Chuyên canh hóa các vùng cây ăn quả

28/07/2015 09:22

Với lợi thế về thổ nhưỡng, những năm qua, Đảng bộ huyện Thanh Hà đã tập trung lãnh đạo địa phương phát triển sản xuất cây ăn quả theo vùng.



Nhiều diện tích trồng ổi ở xã Liên Mạc đã áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng, hiệu quả


Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng cây ăn quả đặc trưng như vải, ổi, bưởi... mang lại giá trị kinh tế khá, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân.


Sản xuất theo hướng hàng hóa

Những loại cây chủ lực được Đảng bộ huyện chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển trong thời gian qua là vải, ổi, bưởi, quất... Hiện nay, ở Thanh Hà đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả như vải sớm trồng ở khu Hà Đông, vải thiều muộn ở khu Hà Nam, quất ở Cẩm Chế, Phượng Hoàng và Thanh Sơn; ổi trồng ở Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang, Thanh An và Tân Việt, chuối ở Thanh Khê...

Với cây ăn quả đặc sản truyền thống vải thiều, huyện Thanh Hà đã sớm xây dựng thương hiệu "Vải thiều Thanh Hà", tập trung sản xuất nâng cao chất lượng quả vải, quảng bá rộng khắp. Niềm vui mới nhất đến với nhân dân Thanh Hà là vụ vải thiều vừa qua, quả vải của huyện đã đến được thị trường nhiều nước. Năm nay, huyện đã kết nối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty Xuất khẩu nông sản Thanh Hà, Công ty Hưng Việt, Công ty CP Phân phối Hapro... để tiêu thụ vải thiều. Kết quả, đã có 12 tấn vải thiều được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada, Australia, Malaysia, Singapore và Hà Lan. Năm nay, vải thiều được bán bình quân với giá 10.000 đồng/kg. Đối với vùng sản xuất vải thiều để xuất khẩu đi Mỹ thì giá cao hơn. Gia đình ông Nguyễn Đức Nhân ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy trồng 5 sào vải thiều, thu được hơn 3 tấn quả, trong đó có gần 3 tấn được Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thu mua và xuất khẩu sang Mỹ. Ông Nhân cho biết: "Nhờ có các công ty về thu mua vải để xuất khẩu nên vải có giá cao hơn ngoài thị trường. Đầu mùa chúng tôi bán cho công ty với giá 12.000 đồng/kg, cuối mùa bán được 14.000-15.000 đồng/kg. Trừ chi phí gia đình tôi thu lãi được 35 triệu đồng".

 Ngoài vải, các sản phẩm nông nghiệp khác như chanh, quất, bưởi đều được huyện Thanh Hà quan tâm, chú trọng, khuyến khích nông dân phát triển phù hợp với từng vùng. Nhận thấy cây ổi phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và có thể mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều năm qua Đảng ủy xã Liên Mạc đã khuyến khích nông dân chuyển sang trồng ổi. Hiện tại, xã Liên Mạc có 480,19 ha ổi, chiếm hơn 90% diện tích đất nông nghiệp, tăng hơn 200 ha so với năm 2010. Năm 2014, toàn xã thu hơn 50 tỷ đồng từ ổi, tăng 8 tỷ đồng so với năm 2013. Đây là vùng cây ăn quả mang lại thu nhập cao nhất huyện. Bà Mạc Thị Mận, Bí thư Chi bộ thôn Mạc Thủ 2 là một trong những người đầu tiên của thôn trồng nhiều ổi cho biết: "Với 1,5 mẫu ổi, năng suất đạt từ 15-20 tấn/năm, trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng”.

Chỉ đạo đúng hướng

Xác định được thế mạnh của địa phương, trong giai đoạn 2011-2015, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo thực hiện đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao”. Huyện đã kiên quyết chỉ đạo chuyển diện tích trồng vải xen mô sang cấy lúa, chuyển diện tích vải hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả khác. Ngoài duy trì 4.000 ha vải, huyện đặt mục tiêu trồng 2.000 ha cây ăn quả khác, trong đó hơn 1.000 ha ổi, 500 ha quất. Đến nay, diện tích trồng vải cơ bản ổn định theo quy hoạch, ổi đạt 1.100 ha, chanh và quất đạt 407 ha…

Để sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, những năm qua, Huyện ủy Thanh Hà chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, nông dân Liên Mạc đã áp dụng quy trình VietGAP trên nhiều diện tích ổi. Quy trình này cũng được áp dụng đối với một số diện tích trồng vải và sẽ được huyện tập trung chỉ đạo thực hiện trên toàn bộ diện tích vải trong năm 2016. Huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ổi Thanh Hà và bưởi Thanh Hồng.

Một trong những điều kiện để tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp là hệ thống đường giao thông phải thuận lợi. Nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Thanh Hà đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cấp, cải tạo đường giao thông. Trong đó, đã cải tạo 11 km tuyến đường huyết mạch 390; hoàn thiện 396 km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho xe tải, xe container về thu mua nông sản tận vườn. Huyện làm tốt vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp để cùng tiêu thụ hàng nông sản. Ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: "Tới đây, chúng tôi tiếp tục triển khai, khuyến khích các địa phương phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững. Quan tâm sản xuất ổi, vải, bưởi sạch, coi trọng xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này. Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng xưởng chế biến nông sản để phục vụ nhu cầu sơ chế sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Huyện đã chỉ đạo các xã rà soát quy hoạch, duy trì diện tích vùng sản xuất tập trung, không trồng ồ ạt khiến cho cung vượt quá cầu dẫn đến khó tiêu thụ...".


MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên canh hóa các vùng cây ăn quả