Cánh buồm đời cha ẩn hiện giữa vô cùng

07/07/2019 07:27

Người mẹ lần theo dấu cánh buồm trước biển khơi để dõi bóng hình cha là một phát hiện thật hay và cảm động.

Tác giả Trần Thế Phương làm khá nhiều thơ. Thơ anh là điệu hồn của quê hương ngân nga biển hát; là ký ức đẹp đẽ, nhẹ nhàng và thấm thía xúc động khi chạm đến những đề tài gần gũi với cuộc sống con người. Mỗi lần nghe Trần Thế Phương đọc thơ, tôi cứ nghĩ anh đang hát lên từ trái tim mình, thiết tha một tình yêu sâu lắng. Và ai đã từng nghe bài thơ Cánh buồm từ chính giọng đọc tác giả, có lẽ khó lòng để quên về làng chài xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) bé nhỏ, nơi “Một doi cát gối lên đầu ngọn sóng” đã truyền lưu qua bao thế hệ tiếp nối giữ gìn.

Đọc bài thơ, chúng ta bắt gặp hình tượng “cánh buồm” bao trùm, xuyên suốt toàn bộ thi phẩm. Nhờ đó, cánh buồm vừa là hình tượng thơ đầy ám ảnh, vừa là cấu tứ để tạo nên chỉnh thể nghệ thuật. Trong sáu khổ thơ của tác phẩm, nhưng “cánh buồm” xuất hiện đến chín lần. Trong hai khổ thơ đầu, cánh buồm như một biểu tượng thiêng liêng khi nhà thơ giới thiệu về quê hương “làng chài bé nhỏ”. Đó cũng chính là ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ về một cánh buồm mang bóng dáng cội nguồn, cánh buồm ước mơ trong sáng: "Một doi cát gối lên đầu ngọn sóng/ Đã sinh ra một làng biển thân yêu/ Tuổi thơ ta chạy trên bãi cát sớm chiều/ Cánh buồm! Cánh buồm! Chập chờn, rong ruổi…".

Quả là quê hương thật đẹp và thanh bình. Một doi cát chở che cho làng quê bé nhỏ. Tuổi thơ hồn nhiên nô đùa trên cát trắng vô tư. Nơi ấy, cánh buồm của đời cha vẫn đi về rong ruổi. Đó là vùng ký ức mát lành, thánh thiện, nhưng đó cũng là dự báo về một sự tàn phai sắp sửa diễn ra: “Và có thể một ngày nào đó/ Em hình dung chẳng rõ cánh buồm”. Cánh buồm sẽ mất đi vĩnh viễn giữa biển khơi, thay vào đó là những chiếc thuyền máy, thuyền công suất lớn hiện đại hơn nhiều. Vắng bóng cánh buồm giữa mặt biển bao la là một thực tế, nhưng Trần Thế Phương không đành lòng. Anh bồi hồi lắng hồn mình vào quá khứ yêu thương, nương níu vào bóng hình mẹ cha mà mơ về cánh buồm xưa cũ. Tấm lòng hoài cổ, tri ân quá khứ, biết hướng lòng về những ngày tháng nghèo khó, gian lao là một cảm xúc thật đẹp, thật đáng trân trọng. Sâu lắng hơn, cánh buồm trên biển khơi còn là hình ảnh cuộc đời cha tần tảo sớm hôm, cuộc đời mẹ thủy chung, son sắt. Cánh buồm trở thành hình tượng kết nối, là ngọn nguồn cảm xúc để loang phủ biết bao tình cảm yêu thương ấm áp của gia đình: "Thương mẹ ngày xưa từng ngồi suốt buổi/ Ngóng biển khơi tìm dấu cánh buồm/ Thương cha còng lưng trên sóng biển mênh mông/ Cánh buồm chở che ngày mưa tháng nắng".

