Dinh dưỡng đóng vai trò "chìa khóa" quan trọng để tăng cường miễn dịch tự nhiên và chủ động của cơ thể, giúp trẻ chiến đấu với nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Trong thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế ghi nhận trẻ đến khám và nhập viện gia tăng mạnh. Nhiều loại bệnh trẻ hay mắc trong đợt này như: cúm A, cúm B, sốt virus, tay chân miệng, sốt xuất huyết, mắc virus Adeno…
Tại hội thảo: “Sức khỏe trẻ em thời kỳ hậu COVID-19 và giải pháp tăng cường miễn dịch bằng dinh dưỡng” được tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội ngày 14-15.11, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi nhiều dịch bệnh đã diễn biến trở nên phức tạp, không tuân theo mùa, ghi nhận nhiều ca tăng nặng, thời gian mắc bệnh kéo dài. Điều này được lý giải có nguyên nhân cộng hưởng do "nợ miễn dịch" sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong đại dịch COVID-19 trước đó.
Nợ miễn dịch hậu COVID-19
Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế ghi nhận trẻ nhập viện do mắc nhiều loại bệnh đang gia tăng khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.100 ca mắc Adeno, trong đó có 9 ca trẻ tử vong, bao gồm bệnh nhi không có tiền sử bệnh nền.
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng Khoa Nhi tiêu hóa dinh dưỡng lây (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho hay năm nay dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bùng phát, nên số bệnh nhân nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện cũng gia tăng rất nhiều.
“Nếu như cả năm 2021 tại khoa chỉ có 140 bệnh nhân nhi mắc sốt xuất huyết, 68 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo nặng (chiếm 48%), thì riêng trong 3 tháng từ tháng 8,9,10 của năm 2022 đã có 244 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám tại khoa - tăng 74% so với cả năm 2021, trong đó có có 89 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo (chiếm tỷ lệ 36%). Hiện trong khoa hiện tại có 27 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết, 2 bệnh nhân sốt xuất huyết trong tình trạng nặng”, Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Dung phân tích.
Đáng lưu ý theo bác sỹ Dung, qua thăm khám cho thấy có 90% trong số trẻ đến khám sốt xuất huyết đã từng mắc COVID-19. Đặc biệt, qua thăm khám cho thấy trẻ nhiễm COVID-19 xong có khả năng làm sức đề kháng của trẻ kém hơn vì vậy đây là cơ hội để trẻ nhiễm thêm các bệnh khác. Đặc biệt năm nay không chỉ sốt xuất huyết ở trẻ em, các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn khá nhiều, khi các chỉ số nhiễm khuẩn rất cao. Đây chính là là sự khác biệt về bệnh lý của trẻ so với những năm trước.
Từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 1.500-2.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp đến thăm khám mỗi ngày. Còn về sốt xuất huyết tăng hơn 9.000 ca so cùng kỳ.
Quá tải bệnh nhân nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại một bệnh viện
Không chỉ bệnh viện Nhi Trung ương, mà các bệnh viện tỉnh, các bệnh viện ngoài công lập cũng tăng lên rất nhiều. Đáng lưu ý số ca trở nặng tăng cao trên toàn quốc, ghi nhận trên cả người lớn và trẻ nhỏ.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi (Đại học Y Hà Nội) cho biết nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang... cũng góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường.
“Mặc dù các biện pháp này đem lại những tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia các hoạt động ngoài trời và các hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên,” Phó giáo sư Diệu Thúy phân tích.
Theo các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Schleswig-Holstein (Đức), nợ miễn dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em trong thời kỳ hậu COVID-19. Chính vì vậy, các loại bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em như cúm A, cúm B, Adenovirus, cúm mùa, viêm họng liên cầu... bùng phát mạnh mẽ sau thời gian ngắn khi trẻ đi học trở lại.
Bảo vệ trẻ trước “cơn bão” nhiều dịch bệnh
Phó giáo sư Nguyễn Thị Diệu Thúy nhấn mạnh dù mắc COVID-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng thì đáp ứng miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Nhiễm COVID-19 còn gây giảm số lượng hoặc chức năng tế bào trình diện kháng nguyên. Thậm chí còn gây tăng các cytokine kháng viêm (như IL-10 và TGF-β), làm tăng các phản ứng viêm quá mức, đặc biệt tại đường hô hấp, cản trở hấp thụ oxy khiến oxy trong máu giảm thấp, đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi trình bày tại hội thảo
Phó giáo sư Diệu Thúy cho biết việc suy giảm miễn dịch do COVID-19 ở trẻ em còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau nhiễm COVID-19 trẻ còn có nguy cơ bị nặng hơn khoảng 5-15.5%. Như vậy, dù không gây ra triệu chứng, nhưng khi nhiễm COVID-19, virus này vẫn có nguy cơ âm thầm gây suy giảm miễn dịch của trẻ trên toàn hệ thống.
Trong giải pháp tổng thể, dinh dưỡng đóng vai trò “chìa khóa” quan trọng để tăng cường miễn dịch tự nhiên và chủ động của cơ thể, giúp trẻ chiến đấu với nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Có một thực trạng đó là hiện nay ở Việt Nam tình trạng trẻ em thiếu kẽm và sắt còn cao. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng năm 2019-2020 tỷ lệ trẻ em thiếu kẽm ở mức trầm trọng lên 60%, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt. Đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi với thiếu sắt và ngược lại.
Các chuyên gia về nhi khoa tham gia tại hội thảo
Theo bà Thúy, dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu quý giá để tổng hợp các thành phần miễn dịch. Các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là kẽm và sắt có vai trò quan trọng trong việc cải thiện miễn dịch cho trẻ. Sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì điều hiển nhiên xảy ra là hệ miễn dịch sẽ suy giảm… Cùng với sắt thì kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. Vì kẽm vừa là thành phần, vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch (miễn dịch tế bào, miễn dịch thích ứng), từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Theo nghiên cứu tổ chức dinh dưỡng Đông Nam Á, bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu kẽm và sắt. Vì vậy, theo các chuyên gia, để đảm bảo đủ lượng kẽm, sắt cho nhu cầu hàng ngày giúp nâng cao hệ miễn dịch thì các bậc phụ huynh nên bổ sung cho trẻ bằng sản phẩm dạng lỏng dễ uống, dễ hấp thu.
Theo báo Tin tức