Chuyện tình như cổ tích của cặp đôi khuyết tật

04/04/2016 09:17

Họ đến với nhau bởi tình yêu thương, sự đồng cảm và đã cùng nhau viết nên câu chuyện về niềm tin yêu cuộc sống.



Niềm tin và hy vọng đã giúp anh Dũng và chị Phương vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống


Hai con người gặp những trắc trở trong cuộc sống nhưng đều giàu nghị lực, niềm lạc quan. Họ đến với nhau bởi tình yêu thương, sự đồng cảm và đã cùng nhau viết nên câu chuyện về niềm tin yêu cuộc sống.

Đó là câu chuyện của anh Đặng Đình Dũng và chị Nguyễn Thị Phương ở khu dân cư số 3, phường Bến Tắm (Chí Linh).

Mối nhân duyên kỳ lạ

Anh Dũng đón tôi bằng nụ cười niềm nở và thân thiện, tràn đầy sự lạc quan. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã khiến tôi hiểu ra rằng có lẽ những điều đó đã giúp anh vượt qua khó khăn, làm nên những điều mà người khác tưởng chừng anh không làm nổi. Từ khi sinh ra, anh Dũng đã bị mắc chứng teo cơ, đôi chân tê liệt, không thể di chuyển bình thường mà phải ngồi xe lăn. Khi nhận ra mình thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa cũng là khoảng thời gian anh Dũng tự thu mình trong vỏ bọc tự ti, mặc cảm. Đôi khi những câu nói trêu đùa vô tình của bạn bè lại khiến anh càng thêm chán nản. Thế rồi anh tự động viên mình phải vượt qua những khó khăn trước mắt. Anh miệt mài học vì nghĩ chỉ có học mới có thể đổi đời được. Tốt nghiệp THPT, anh thi vào Khoa Kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Hải Dương (nay là Trường Đại học Hải Dương). Sau khi ra trường, anh Dũng không nhớ mình đã mang bao nhiêu bộ hồ sơ đi khắp nơi để xin việc. Biết bao cái lắc đầu, biết bao những ánh mắt ái ngại đã có lúc khiến anh thấy lựa chọn của mình có khi đành dang dở. “Giữa lúc ấy, tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về một cô gái khuyết tật đầy nghị lực đang là vận động viên môn bóng bàn, gặt hái được nhiều thành tích trong các giải đấu. Cô gái ấy trở thành tấm gương giúp tôi nhìn nhận lại bản thân. Sau đó, tôi mạnh dạn viết một bức thư trải lòng mình gửi cho cô gái ấy. Tôi cũng không ngờ bức thư đó là điểm khởi đầu cho một mối nhân duyên”, anh Dũng nhớ lại.

Người con gái mà anh Dũng viết thư gửi là chị Nguyễn Thị Phương ở quận Hà Đông (Hà Nội). Từ khi sinh ra, mắt phải của chị Phương hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng, đôi chân cũng tập tễnh lê từng bước đi rất khó nhọc. Đó là di chứng của chất độc da cam mà bố chị đã mang về từ chiến trường. Cũng từng bị bạn bè cười chê, từng vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình khi quyết định rẽ sang làm vận động viên môn cầu lông, nên giữa nhiều bức thư nhận được, chị ấn tượng nhất với những tâm sự trải lòng của chàng trai người Hải Dương. Sau khi hồi âm, anh Dũng và chị Phương bắt đầu trò chuyện với nhau nhiều hơn. Đó là những tâm sự về hoàn cảnh gia đình, bản thân, những vướng mắc đang gặp phải trong cuộc sống hay đôi khi là kể cho nhau nghe những sở thích. Năm 2009, nghe anh Dũng kể sắp lên Hà Nội dự Hội chợ việc làm dành cho người khuyết tật, chị Phương ngỏ ý muốn tạo điều kiện giúp đỡ anh. Sau cuộc gặp ấy, trong mỗi người đều rộn lên những cảm xúc khó tả...

Xây ngôi nhà hạnh phúc

"Tôi mạnh dạn viết một bức thư trải lòng mình gửi cho cô gái ấy. Tôi cũng không ngờ bức thư đó là điểm khởi đầu cho một mối nhân duyên".


