Chuyển động doanh nghiệp FDI

11/01/2014 05:15

Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, bổ sung vốn...


Mặc dù gặp nhiều khó khăn song nhiều doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Công ty TNHH Điện tử Taisei Hà Nội (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân


Nhiều dự án đi vào hoạt động

Từ khi hoạt động, Công ty TNHH Công nghiệp Brother (100% vốn đầu tư Nhật Bản) luôn tăng trưởng ổn định. Trong năm 2013, doanh nghiệp (DN) đạt giá trị xuất khẩu hơn 580 triệu USD, tăng 35% so với năm trước. Trong năm nay, DN phấn đấu duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ít nhất là 20%. Tập đoàn Brother đang triển khai dự án nhà máy sản xuất máy may công nghiệp của  tại khu công nghiệp (KCN) Tân Trường (Cẩm Giàng). Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 38 triệu USD, bắt đầu xây dựng từ giữa năm 2013 và dự kiến vào hoạt động chính thức trong tháng 6-2014.

Cũng là DN có vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản, Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (KCN Nam Sách, TP Hải Dương) đi vào hoạt động từ năm 2008. Nhà máy 1 của công ty này có tổng vốn đầu tư 25,8 triệu USD, sản xuất 25-30 triệu công tắc các loại lắp trên ô-tô, xe máy, đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động. Ngoài khách hàng chính là Honda Việt Nam, công ty hướng tới các thị trường mới ở Mỹ, Nhật Bản, Anh... DN cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất nhằm bảo đảm tăng trưởng ổn định từ 13-15% mỗi năm. Kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 lao động vừa được đơn vị triển khai để bảo đảm nhà máy 2 sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2014 (nhà máy này vừa được khởi công xây dựng từ tháng 6 - 2013, với tổng vốn đầu tư trên 31 triệu USD).

Từ đầu năm nay, Công ty TNHH Nhôm Đông Á (Chí Linh) tập trung thực hiện số vốn đăng ký nhằm hoàn thiện dây chuyền sản xuất, vươn tới các thị trường EU, Bắc Mỹ... duy trì tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm từ 50% trở lên. Công ty Liên doanh Chế tạo bơm Ebara Việt Nam vừa hoàn thiện và đưa vào sử dụng xưởng đúc tại KCN Đại An (Cẩm Giàng). Bên cạnh đó, một số dự án lớn như: Nhiệt điện Hải Dương, May Tinh Lợi 2, Dệt Pacific... đang được tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư. Các dự án sản xuất cốp-pha xây dựng của Tập đoàn Deahan (Hàn Quốc) tại xã Nhân Quyền (Bình Giang), mở rộng sản xuất của Công ty Mital ở xã Cao An (Cẩm Giàng) đều đã triển khai đầu tư...

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến hết năm 2013, các dự án FDI đã được cấp phép từ những năm trước, nhất là các dự án trong KCN đã giải ngân gần hết vốn đăng ký và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Các dự án mới đăng ký và dự án tăng vốn mở rộng quy mô sản xuất cũng nhanh chóng triển khai.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2013, toàn tỉnh có 15 dự án điều chỉnh tăng 109,7 triệu USD vốn đầu tư, tăng 20,2% so với năm 2012. Tính chung cả cấp mới và điều chỉnh vốn, trong năm tỉnh ta thu hút được 172 triệu USD vốn đầu tư, tăng 20% so với năm 2012. Tổng vốn FDI thực hiện trên địa bàn tỉnh cả năm đạt 317,5 triệu USD, bằng 68,3% so với năm 2012, nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI đạt 2 tỷ 750 triệu USD, chiếm 47,1% tổng số vốn đăng ký. Trong tổng số 256 dự án FDI hiện còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh, có hơn 200 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và tiếp tục bổ sung vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm... Các chỉ tiêu về doanh thu, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước đều tăng so với năm 2012. Cụ thể, doanh thu của các DN FDI năm 2013 đạt  3,3 tỷ USD, tăng gần 15,7% (trong đó có 2,4 tỷ USD xuất khẩu, tăng hơn 13,4%); nộp ngân sách nhà nước đạt 120 triệu USD, tăng hơn 23 %; thu hút thêm 10 nghìn lao động, nâng tổng số lao động được sử dụng trực tiếp đạt khoảng 128 nghìn người.

Chọn lọc dự án

Theo ông Vương Đức Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, định hướng thu hút FDI của tỉnh ta là tăng cường chọn lọc, ưu tiên thu hút những dự án FDI có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, hạn chế các dự án công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ ưu tiên thu hút những dự án FDI có chất lượng, tỉnh ta cũng thể hiện quyết tâm “làm sạch” môi trường đầu tư khi kiên quyết rút giấy phép đối với những dự án không triển khai và hoạt động kém hiệu quả. Trong năm 2013, tỉnh ta đã thu hồi giấy phép 5 dự án FDI với tổng số vốn 10,62 triệu USD. Tình trạng dự án không và chậm triển khai vẫn tồn tại, lý do chủ yếu là nhà đầu tư khó khăn về tài chính. Ngoài ra còn một số dự án đã đi vào hoạt động do không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, thiếu vốn sản xuất...đã dừng hoạt động. Một số dự án FDI không triển khai và hoạt động kém hiệu quả hiện tiếp tục được rà soát và xem xét để thu hồi trước thời hạn để có quỹ đất cho dự án khác vào đầu tư.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển động doanh nghiệp FDI