Cây cầu đi suốt đời ta

07/11/2021 15:10

Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Với hơn 110 năm tồn tại từ thời Pháp thuộc, qua hai cuộc chiến tranh lớn nhất của dân tộc trong thế kỷ 20 và ngày nay, cây cầu vẫn sừng sững giữa thời bình, thời đổi mới.

Cầu Long Biên

Bên kia cầu, chùa Bồ Đề như chiếc nấm linh chi cổ đại
Cầu Long Biên gù lưng người phu già
Sớm chiều cõng chuông qua sông
Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội 

Chiếc cầu đi suốt đời ta
Ròng ròng huyết mạch
Đầy vết dao binh lửa
Dạy ta vượt lên sóng gió
Làm người
Ba mươi năm
Ta lại đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ
Trong sớm thu dịu ngọt
Nghe sông Hồng vặn mình trong cát
Gió rít mỗi trụ cầu
Thấy màu mắt những anh hùng trong thép
Thấy những sóng người dào dạt
Trùng trùng lớp lớp đi xa. 

Ta muốn nói lời chia tay
Với nghìn năm đang qua
Với Thăng Long từng ngày trẻ lại
Với chiếc cầu từng giờ hấp hối
Đang dang tay đón người đi bộ cuối cùng qua sông. 

Rồi một ngày đẹp trời
Hà Nội tiễn người vào lịch sử
Tiếng chuông vang vang khắp bến Bồ Đề. 

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Với hơn 110 năm tồn tại từ thời Pháp thuộc, qua hai cuộc chiến tranh lớn nhất của dân tộc trong thế kỷ 20 và ngày nay, cây cầu vẫn sừng sững giữa thời bình, thời đổi mới. Cầu Long Biên cũng là nơi chứng kiến những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi TP Hà Nội (ngày 9.10.1954) trước ngày Thủ đô được giải phóng. Ở tầm vóc quốc tế, đây còn là một công trình kiến trúc kỳ vĩ, tiêu biểu cho thời kỳ phát triển kỹ nghệ rực rỡ đầu thế kỷ 20. Chiếc cầu đã bắc qua ba thế kỷ.

Bài thơ "Cầu Long Biên" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm in trong tập thơ "Cõi lặng" với thi pháp biểu hiện mang phong cách riêng, giọng điệu trữ tình giàu chất chính luận. Việc xây dựng chất liệu thơ giàu chất liệu hiện thực, chất liệu văn hóa và giàu tính liên tưởng, sử dụng những tín hiệu thẩm mỹ vừa truyền thống vừa hiện đại với những cung bậc khác nhau của cảm xúc.

Mở đầu là hình ảnh: "Bên kia cầu, chùa Bồ Đề như chiếc nấm linh chi cổ đại" và kết thúc bài thơ là: "Tiếng chuông vang vang khắp bến Bồ Đề" nhuốm màu không gian tâm linh Phật giáo ở một "cõi lặng" của lòng người qua những biến thiên thời gian với "ngàn năm đã qua".

Thơ Nguyễn Khoa Điềm thường có những trầm tư nghĩ ngợi ở một chiều sâu bề dày văn hóa gắn với những ám ảnh đời thường. Thơ ông là một gam trầm sâu lắng của những hòa thanh cộng hưởng: Cộng hưởng của tâm hồn con người với thiên nhiên với những biến thiên lịch sử.

Chất thiền định rất rõ ở trong âm hưởng bài thơ này, cảm nhận bề dày quá khứ với cái nhìn nhân hậu có pha chút ngậm ngùi nhớ, tiếc nhưng cũng đầy kiêu hãnh: "Chiếc cầu đi suốt đời ta/ Ròng ròng huyết mạch/ Đầy vết dao binh lửa/ Dạy ta vượt lên sóng gió/ Làm người". Thì ra, ngoài một chiếc cầu thép Long Biên, còn có một cây cầu khác trong ý chí, trong niềm tin, một cây cầu mà: "Gió rít mỗi trụ cầu/ Thấy màu mắt những anh hùng trong thép". Chất lý tưởng hào sảng trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thường ánh lên lấp lánh như thế. Chính cái chất thép nung qua nghìn độ lửa đã tôi luyện cái chất người - tư thế làm người!

Nhà thơ đã từng đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ, một sự nhẩn nha bình ổn nhưng cũng chứa đựng bao hàm ơn để lắng lại lòng mình trong "Sớm thu dịu ngọt". Đặt những linh kiện sắt thép nặng nề của chiếc cầu Long Biên trong không khí mờ ảo khói sương của sớm thu dịu ngọt để đến với "Cây nấm linh chi chùa Bồ Đề" qua "Sông Hồng vặn mình trong cát" là những cảm nhận rất tinh tế, rất đời.

Ông đang bắc cho mình một cây cầu của hoài niệm để bước vào "cõi lặng" khi từ giã chốn quan trường trở về với cuộc sống thường ngày của một thi sĩ. Có lẽ khổ thơ xúc động nhất, ấn tượng và gợi nhiều ngẫm ngợi sâu lắng nhất ở gần cuối bài thơ: "Ta muốn nói lời chia tay/ Với nghìn năm đang qua/ Với Thăng Long từng ngày trẻ lại/ Với chiếc cầu từng giờ hấp hối/ Đang dang tay đón người đi bộ cuối cùng qua sông". Chiếc cầu bây giờ giống như một sinh linh con người đã sống và dâng hiến hết mình...

Tôi cứ hình dung cấu trúc bài thơ như cây cầu Long Biên có nhịp dài nhịp ngắn, có nhịp hẹp nhịp rộng nhưng những trụ cầu rất vững chãi bám chắc vào bề dày lịch sử để "Sớm chiều cõng tiếng chuông qua sông". Một mố cầu với nhịp sống hiện đại và mố cầu kia là đời sống tâm linh. Và hình như trong mỗi đời sống con người cũng đang bắc cho mình một chiếc cầu tâm tưởng như thế… 

 HÀ HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây cầu đi suốt đời ta