Trước khi gặp chị Phương, anh Dũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình cũng có thể yêu và lấy một cô gái nào đó vì vốn dĩ anh nghĩ sẽ chẳng có cô gái nào chấp nhận một người khuyết tật như anh. Sau cuộc gặp gỡ ấy, anh Dũng và chị Phương càng hiểu nhau nhiều hơn. Có lần hai người cùng nhau vẽ nên một bức tranh có cây cối, ngôi nhà và trẻ thơ. Khi hoàn thiện, anh Dũng đặt tên cho bức tranh là “Ngôi nhà hạnh phúc” rồi anh ngượng ngùng hỏi chị Phương có muốn cùng anh xây nên tổ ấm gia đình không. Chị Phương gật đầu bẽn lẽn. Dù bị gia đình kịch liệt phản đối nhưng chị vẫn quyết định đến với anh. Sau khi đăng ký kết hôn, anh chị thuê một phòng trọ nhỏ ở Hà Nội. Anh nhận đánh máy văn bản, thỉnh thoảng nhận dạy kèm một số học sinh để có thêm thu nhập. Còn chị vẫn tích cực rèn luyện bóng bàn để chuẩn bị cho các giải đấu. Chị cũng gợi ý cho chồng thử sức với môn cờ vua. Năm 2010, vợ chồng chị đều tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật và cả hai đều giành được huy chương vàng.

Trải qua những tháng ngày ấy, cuối cùng chị Phương đã đi đến một quyết định thay đổi cả cuộc đời là từ bỏ sự nghiệp thể thao đang trên đà gặt hái thành công để theo chồng về quê. Chị kể: “Lúc ấy, tôi đã nhận được không ít lời đàm tiếu của người đời. Có người cho rằng tôi dại khi nhiều người đang phấn đấu gây dựng cơ nghiệp ở chốn thị thành thì mình lại khăn gói về quê. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng sẽ chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn của mình là đúng đắn”.

Từ bỏ sự nghiệp khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, chị Phương tần tảo gắn bó với ruộng vườn. Chị trồng rau, nuôi gà, cũng có lúc tham gia bán hàng online. Năm 2011, khi đứa con đầu lòng - bé Đặng Gia Huy chào đời, vợ chồng chị Phương đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng sau đó những nỗi âu lo lại nhiều thêm khi cháu Huy bị mắc chứng rối loạn tiêu hóa. “Vợ chồng tôi đã phải đưa con ngược xuôi khắp các bệnh viện trong 1 năm trời. Đã có lúc, sức khỏe của Huy kiệt quệ, các bác sĩ đã tiên lượng xấu, chúng tôi đều đau thắt ruột gan nhưng không dám từ bỏ hy vọng. Cuối cùng, mọi cố gắng đã được đền đáp khi sức khỏe của cháu dần dần được cải thiện. Giờ đây, cháu đã khỏe mạnh và đang theo học lớp mẫu giáo”, chị Phương xúc động nói.

Sau khi về quê, có nhiều đêm anh Dũng trằn trọc suy nghĩ bởi lẽ giờ đây trên đôi vai của anh còn là trách nhiệm của một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh xoay xở tìm đủ cách để có những công việc phù hợp. Một lần tình cờ anh thấy có người rao bán gà cảnh trên mạng internet nên nảy ra ý tưởng sẽ nuôi một số động vật cảnh để kinh doanh như gà, chim… Vay mượn từ anh em, bè bạn, cuối cùng anh Dũng cũng gom được một số tiền để bắt tay khởi nghiệp. Dù phải ngồi xe lăn nhưng anh không ngại đi đến Hưng Yên, Hà Nội để học hỏi những người nuôi nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh tích cực tìm hiểu thông tin qua sách báo, internet. Những thất bại đầu tiên cũng không thể làm nguôi ý chí của anh, ngược lại nó tiếp thêm cho anh nghị lực. Cuối cùng thành công cũng mỉm cười khi anh xuất bán những lứa gà, chim cảnh đầu tiên. Cố gắng tích góp, hai anh chị đã xây được một ngôi nhà khang trang.

Với vợ chồng chị Phương, hạnh phúc rất giản dị, đó là nghe tiếng con cười nói, rồi tíu tít kể chuyện về những bài học được cô giảng, về các bạn trong lớp. Khi được hỏi điều gì đã giúp anh chị vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, cả hai vợ chồng chị Phương đều hướng ánh mắt về phía bé Huy đang chơi ngoài sân rồi đồng thanh “Đó là niềm tin và hy vọng”.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện tình như cổ tích của cặp đôi khuyết tật