Người mẹ lần theo dấu cánh buồm trước biển khơi để dõi bóng hình cha là một phát hiện thật hay và cảm động. Đó là tấm lòng vời vợi nhớ thương, là chuỗi ngày mỏi mong sự bình an cho cha và bao người khác. Giọng thơ ở đây giàu chất trữ tình, dù kết cấu lần theo mạch kể chuyện. Và thấm thía, xúc động biết bao khi chính những ngày tháng “mẹ về với cha bằng muối mặn gừng cay” ấy đã cho con một chân trời tương lai rộng mở. Nếu chân trời của đời cha là bão giông, sóng gió, là cánh buồm ruổi rong tháng nắng ngày mưa; chân trời của mẹ là nỗi mỏi mòn mong đợi, nhớ thương hình bóng cha về qua dấu cánh buồm nơi biển khơi vô tận; thì bù đắp lại, con đã nhận về mình một cuộc đời tươi đẹp, hạnh phúc bội phần: “Để bây giờ ta có được trong tay/ Viên phấn, bảng đen với đàn em bé bỏng”.

Hai khổ thơ cuối bài là nỗi niềm cảm khái của tác giả trước thời gian vô tận, hình bóng quê hương và ơn nghĩa sinh thành. Giọng thơ bồi hồi, tưởng tiếc và pha chút hân hoan trước những đổi thay của cuộc sống hiện tại. Cha mất rồi, cánh buồm cũng lùi vào dĩ vãng, chỉ bóng mẹ với màu tóc trắng hoa cau rưng rưng hoài niệm. Mới hay, cuộc đời vốn dĩ vô thường, chỉ có tấm lòng của con người hướng về cội nguồn, hướng về những gì tốt đẹp là mãi trường tồn, bất biến. Cánh buồm của biển xanh bao la và chiếc thuyền nan đã lùi vào quá vãng, nhưng “Cánh buồm đời cha” vẫn ấp ủ giữa trái tim đời con, vẫn ẩn hiện giữa vô cùng của ký ức yêu thương: "Và hôm nay, trong mơ màng giấc ngủ/ Cánh buồm đời cha còn ấp ủ tim mình/ Nắng đang lên trên mái trường ngói đỏ tươi xinh/ Cánh buồm - Quê hương - Đàn em chắp cánh!".

Tính đến thời điểm hiện tại, Cánh buồm có thể xem là bài thơ “đinh” của tác giả Trần Thế Phương. Có nhà thơ in rất nhiều tập thơ, nhưng khi chọn một bài để bạn đọc yêu thích lại thật khó. Nhưng cũng có tác giả, chưa xuất bản hoặc chỉ một vài tập thơ, song lại neo giữa hồn người bằng một số thi phẩm ấn tượng, khó quên. Âu đó cũng là duyên may mấy ai thấu lẽ, với thơ, điều ấy càng khó hỏi được trời. Riêng tôi, có được một Cánh buồm, tác giả Trần Thế Phương đã có thể “hát” giữa cuộc “chơi thơ” mà không “thẹn”, đứng trước quê hương mà không thấy mình quá mắc nợ với tiền nhân và tấm lòng hiếu thảo với song thân cũng bàng bạc, mênh mang như bóng cánh buồm.

LÊ THÀNH VĂN

Cánh buồm

Có thể hôm nay vắng bóng cánh buồm
Trên mặt biển của làng chài bé nhỏ
Và có thể một ngày nào đó
Em hình dung chẳng rõ cánh buồm.

Một doi cát gối lên đầu ngọn sóng(*)
Đã sinh ra một làng biển thân yêu
Tuổi thơ ta chạy trên bãi cát sớm chiều
Cánh buồm! Cánh buồm! Chập chờn, rong ruổi...

Thương mẹ ngày xưa từng ngồi suốt buổi
Ngóng biển khơi tìm dấu cánh buồm
Thương cha còng lưng trên sóng biển mênh mông
Cánh buồm chở che ngày mưa, tháng nắng.

Ta lớn lên suốt chiều dài đời thầm lặng
Thuở mẹ về với cha bằng muối mặn gừng cay
Để bây giờ ta có được trong tay
Viên phấn, bảng đen với đàn em thơ bé bỏng.

Ơi thời gian, thời gian trôi nhanh chóng
Cha mất rồi, tóc mẹ trắng hoa cau
Biển vẫn xanh, xanh ngát một màu
Cánh buồm, thuyền nan lùi vào quá khứ.

Và hôm nay trong mơ màng giấc ngủ
Cánh buồm đời cha còn ấp ủ tim mình
Nắng đang lên trên mái trường ngói đỏ tươi xinh
Cánh buồm - Quê hương - Đàn em chắp cánh...!


*Thơ Trần Âu Hạnh

TRẦN THẾ PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cánh buồm đời cha ẩn hiện giữa vô cùng