Kiên định mục tiêu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết,” công tác phòng chống dịch đã có những quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19.
Một em bé theo mẹ vào khu vực thay đồ bảo hộ khi đoàn công dân về đến sân Trung đoàn 814. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Biến thể Delta đã làm dịch bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng khác trước đó, có khả năng tăng mức độ nặng của người bệnh và nguy cơ tử vong. Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kiên định mục tiêu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết,” dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng chống dịch đã có những quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19.
Phương châm phòng chống dịch chuyển từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19,” vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Những tín hiệu tích cực
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 836.134 ca mắc COVID-19, đứng thứ 42/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.493 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 831.523 ca, trong đó có 755.622 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. So với giai đoạn nửa cuối tháng 9 (có những ngày ghi nhận gần 12.000 ca mắc), số ca mắc mới và ca tử vong hiện có xu hướng giảm rõ rệt, số ca khỏi bệnh lại lập kỷ lục mới với 27.520 người (vào ngày 1.10).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25.9-8.10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Hiện tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tại 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường các biện pháp, đến nay, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nới lỏng giãn cách (theo Chỉ thị 18 của thành phố); có 10 tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách, thực hiện giãn cách theo phân vùng nguy cơ; 8 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn; 4 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn. So với tuần trước đó, số địa giới áp dụng Chỉ thị 16 giảm 10 quận huyện, 102 xã, phường; số địa giới áp dụng ở trạng thái bình thường mới tăng 7 quận, huyện,122 xã, phường.
Có thể nhận thấy, trong đợt dịch lần thứ 4, công tác phòng chống dịch chuyển từ “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị” và 5K - áp dụng hiệu quả trong 3 đợt dịch trước đó, sang “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân cùng với 3 trụ cột: cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong).”
Đến nay, năng lực xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng... của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tiêu biểu đó là sự xuất hiện của hàng nghìn trạm y tế lưu động để quản lý các ca dương tính với SARS-CoV-2 và ca F0 sau xuất viện.
Các trạm y tế lưu động không chỉ quản lý, hỗ trợ kịp thời F0 điều trị tại nhà mà còn góp phần sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tử vong, đồng thời có trách nhiệm khám, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác.
Cùng với đó, từ ngày 23.8 đến 20.9, qua xét nghiệm 6 đợt trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ dương tính giảm từ 3,6% (đợt 1) xuống 1,1% (đợt 6). Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 9.10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tỷ lệ nhiễm tại thành phố đã giảm rất sâu. Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính khoảng 0,2% (giảm 20 lần so với tỷ lệ 3,7-4% lúc đỉnh dịch).
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân đến nhận quà hỗ trợ tại 'Chợ nhân đạo.' Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đến nay, thành phố đã có gần 70% người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19. Do đó, từ chiều 1.10, UBND TP Hồ Chí Minh chính thức ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.
Những tín hiệu tích cực trên là kết quả minh chứng cho sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ chưa từng có trong cuộc chiến chống COVID-19 lần thứ 4 của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã đưa ra những quyết định quan trọng, sự chuyển hướng kịp thời nhằm ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Phát huy vai trò, trách nhiệm cấp cơ sở
Để khẩn trương ứng phó với đại dịch, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều ngày qua đã dồn toàn lực trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch; sự huy động lực lượng hỗ trợ cho các địa phương ngay sau khi dịch bệnh tấn công vào những nơi trọng yếu như bệnh viện hoặc các khu công nghiệp - nơi tập trung đông người.
Dịch xuất hiện vào khoảng tháng 5.2021 tại Bắc Ninh và Bắc Giang không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn phải đối mặt với sự tê liệt trong hoạt động các khu công nghiệp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tại các cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ưu tiên cao nhất, cả nước dồn tổng lực hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang để đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể, bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.
Thủ tướng đã kêu gọi cộng đồng, các tỉnh, thành phố xung quanh tiếp tục hỗ trợ cùng 2 địa phương này đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh. Ngay sau đó, Bắc Ninh và Bắc Giang đã được tăng cường thêm các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để đủ năng lực thực hiện “4 tại chỗ,” bảo đảm phòng ngừa, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình.
Trong khi tâm điểm dịch lần thứ 4 còn ở Bắc Ninh và Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Số ca mắc tăng rất nhanh, từ những bệnh nhân đầu tiên là thành viên của nhóm truyền giáo lây sang các tỉnh Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Đắk Lắk, Đồng Tháp.
