Chuyện “mượn tạm, cầm nhầm” thơ

09/11/2015 11:02

Dân gian có câu “văn mình, vợ người”, song ngày nay một số người lại thích “mượn tạm” thơ người khác, gây ra những chuyện dở khóc, dở cười.




Các tác giả hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tham dự Ngày thơ Việt Nam
tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh mang tính minh họa)


Nhiều kiểu “đạo thơ”

“Nhưng dù trong trường hợp nào, việc sử dụng sản phẩm sáng tạo của người khác, nhất là sản phẩm mang nặng tính tinh thần như thơ dưới tên của mình đều là sự kém tôn trọng tác giả chính danh và độc giả”.

Cuối năm 2014, sau khi xem kết quả giải thưởng của một cuộc thi thơ được tổ chức trong tỉnh, nhà thơ Phú Ninh (Ban Thơ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) vô cùng sửng sốt khi thấy một chùm 3 bài thơ của mình đoạt giải nhưng dưới tên... người khác. Và oái ăm thay, người lĩnh giải thưởng đó lại chính là một người bạn của ông. Vốn tin tưởng bạn mình không phải người khuất tất, ông về tận nhà bạn để hỏi han xem tại sao lại “mượn tạm” thơ mình như thế. Thì ra, do được giao phải có thơ tham dự cuộc thi trong khi bản thân không biết làm thơ, bạn ông đã nhặt 3 bài trong tập thơ do ông tặng để tham dự cho đủ chỉ tiêu. Nhận thấy việc “đạo thơ” một cách bất đắc dĩ, bản thân người đi “mượn” cũng không mong muốn thế nên nhà thơ Phú Ninh đã không khiếu nại với ban tổ chức, chỉ dặn người bạn đừng đem đi in ở bất cứ đâu.

Chuyện “mượn thơ” để đi thi như vậy không hề hiếm mà còn rất phổ biến trong các cuộc thi thơ. Chị Trương Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết gần đây chị được mời làm giám khảo chấm vòng chung khảo một cuộc thi thơ của một trường đại học. Trong số những bài được chọn vào vòng chung khảo, có những bài đọc lên thấy rất hay nhưng chị cảm thấy hơi ngờ ngợ. Vận dụng trí nhớ và công cụ tìm kiếm trên mạng, chị Huyền đã phát hiện ra có đến 10 bài là những bài thơ “đi mượn” của những tác giả khác. Kết quả là những tác phẩm “nhầm tên tác giả” ấy đã bị loại ra nhưng ban tổ chức và giám khảo của cuộc thi đều cảm thấy buồn vì sự thiếu trung thực của những người tham dự.

Là tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật, có Ban biên tập đọc và nhớ được khá nhiều thơ của các tác giả xưa và nay song trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương vẫn có những lúc xuất hiện thơ “không chính danh”. Như trong một số báo cách đây 3 năm có in bài thơ “Ngày xưa” của tác giả Nguyễn Thế Hoạt, Câu lạc bộ (CLB) thơ Thời gian Xanh huyện Tứ Kỳ (rút từ tập “Tình bạn duyên thơ” tập 10 của CLB), một bài thơ rất xúc động và giản dị. Sau khi tạp chí phát hành, ngay lập tức ban biên tập nhận được phản hồi là bài thơ không phải của tác giả Nguyễn Thế Hoạt mà của tác giả Nguyễn Quốc Thuỵ. Sau khi cầm trong tay tập thơ “Dấu thời gian” của tác giả Nguyễn Quốc Thụy (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, phát hành năm 2008), trong có bài thơ “Ngày xưa” in ở trang 18, 19, Ban biên tập sau đó đã phải đăng thông tin đính chính trên tạp chí.

