Chuyện "đi sứ" của giới chơi cổ vật

14/11/2021 14:30

"Đi sứ" là cách gọi của dân chơi cổ vật để chỉ việc đi tìm kiếm, mua bán đồ cổ. Bởi việc sưu tầm đồ cổ đòi hỏi người chơi phải có niềm đam mê mãnh liệt và sẵn sàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để có được món đồ như ý.


Để có chiếc nậm rượu thời Khang Hi, anh Tuấn đã phải đeo đuổi gần 6 năm trời

Đam mê 

Giới chơi đồ cổ của các vương triều phong kiến, phổ biến là chơi đồ gốm sứ, sơn thếp. Người chơi đồ cổ ở Hải Dương thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là từ trung tuổi trở lên bởi ở tuổi này mới đủ độ chín muồi. Để hiểu được giá trị, ý nghĩa, thẩm định được đồ cổ thật, giả của thời kỳ này phải có sự am hiểu nhất định kiến thức tổng hợp về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, thẩm mỹ, nhất là lịch sử của gốm sứ qua mỗi giai đoạn, triều đại.

Nhiều năm nay, giới chơi đồ cổ trong và ngoài tỉnh hầu như đều biết đến anh Lê Ngọc Tuấn ở số 10 phố Đồng Xuân (TP Hải Dương). Đồ cổ đối với anh Tuấn là một niềm đam mê. Anh cho biết mình bén duyên với đồ cổ thật tình cờ. Năm 2004, một lần anh đến nhà người thân chơi, ngỡ ngàng trước những món đồ trông cũ nhưng rất có hồn và được chủ nhà bày biện cẩn thận. Anh lân la hỏi chuyện thì được chủ nhà kể cho nghe lai lịch, xuất xứ, ý nghĩa và những thăng trầm lịch sử của mỗi món đồ. Những câu chuyện đó đã lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí anh Tuấn. Cứ như vậy, niềm đam mê đồ cổ lớn lên theo năm tháng.

Để có hiểu biết về đồ cổ, anh Tuấn bỏ nhiều thời gian tìm đọc các loại sách, nghiền ngẫm và hỏi những người bạn am hiểu lĩnh vực này. Có vốn kha khá kiến thức về đồ cổ, mỗi khi sắp xếp được việc kinh doanh, anh Tuấn lại rong ruổi khắp chiều dài đất nước để ngắm những bộ sưu tập của các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật. Anh còn dành cả tuần để đến nhiều thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa tìm cổ vật. "Tôi đi không kể nắng mưa, cứ có người rủ "đi sứ" là lên đường. Có ngày tôi đi vài trăm cây số, có hôm xe máy bị xịt lốp, đợi đò vài giờ đồng hồ nhưng không nản vì chỉ mong nhìn ngắm món đồ cho mãn nhãn", anh Tuấn chia sẻ.

Thú chơi đồ cổ đến với anh Lê Hồng Quang ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) cũng thật tình cờ. Anh vốn là người yêu văn hóa truyền thống. Để nâng cao hiểu biết, năm 1993 anh theo học lớp Hán-Nôm của một thầy dạy ở xã Vĩnh Hồng (Bình Giang). Anh được thầy dạy các kiến thức về truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa phương Đông, nhất là giảng các bài văn in, khắc, đúc trên các đồ vật của các vương triều phong kiến. Anh nhập tâm từng bài văn, câu chuyện. Kết thúc khóa học, anh bắt đầu tìm hiểu rồi say mê với đồ cổ từ lúc nào không hay. "Ban đầu, tôi tham gia các buổi giao lưu đồ cổ của thế hệ đi trước, có thêm hiểu biết rồi tập chơi. Thời gian đầu, tôi mua lại đồ của một số người chơi trước do họ quý mến đã nhường lại. Khi am hiểu hơn, tôi dành thời gian đến các làng quê tìm hiểu để mua lại đồ cổ trong dân về chơi", anh Quang kể.

Mỗi người đến với đồ cổ có một cơ duyên khác nhau. Năm nay mới 46 tuổi nhưng anh Vũ Xuân Nhu ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cũng đã có 17 năm gia nhập giới chơi đồ cổ. Tuy còn bộn bề công việc nhưng anh đã chọn chơi đồ cổ để nâng cao hiểu biết vốn lịch sử, văn hóa dân tộc được thể hiện qua từng hiện vật. Anh Nhu chia sẻ: "Tháng 10.2004, tôi được một anh bạn trong giới sưu tầm cổ vật mời đến nhà chơi. Tận mắt ngắm nhìn những món đồ sứ men lam cùng lời giới thiệu về những món đồ của anh, tôi như bị chúng hút hồn. Cũng từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi và sưu tầm cổ vật". Do điều kiện kinh tế có hạn, từ việc dạy học, anh tiết kiệm chi tiêu để mua những món đồ mình thích và phù hợp với túi tiền. Ngoài việc chịu khó rong ruổi sưu tầm đồ cổ, anh dành thời gian gặp gỡ, trao đổi với giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức.       


Đối với anh Quang, mỗi món đồ là một tài sản quý giá về mặt tinh thần và lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ

Lắm gian truân

Chơi đồ cổ rất khác những thú chơi khác. Không phải lúc nào có tiền cũng mua được. Mỗi món đồ người chơi sở hữu đều để lại dấu ấn của quá trình tìm kiếm vất vả, công phu và lắm gian truân. Để có được món đồ mà mình yêu quý, tâm huyết, theo giới chơi đồ cổ thì ngoài việc đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc còn cần đến chữ "duyên". Nhiều năm qua, giới chơi đồ cổ thường lưu hành câu "Quý vật tầm quý nhân". Nếu không có duyên với món đồ dù tiền nhiều đến mấy cũng không sở hữu được nó.  

