Cảm động trước tấm chân tình của người đàn ông đạp xe khắp nơi tìm mình, bà Hiền gật đầu đồng ý. Hơn 10 năm họ cận kề chăm sóc bữa ăn giấc ngủ của nhau.
Ở tuổi 90, sức khỏe không còn tốt, đi lại khó khăn nhưng ông Văn vẫn minh mẫn đọc báo. Thỉnh thoảng những tin tức hay, ông đọc lớn và giải thích cho bà nghe. Nhiều năm gắn kết bằng thứ tình cảm bình yên, nhẹ nhàng tuổi xế chiều, ông bà hiếm khi để hàng xóm phải nghe tiếng cãi vã. Trong căn nhà cấp 4 giữa con hẻm nhỏ ở quận 8 (TP HCM), hai người vẫn dành cho nhau những tiếng xưng hô "anh", "em" ngọt ngào.
Những nếp xô nhăn hằn trên khuôn mặt, ông chậm rãi kể về chuyện tình "rổ rá cặp lại" và mối lương duyên với người đàn bà kém 30 tuổi. Mỗi người một cảm xúc, họ say sưa nhắc nhớ kỷ niệm. Cách đây hơn 10 năm, bà Hiền trốn người chồng vũ phu cùng những trận đòn thừa sống thiếu chết ở quê nhà Kiên Giang lên Sài Gòn kiếm sống. Bà vào giúp việc cho một cặp vợ chồng lớn tuổi, chăm sóc bà chủ nhà đang ốm nặng. Đến lúc bà chủ nhà khỏe hơn, không cần người đỡ đần nữa, bà ra ngoài ở trọ xin đi làm công nhân. Bẵng đi một thời gian, bà bất ngờ khi thấy ông chủ cọc cạch đạp xe đi tìm mình.
Mối duyên muộn tuổi xế chiều giúp ông bà gắn kết cùng nhau bằng thứ tình cảm bình yên. Muốn hợp pháp hóa hôn nhân nhưng ông bà ngại cảnh con cái phản đối nên không muốn công khai tên tuổi hay hình ảnh. Ảnh: Lê Phương. |
"Tôi cảm mến tính tình hiền lành, chu đáo của bà ấy. Sau một thời gian vợ mất, con cái ở xa nên phải thui thủi một mình, tôi nghĩ đến hoàn cảnh đơn chiếc bất hạnh của bà và quyết định đi tìm về bầu bạn tuổi già", ông Văn kể lại.
Bà đã nhiều phen chuyển trọ nên ông phải lần tìm vất vả, nhọc công hỏi thăm rất nhiều mới tìm được. Ông ngỏ lời và để bà "tự nguyện quyết định". "Lúc trước chứng kiến cảnh ông chăm sóc chu đáo vợ bệnh tật, tôi cảm động vô cùng. Phận tôi có chồng rượu chè nên càng quý hơn cách ứng xử hiền lành, đức độ của ông ấy", bà nhớ lại giây phút phân vân, đắn đo ngày xưa.
Bà cười tươi mỗi lần nhớ chuyện khoảng cách tuổi tác. Ban đầu nom ông trẻ trung nên bà không nghĩ ông lớn hơn mình đến 30 tuổi. Về ở với nhau một thời gian, biết được sự thật bà mới “té ngửa” và càng dồn sức chăm sóc ông chu đáo hơn để “được cùng nhau sống thật lâu những tháng ngày bình yên cuối cùng”. Bà nấu ăn ngon, lo thuốc thang mỗi khi ông trái gió trở trời, bên nhau tỉ tê những vui buồn cuộc sống. Mỗi lần về quê giỗ chạp, bà lại vội vã trở về thành phố vì sợ ông cô quạnh một mình, không người đỡ đần ăn uống, tắm giặt.
Bao nhiêu năm chung sống, điều người thương binh 3/4 luôn đau đáu trăn trở là phải đăng ký kết hôn, làm theo đúng pháp luật cũng như cho người đàn bà đã chịu nhiều vất vả, thiệt thòi một danh phận. Dù bà "không quan trọng gì mấy chuyện đó", ông vẫn kiên quyết thực hiện. Do trục trặc giấy tờ nên sự việc cứ lần lữa mãi. Hơn nữa con cháu của ông cũng phản đối dù họ đã có kinh tế ổn định, đều làm ăn xa.
"Bên nhau bao nhiêu năm nương tựa không toan tính thiệt hơn chứ đâu phải ngày một ngày hai, tôi chỉ muốn bà ấy có cuộc sống đỡ vất vả hơn sau khi tôi không còn bên cạnh", ông nói.
Nhiều lần bà định khăn gói về quê để yên chuyện, đến khi nhìn ông đơn chiếc ngồi tựa cửa giữa căn nhà hiu quạnh bà lại cầm lòng không đành. Con bà ban đầu cũng không chấp nhận chuyện mẹ đi bước nữa, nhưng nhìn cách cư xử của ông đã dần cảm mến và hiểu thấu niềm mong mỏi hạnh phúc của mẹ.
Biết được câu chuyện của ông bà, cán bộ UBND phường đã tạo điều kiện giúp đỡ chuyện thủ tục giấy tờ. Những ước nguỵện ở tuổi xế chiều của ông trước lúc nhắm mắt xuôi tay đang dần trở thành hiện thực.
LÊ PHƯƠNG (VnExprees)