Bên cạnh những trường hợp mượn nguyên cả bài thơ, chỉ thay tên tác giả, còn có những trường hợp “đạo” ý của bài thơ. Tháng 4-2013, nhà thơ Vũ Minh Thoa có bài thơ “Sống giữ đảo anh làm cột mốc” đăng trên báo Hải Dương. Sau đó bài thơ còn được đăng lại trên một số báo, tạp chí khác. Đến năm 2014, trên bản tin của Hội Cựu chiến binh tỉnh xuất hiện một bài thơ có ý tứ, hình ảnh tương tự bài thơ của nhà thơ Vũ Minh Thoa. Tuy không có câu nào giống hệt nhau nhưng nhiều bạn đọc phát hiện ra hai bài thơ quá giống nhau về ý tưởng và hình ảnh nên thông báo cho nhà thơ Vũ Minh Thoa. Sau đó, ông đã làm đơn đề nghị Hội Cựu chiến binh tỉnh xem xét trường hợp này nhưng hội không đưa ra được kết luận thuyết phục về mặt chuyên môn. Nhà thơ cũng đành ngậm ngùi để cho “đứa con tinh thần” của mình bị xào xáo.

Có những trường hợp “mượn thơ” một cách cố tình và lộ liễu, bê nguyên thơ người khác đề tên mình. Có những trường hợp “đạo” ý tưởng, hình ảnh một cách tinh vi. Và có cả những trường hợp đạo thơ một cách hồn nhiên, do đọc thơ người khác nhiều rồi để lẫn vào thơ mình mà không biết. Nhưng dù trong trường hợp nào, việc sử dụng sản phẩm sáng tạo của người khác, nhất là sản phẩm mang nặng tính tinh thần như thơ dưới tên của mình đều là sự kém tôn trọng tác giả chính danh và độc giả.

Khó phân giải

Khi phát hiện có người “mượn” thơ mình, các tác giả thường không muốn làm to chuyện mà tìm cách giải quyết êm thấm, ví như cách mà nhà thơ Phú Ninh đã làm. Nhưng điều khó xử cho người bị mượn là nếu không có phản hồi chính thức thì có thể sẽ bị nghi ngờ rằng chính mình mới là người đi mượn. Nhà thơ Vũ Minh Thoa tâm sự, ông làm đơn gửi Hội Cựu chiến binh đề nghị phân xử chỉ bởi nhiều người đọc thơ xong băn khoăn, hai bài thơ giống nhau như thế thì nhất định phải có một người lấy của người kia. Vậy người đó là ai? Không muốn bị nghi ngờ nên ông phải lên tiếng khẳng định bài thơ của mình ra đời trước, được xuất bản trước nên ông không thể là người lấy lại của người khác. 

Đó cũng là tâm sự chung của những tác giả có thơ bị vay mượn. Họ thường chỉ mong muốn được phân xử một cách rõ ràng, minh bạch, trả lại tên chính chủ cho những bài thơ. Nhưng việc xác định ai “đạo” thơ của ai tưởng như dễ dàng nhưng hiện nay vẫn là vấn đề nan giải. Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ ra đời từ cách đây 10 năm nhưng vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào có chức năng xác định một bài thơ có vi phạm bản quyền hay không. Trên văn đàn cả nước thời gian gần đây nổi lên những vụ nghi “đạo” thơ đình đám nhưng rút cục, tất cả vẫn chỉ là “nghi án” vì không có cơ quan trung gian nào đứng ra xác định và có kết luận cuối cùng. Những trường hợp nhà thơ ở địa phương bị “mượn” thơ thì cũng chỉ tự an ủi rằng bản thân mình biết mình mới là người sáng tác ra những vần thơ ấy. TS Nguyễn Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết, tình trạng “mượn” lẫn thơ nhau khiến việc biên tập tạp chí Văn nghệ Hải Dương và tổ chức các cuộc thi thơ rất khó khăn. Vì chưa có cơ quan xác định vi phạm bản quyền thơ, chưa có chế tài xử lý nên lãnh đạo hội chỉ thường xuyên nhắc nhở hội viên về ý thức của người cầm bút, tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ và hết sức “cảnh giác” trong việc chấm các cuộc thi thơ.

Trong khi chờ đợi một cơ quan chức năng xác định vi phạm bản quyền thơ, những chế tài xử lý các trường hợp vi phạm thì bản thân mỗi người cầm bút cần phải có ý thức, lòng tự trọng để không “mượn” thơ người khác làm thơ của mình. Tất cả những thứ đi vay mượn mà không xuất phát từ những rung cảm thật sự của người cầm bút thì qua thời gian đều sẽ bị đào thải không thương tiếc.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện “mượn tạm, cầm nhầm” thơ