"Đơn phương" - Bài thơ mang đậm tính nhân văn

24/05/2020 16:24

"Đơn phương" là một tình huống thường gặp trong tình yêu: “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?” (Xuân Diệu).

"Đơn phương" là một tình huống thường gặp trong tình yêu: “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?” (Xuân Diệu). Thế nên đã có nhiều người làm thơ về tình đơn phương. Nhưng đọc "Đơn phương" của nhà thơ Phạm Đức, tôi vẫn thấy mới lạ và thích thú, tâm trạng thật khó tả: một thoáng buồn dịu nhẹ, một chút an ủi, khích lệ và cả thú vị mơ hồ nữa. Tất cả tình cảm, cảm xúc ấy xáo trộn, hối thúc ùa về. 

Bài thơ mở đầu bằng sự trải lòng thành thực hay chính là một tiếng thở dài, một sự thất vọng: "Tôi tìm em, em tìm ai/ Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung". Câu thơ đầu tiên với dấu phẩy đặt giữa dòng, tạo ra cách ngắt nhịp khác thường (3/3) có cảm giác dòng thơ như bị bẻ đôi để nói rằng: Tôi và em mỗi người một hướng khác nhau. Người thơ chủ động tìm em nhưng em đã không “bắt” tín hiệu. Bởi lẽ, em đã có người khác, yêu người khác. Thế nhưng, hình như em cũng đơn phương như tôi, hay là em buồn cho tôi, mà “Đôi khi tiếng thở dài hòa chung”? Điều đó có thể xảy ra lắm chứ! Vậy nên, thật buồn khi em và tôi: “Gần nhau mà chẳng yêu cùng”. Em và tôi không có duyên với nhau. Em chạy theo bóng hình mơ tưởng của em và tôi cũng cứ thủy chung với hình bóng mơ tưởng của tôi! 

Người thơ đã thú nhận tình đơn phương ngay từ nhan đề bài thơ và xuyên suốt toàn bài vẫn thủy chung với mối tình đơn phương ấy. Người thơ khẳng định: mãi thủy chung với tình yêu không được đền đáp, mãi dõi theo “Cái bông hoa nở giữa vườn”. Nhưng trớ trêu thay, hương thơm của bông hoa ấy lại xa bay về nẻo khác. 

Ai đó đã nói đại ý rằng, hạnh phúc chính là thấy người mình yêu được hạnh phúc. Tôi nghĩ nhà thơ Phạm Đức cũng có một quan niệm về hạnh phúc tương tự, thế nên đã dành trọn trái tim đơn côi “Cho em - người vốn vô tình với tôi” đó thôi!

Đơn phương cũng là một dạng thức của tình yêu. Theo đuổi mối tình đơn phương với một tấm lòng bao dung, vị tha như vậy quả là bất ngờ. Qua "Đơn phương", phải chăng nhà thơ muốn chia sẻ một cách nhìn, cách nghĩ mới về tình yêu? Yêu đơn phương là yêu cái đẹp, yêu hướng về những điều tốt đẹp nhất, không toan tính, yêu chỉ là được yêu mà không đợi chờ sự đền đáp. Vậy nên, yêu đơn phương chẳng dễ dàng gì và trong thực tế, không phải ai cũng sẵn lòng chấp nhận đơn phương một cách âm thầm, lặng lẽ như vậy. Phải có một tấm lòng cao cả, độ lượng như thế nào, người thơ mới có một cách yêu cao thượng và trong sáng đến thế?

Trong cuộc sống, tình yêu đơn phương là tình huống có thực luôn tồn tại. Nhưng cư xử như thế nào khi ở tình thế đơn phương thật không dễ. Ở bài thơ này, người thơ đã biết chấp nhận và nuôi dưỡng nó, đơn giản chỉ vì theo ông, yêu đơn phương là biết yêu đời và quan trọng hơn “Yêu đời là để yêu người”. Vậy nên, bài thơ như một niềm an ủi không chỉ cho tôi, mà cho tất cả những ai nếu rơi vào tình trạng này sẽ có cách nhìn, cách nghĩ thông thoáng hơn, lạc quan hơn: cho người và vì người âu cũng là hạnh phúc?