Hiện nay, trong số gần 500 món cổ vật mình sở hữu, anh Tuấn nhớ nhất việc phải dành rất nhiều thời gian, công sức mới may mắn có được đôi lọ gốm Bát Tràng và chiếc nậm rượu thời Khang Hi của Trung Quốc. Anh Tuấn nhớ lại cách đây nhiều năm nhân một chuyến đi tỉnh Hà Nam mua tủ chè đã được người bạn giới thiệu có người đang cất giữ cặp lọ Bát Tràng cực quý. Đây là cặp lọ cao 110 cm, có tích "Trương Phi đánh cầu Trường Bản". "Khi được nhìn đôi lọ, chân tay tôi run lên, mồ hôi toát ra. Tôi đã đi rất nhiều nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy nó. Đây là một trong những cặp lọ hiếm và độc. Đối với tôi lúc đó là một tài sản lớn. Vì quá cuốn hút với cặp lọ, tôi đã quyết định bán xe ô tô để mua", anh Tuấn chia sẻ.

Để có được chiếc nậm rượu thời Khang Hi, anh Tuấn đã phải đeo đuổi gần 6 năm. Nhà người giữ món đồ này ở khá xa. Những lúc có thời gian, anh Tuấn lại rong ruổi trên chiếc xe máy đến nhà người này chỉ để được ngắm chiếc nậm cho thỏa lòng. Mỗi lần đi, anh không quên mang theo món ăn đặc sản của quê nhà là bánh đậu xanh, gói chè Tàu đến biếu gia chủ. "Sau nhiều năm, chủ của chiếc nậm già yếu, thấy tôi trân quý chiếc nậm đã để lại cho tôi", anh Tuấn bồi hồi nhớ lại.

Quãng thời gian chơi đồ cổ là cả một câu chuyện dài và mang lại cho anh Quang nhiều vốn sống và kinh nghiệm "đi sứ" rất khó khăn, thậm chí cả rủi ro. Biết thông tin nhà ai có đồ, anh Quang thường đến vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối vì lúc này họ mới có ở nhà. Trước khi đến nhà ai, anh thường tìm hiểu gia cảnh hoặc một chút thông tin về người đang sở hữu món đồ để có cách gợi mở, lựa lời cho phù hợp. Chủ nhà nào thân thiện thì sẵn sàng chia sẻ thông tin và cho xem đồ, thậm chí có thể bán cho sau vài lần gặp gỡ. Chủ nhà khó tính thì chối đây đẩy là không có món đồ đó hoặc chỉ cho xem qua một chút. Họ thường không muốn thông tin hoặc bán vì coi đó là đồ gia bảo lưu giữ kỷ niệm của tổ tiên.

Một trong nhưng món đồ mà anh Quang thích và mất nhiều thời gian mới có được là bức trâm thư của triều Nguyễn làm từ năm 1928 với tích "Long phượng kỳ duyên". Năm 2019, anh cùng một người chơi cổ vật khác đến nhà một người bạn ở huyện Ân Thi (Hưng Yên). Quá thích đôi trâm thư, anh và người bạn thuyết phục mãi nhưng gia chủ không nhượng lại. Không bỏ cuộc, hai anh em thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi sức khỏe, lúc nhàn rỗi đến chơi, trò chuyện. Thế rồi, mưa dầm thấm lâu, vừa rồi gặp lại nhân lúc "tâm đầu ý hợp", hai anh em được gia chủ đồng ý nhượng lại cho bộ trâm thư. Anh Quang và người bạn mỗi người mang một chiếc về trưng bày với tâm trạng vui mừng khôn tả.

Không phải người chơi đồ cổ lúc nào cũng gặp vận may. Nhiều món đồ tưởng ăn chắc là của mình khi gia chủ đã nhận tiền nhưng lúc chào hỏi ra về chủ nhà lại đổi ý không bán. Không ít người bỏ ra công sức, tiền của, thời gian để đeo đuổi một món đồ cả chục năm không mua được hoặc do thông tin về món đồ không đúng nên lại thành công toi.

Anh Nhu còn nhớ vào tháng 10.2016, anh nhận được cuộc điện thoại của một người bạn ở tỉnh Bắc Ninh thông báo có người dân ở đây trong khi đào móng làm nhà phát hiện một số đồ sành sứ cổ. Không để tuột cơ hội quý, ngay trong đêm đó, anh cùng một người bạn tức tốc về Bắc Ninh. Khi gặp, gia chủ đưa các đồ đào được cho xem thì anh và người bạn rất thất vọng vì đó chỉ là đồ giả cổ…

Dù người chơi ở độ tuổi nào hay đang sở hữu những món cổ vật gì nhưng họ đều có chung một quan điểm là cổ vật hàm chứa rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc của thế hệ trước không thể đong đếm được. Mỗi lúc ngắm nhìn cổ vật, những hình ảnh bi tráng của quá khứ lại ùa về tâm trí người chơi khiến họ như quên hết những muộn phiền, lo toan của cuộc sống. Do đó, đã bén duyên với cổ vật người chơi khó lòng thoát ra được sức cuốn hút mãnh liệt của nó.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện "đi sứ" của giới chơi cổ vật