật, mang thông tin đến với người đọc, người xem, những người làm báo gặp không ít rủi ro, nguy hiểm và có những khi họ có thể tự đánh mất bản lĩnh của mình “Khi chiếc gậy thăng bằng chao nghiêng giây lát”. Cũng có những khi điều hôm nay mình tưởng là sự thật, đến ngày mai đã lại thay đổi mất rồi. Thực tế đã có những nhà báo lâm vào vòng lao lý vì đã tin những gì mình thu thập được là sự thật mà không ngờ đó chỉ là một phần sự thật hoặc điều mà người khác muốn mượn tay họ đưa đến công chúng mà thôi. Nhưng nếu cái tâm của người làm báo thực sự trong sáng hướng về sự thật thì những trang viết của họ vẫn luôn còn giá trị: “Đồng nghiệp thân yêu ơi, rồi ai còn, ai mất/ Trang viết chắt từ tim sống mãi muôn đời”.

Bài thơ là sự đồng cảm lớn lao của một người làm báo với những đồng nghiệp của mình, những người ngày đêm cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa, chỉ mong gieo hạt mầm sự thật để cuộc đời nhận được lẽ công bằng. Những khổ thơ đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, có day dứt, xót xa, có đắng đót và thoáng những nỗi buồn, nhưng cuối cùng điều đọng lại và cũng khiến bài thơ sáng bừng lên là tình yêu nghề, lòng quyết tâm hướng về sự thật. Đó là lẽ sống và cũng là sức mạnh lớn lao của những người làm báo.

SONG KHUÊ

Sự thật và trái tim nhà báo

Cháy hết mình nghiệp báo tuổi năm mươi
Một trang viết nửa cuộc đời mài bút
Dòng tin vắn thót tim căng ánh mắt
Trên đường ray, bạn đọc có đi cùng?

Người nghệ sĩ ngữ ngôn với cây gậy thăng bằng
Trách nhiệm trước cuộc đời và gập ghềnh thị hiếu
Ma quái đồng tiền xô trang dòng xiêu vẹo
Những thế lực âm binh ném con chữ vô hình

Giọt đắng sau chiến tranh của người cựu chiến binh
Nỗi oan khuất bác thợ cày miền ngược
Đến vị tướng cũng gạt thầm nước mắt

Tìm lẽ công bằng trên mặt báo vô tư
Sự thật không đo bằng danh phận con người
Sự thật không cân bằng cán cân thế lực
Sự thật không uốn cong theo chức quyền, thời cuộc

Sự thật không bán mua bởi cám dỗ bạc tiền

Sự thật đo bằng trách nhiệm trước nhân dân
Sự thật song hành trái tim người cầm bút
Sự thật đã từng phải trả bằng cả máu và nước mắt
Gỡ bòng bong cuộc đời sự thật sáng bừng lên

Có thể ngày mai tờ báo chẳng còn anh
Khi chiếc gậy thăng bằng chao nghiêng giây lát
Trên đỉnh vinh hoa giáp ranh bờ vực
Nặng trĩu hai vai số phận những con người

Có thể ngày mai sự vật đổi dời
Điều ta ngỡ sự thật hôm nay sẽ không là sự thật
Đồng nghiệp thân yêu ơi, rồi ai còn, ai mất
Trang viết chắt từ tim sống mãi muôn đời.

             LÊ CẢNH NHẠC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát khao lớn nhất của người làm báo