Nhưng cho dù bao dung, độ lượng, vị tha đến mấy, người thơ cũng không che giấu cảm xúc buồn khi đang ở tình trạng đơn phương, dành trọn tình yêu cho em, buồn thay em lại mang trái tim dâng kẻ khác. Lời thú nhận: “Tôi không ghen, chỉ buồn thôi, thật buồn” đã phần nào hiện thực hóa tâm trạng ấy. Người thơ nói "không ghen" nhưng có thật là không ghen? Tôi nghĩ nhà thơ đã thật khéo chế ngự được tình cảm để "không ghen". Tuy vậy, ông lại thừa nhận "buồn" và nhấn mạnh "thật buồn". Chữ "buồn" được láy lại trên cùng một dòng thơ làm cho nỗi buồn càng thêm da diết. Sao mà không buồn khi đã dành tất cả trái tim cho em, yêu em mà em lại hướng về người khác? Nghịch lý ấy đã tạo ra nghịch cảnh: “Cái bông hoa nở giữa vườn/Hương thơm nhiều lúc lại thường xa bay”. Khoảng cách “nhất cự ly” cũng chả có nghĩa lý gì, tôi thành kẻ “vô duyên đối diện bất tương phùng” nên đành chấp nhận hiện thực: “Thôi thì em đó tôi đây/Không yêu nhau được dẫu đầy thương yêu!”. Từ "thôi thì" cất lên thật khó khăn, ta như nghe được tiếng thở dài vô vọng để rồi cuối cùng, người thơ cũng tìm được một giải pháp tối ưu. Ở trên đời này đâu phải yêu ai cũng được đền đáp? Rõ ràng tình yêu chỉ đến từ hai phía. Đằng này tôi chỉ đơn phương đến với em và biết đâu em cũng đơn phương yêu một người nào đó? Cho dù là vậy, chủ thể trữ tình cũng bày tỏ tâm nguyện của mình một cách thành thực và rất nhân văn: “Mong em yêu và được yêu/Đừng như tôi chỉ một chiều tương tư”. Điều đó có nghĩa từ thẳm sâu lòng mình, tôi luôn cầu chúc và mong em yêu và được yêu. Mong cho em có một tình yêu trọn vẹn, mong em không phải rơi vào tình cảnh tương tư một chiều như tôi…

Với lời thơ giản dị, nhẹ nhàng, dễ hiểu, "Đơn phương" là một bài thơ được nhiều người ưa thích. Chọn thể thơ lục bát đằm thắm, dịu dàng để chuyển tải điều khó nói trong tình yêu (đơn phương), nhà thơ đã mở được chìa khóa đi vào lòng độc giả. Thế nên, nói về tình yêu một phía, tuy có chút buồn nhưng không nản. Ở bài thơ này, Phạm Đức có một quan niệm về tình yêu khá thoáng. Với ông, yêu là cho chứ chưa cần đền đáp. Và như vậy, biết cho cũng là được nhận, được yêu. Với quan niệm ấy, tôi nghĩ ông đã chuyển bại thành thắng, hóa buồn thành vui. Bài thơ vì thế bớt đi sự lẻ loi cô độc của mối tình đơn phương theo đúng nghĩa.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Đơn phương

Tôi tìm em, em tìm ai
Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung
Gần nhau mà chẳng yêu cùng
Đơn phương tôi cứ thủy chung một mình
Trái tim tôi vẫn để dành
Cho em - người vốn vô tình với tôi.

Còn em lại đến với người
Tôi không ghen, chỉ buồn thôi, thật buồn.
Cái bông hoa nở giữa vườn
Hương thơm nhiều lúc lại thường xa bay
Thôi thì em đó tôi đây
Không yêu nhau được dẫu đầy thương yêu!

Mong em yêu và được yêu
Đừng như tôi chỉ một chiều tương tư.

PHẠM ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Đơn phương" - Bài thơ mang đậm tính nhân văn