Đến đầu tháng 6, thành phố đã ghi nhận hơn 200 ca mắc và xuất hiện ca tử vong đầu tiên; quyết định thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên từ ngày 31.5 theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện theo Chỉ thị 16.
TP Hồ Chí Minh bước vào đỉnh dịch khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 - được nhận định “dịch đã ngấm rất sâu và rất lâu từ trước đó”: số ca mắc và số ca tử vong liên tiếp tăng trong khi số ca khỏi bệnh thấp, tỷ lệ chuyển nặng cao, lượng vaccine được tiêm rất hạn chế... tạo ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch.
Cùng với diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch lan rộng ra các tỉnh, thành phố khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17.7.2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đây là quyết định “rất khó khăn” bởi để thực hiện giãn cách xã hội phải chuẩn bị kịch bản liên quan đến vấn đề về an sinh xã hội, phương thức di chuyển và sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh an toàn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Tuy nhiên, đây cũng là quyết định quan trọng, cần thiết, kịp thời để kiểm soát tình khu vực phía Nam, ngăn chặn nhiều ca mắc COVID-19 và tử vong.
Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 23.8, TP Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó.” Đã có gần 300.000 nhân lực, y bác sỹ, công an, quân đội... được huy động hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội... trong việc thực hiện xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng... nhằm mục tiêu dần kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Nhờ đó, đến nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đã giảm sâu, các địa phương trong khu vực giãn cách xã hội có diễn biến tích cực. Các tỉnh, thành phố có ca mắc đã xử lý kịp thời, khoanh vùng, dập dịch.
Sự chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch được đưa ra trên cơ sở phân tích sâu sát tình hình thực tiễn và sự thống nhất của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc với phương châm: từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố, chuyển sang phòng chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận cấp phường, xã với phương châm “lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài,” người dân là trung tâm, chủ thể để phòng chống dịch.”
Thủ tướng nhấn mạnh điều này rất phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, vì người dân sống ở xã, phường, thị trấn, cán bộ xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân. Các cuộc họp quan trọng của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-9 đã được kết nối trực tuyến với không chỉ lãnh đạo các tỉnh, thành phố, mà cả lãnh đạo các cấp chính quyền cơ sở.
Đơn cử, đầu tháng 9, cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã được kết nối trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, 705 huyện, thị xã và 9.043 xã, phường, thị trấn. Những chỉ đạo sâu sát trong phòng chống dịch hay những kinh nghiệm tốt, cách làm hay và việc chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện đã được truyền đạt trực tiếp xuống tận cấp sơ sở.
Chuyển hướng xuống các cơ sở để phát huy phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ; hậu cần tại chỗ) của từng địa phương trong phòng chống dịch. Các địa phương phải linh hoạt, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, đặc biệt trong công tác chỉ huy tại chỗ nhằm huy động vai trò của Tổ y tế cộng đồng, Tổ COVID cộng đồng... để kịp thời thăm khám sức khỏe và cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân.
Đẩy mạnh chiến lược vaccine
Cùng với công tác chống dịch, việc thực hiện chiến lược vaccine kịp thời, hiệu quả là một trong những quyết định quan trọng để chuẩn bị nền tảng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vaccine phòng COVID-19 được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch.
Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện chiến lược vaccine tập trung vào ba mũi nhọn: Tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; sớm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Bước đi đầu tiên, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Triển khai tiêm vaccine mũi 2 cho người dân tại phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN
Cùng với đó, một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động. Chiến dịch nhằm mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm kịp thời, an toàn và hiệu quả. Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân.
Tính đến ngày 8.10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Đáng chú ý, có 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về tới Việt Nam.
Trước những tín hiệu lạc quan, song, người đứng đầu Chính phủ liên tục nhắc lại thông điệp “tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả;” đồng thời yêu cầu quán triệt 6 nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Bước sang giai đoạn mới sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục kiên định mục tiêu “bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân” ngay từ những ngày đầu chống dịch, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Công tác phòng chống dịch ở tất cả các cấp từ cơ sở đến Trung ương đang dần chuyển hướng thực hiện sát tình hình thực tế, phù hợp hơn với diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Hơn lúc nào hết, mỗi người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp cơ sở và Trung ương cùng nhau bảo vệ thành quả mà toàn dân, toàn quân đã rất vất vả, nỗ lực đạt được thời gian qua. Bởi, trong cuộc chiến cam go này, trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ là không của riêng ai.
Theo TTXVN