Day dứt chuyện tình ca dao

12/06/2022 06:52

Tôi luôn cho rằng, thơ hay sẽ chạm đến trái tim người đọc dù hình thức của nó cũ kỹ hay mới mẻ, kể cả với thể thơ lục bát truyền thống, vốn vẫn được nhận định rằng dễ làm nhưng khó hay.

Lỗi hẹn cùng ca dao

Vườn nay người khác đã rào
Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Đâu rồi môi hát vu vơ một mình?
Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những vết tình còn vương
Giũ cho rơi bớt giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời...

Đàn Kiều được mấy khúc vui
Thơ Kiều có vận vào đời em chăng?
Tình so chưa đủ ngũ âm
Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi
Áo ca dao, gió cuốn rồi
Cầu ca dao trả cho người khác qua...

Tóc mai rũ bóng hiên nhà
Chuyện xưa dù nhắc vẫn là chuyện xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng.

THANH NGUYÊN 

Tôi luôn cho rằng, thơ hay sẽ chạm đến trái tim người đọc dù hình thức của nó cũ kỹ hay mới mẻ, kể cả với thể thơ lục bát truyền thống, vốn vẫn được nhận định rằng dễ làm nhưng khó hay. Thế nhưng chỉ cần tiếng lòng trong những câu chữ ấy rung lên vang động và chăng lên những sợi tơ đồng điệu, yêu thương thì người ta sẽ đọc, ngâm nga và nhung nhớ. “Lỗi hẹn cùng ca dao” của Thanh Nguyên là một bài thơ làm được điều đó. Dù thơ viết về thân phận, nỗi niềm người phụ nữ nhiều vô kể, vẫn thấy rát lòng khi đọc bài thơ ấy. 

Bài thơ mới đọc tưởng như một bài ca dao hiện đại. Cũng là những hình ảnh ước lệ quen thuộc: vườn, khóm trúc, khóm mai… nhưng lại không phải một không gian lãng mạn, tình tứ: "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Mà đó là một thực tế lạnh lùng: "Vườn xưa người khác đã rào/ Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa".

Vậy là chốn cũ nhưng người thì mới, người mới đã đánh dấu chủ quyền. Cô gái ngày xưa đang tuổi cập kê, còn e thẹn trong buổi đầu hò hẹn cùng bao nhiêu mộng ước giờ cũng đã là vợ, là mẹ với trách nhiệm và bổn phận ở một “vườn khác”.

Nhưng bổn phận đó có gì như gánh nặng đè nén những mơ mộng ngày nào. Có phải “em” nhận ra mình đã không đến được với tình yêu đích thực của cuộc đời. Có những điều xót xa, chua chát: "Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Đâu rồi môi hát vu vơ một mình?/ Em ngồi giặt áo lặng thinh". Điều gì khiến một cô gái hồn nhiên, yêu đời thay đổi đến vậy? Hình như đó là quy luật. Mỗi độ tuổi người ta sẽ có những trải nghiệm và tâm trạng khác nhau. Nếu ngày xưa vừa làm em vừa “hát vu vơ” thì nay “em ngồi… lặng thinh”. Công việc không còn là niềm vui nữa mà là việc phải làm. Và công việc đó được Thanh Nguyên lồng vào nỗi lòng của người đang phải thực hiện đầy xót xa: "Em ngồi giặt áo lặng thinh/ Vò cho sạch những vết tình còn vương/ Giũ cho vơi bớt giọt buồn/ Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời...".

Một loạt động từ xuất hiện liên tiếp: ngồi, vò, giũ, phơi… mô tả chân thực việc giặt giũ. Công việc đơn điệu làm trong thầm lặng không có người chia sẻ tưởng chẳng có gì đặc biệt mà lại rất liên quan. Vò áo cho sạch hay cũng là để vò hết những vết tình còn vương vấn, giũ áo hay là giũ cho bớt những giọt buồn sâu nặng, phơi áo hay còn muốn phơi khô những nhớ thương giờ đã không còn đúng chỗ. Vậy là công việc trở thành chỗ cho người phụ nữ trút bỏ và giải tỏa nỗi lòng, những mong tâm tư dịu lại.

Không chỉ mượn ca dao, Thanh Nguyên còn đưa cả câu chuyện của nàng Kiều, người phụ nữ nổi tiếng tài sắc mà số phận long đong, trắc trở vào bài thơ: "Đàn Kiều được mấy khúc vui/ Thơ Kiều có vận vào đời em chăng?". Thực ra, mỗi cô gái đều thấy mình ở đâu đó trong cuộc đời của nàng Kiều-dù có thể không xinh đẹp, tài hoa. Nhất là những người phụ nữ đa cảm, những người phụ nữ không đến được với tình yêu đích thực. 

Liên tưởng, xa xót nhưng đâu có thể thay đổi điều gì: "Đàn so chưa đủ ngũ âm/ Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi". Thực tại vẫn là thực tại. Con người chỉ có thể nhìn về quá khứ trong tâm tưởng và đôi phút nặng lòng, còn vẫn phải đối diện, sống với thực tại dù thực tại đó tẻ nhạt, buồn chán đến mức nào.

"Áo ca dao gió cuốn trôi/ Câu ca dao trả cho người khác qua". Tình yêu ngày xưa ắt hẳn mặn nồng với nhiều hẹn ước, chắc hẳn đã từng: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay". Nhưng rồi ước hẹn không thành. Tất cả biến mất, “cuốn trôi”, “trả cho người khác”… sao hẫng hụt, tiếc nuối đến chạnh lòng. 

Thanh Nguyên gợi lên một dấu hiệu tình yêu đôi lứa “áo ca dao” sáng tạo và đầy sức biểu cảm. Dấu hiệu ấy được điệp lại một phần ở câu dưới “cầu ca dao” tạo nên sự day dứt liên hoàn không dứt. Tuy nhiên, giống như ở đoạn trên, cứ khi nào chuẩn bị chìm đắm vào quá vãng, sắp sửa mất phương hướng ở thực tại thì bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ lại thức dậy, để hiểu một điều: "Chuyện xưa dù nhắc vẫn là chuyện xưa”.

Không thể thay đổi được quá khứ, vẫn phải sống với thực tại dù thực tại ấy không vui. Cho nên: "Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng". Một lần nữa, sự lồng ghép tâm trạng vào công việc khéo léo, nhuần nhị lạ lùng. Dưới đôi bàn tay thuần thục và đảm đang, những tấm áo dù bẩn đến đâu cũng được giặt, vò cho sạch nhưng lòng người đang bề bộn, ngổn ngang làm sao mà dọn dẹp cho gọn gàng, nhẹ nhõm?

NHẤT MẠT HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Day dứt chuyện tình ca dao