Phong trào thi đua thực hiện tốt Quy tắc ứng xử đã tạo những chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Nữ hộ sinh Lê Thị Hệ (Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ) tận tâm chăm sóc bệnh nhân
Ngày 6 - 4 - 2011, Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị trong ngành. Tại tỉnh ta, phong trào thi đua thực hiện tốt Quy tắc ứng xử đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Quy tắc ứng xử cấp ngành và ở tất cả các đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức tại 21 bệnh viện công lập và ngoài công lập đều tham gia học tập Quy tắc ứng xử, tham gia hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử toàn ngành. Ban tổ chức hội thi đã lựa chọn tiết mục xuất sắc nhất của đội thi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia thi khu vực tại Ninh Bình và đoạt giải ba. Đồng chí Bùi Đức Long, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội thi cấp tỉnh cho biết: “Thông qua hội thi với các phần thi hiểu biết, thi ứng xử và xây dựng tiểu phẩm đã góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện Quy tắc ứng xử. Việc xây dựng tiểu phẩm của từng đơn vị chính là gắn vai trò, trách nhiệm cũng như sự cam kết của từng bệnh viện trong thực hiện Quy tắc ứng xử”.
Với phương châm chỉ đạo “Cán bộ y tế coi bệnh nhân như người thân để ứng xử cho phù hợp”, các bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị điển hình có nhiều chuyển biến tích cực từ khi triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử. Bệnh viện bố trí bàn đón tiếp, hướng dẫn ở tất cả các khu, chỉ dẫn nhân dân đến khám được dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đối với các khoa trọng điểm như: Hồi sức tích cực - chống độc, Nội 2, Nội 3 có buồng thanh niên tự quản. Các y, bác sĩ trẻ có trình độ, nhiệt tình chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt, nhiều y, bác sĩ trẻ đã tham gia hiến máu kịp thời cứu sống bệnh nhân. Bác sĩ Hà Quang Tạo, Bí thư Đoàn Thanh niên bệnh viện cho biết: “Có trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào viện, bị đa chấn thương, mất máu nặng. Đoàn Thanh niên ngay lập tức huy động được 70 y, bác sĩ của bệnh viện tham gia hiến máu. Hay có trường hợp bệnh nhân đang mổ cấp cứu, bị mất máu nặng, Khoa cấp cứu yêu cầu truyền máu khẩn cấp, đông đảo y, bác sĩ của bệnh viện sẵn sàng hiến máu và 30 người liên tục hiến máu đã cứu sống bệnh nhân”. Khoa Ngoại của bệnh viện lập hòm quyên góp giúp bệnh nhân nghèo đã hỗ trợ được hàng trăm lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã được bệnh nhân ghi nhận và cảm phục. Bác Nguyễn Thị Mười ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tôi đến khám bệnh xương khớp, được các y, bác sĩ hướng dẫn nhiệt tình quy trình khám nên không phải chờ đợi lâu. Bác sĩ khám cũng nhiệt tình, vui vẻ nên tôi bớt lo lắng”.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiệt tình tư vấn cho bệnh nhân
Phong trào học tập, thực hiện theo các tiêu chí của Quy tắc ứng xử đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi tại tất cả các đơn vị trong ngành. Bác sĩ Phạm Văn Sang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ cho biết: “Khi ngành y tế phát động phong trào học tập và thực hiện theo Quy tắc ứng xử, toàn bộ cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đã tích cực tham gia. Ban chỉ đạo của bệnh viện phát động đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm túc theo tiêu chí quy định trong Quy tắc ứng xử của ngành y tế. Nhiều khoa, phòng đã xuất hiện những tấm gương điển hình. Tiêu biểu như nữ hộ sinh Lê Thị Hệ (Khoa Sản) đã kịp thời hiến máu cứu sống sản phụ Phạm Thị Nga (32 tuổi) ở xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ) bị băng huyết sau sinh. Lúc đó, chị Hệ còn đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ, nhưng trong lúc cấp cứu cho bệnh nhân, chị không ngần ngại hiến máu cứu người. Việc làm của chị Hệ đã khích lệ người nhà bệnh nhân Nga tiếp tục hiến máu. Nhiều bệnh nhân ở các huyện Thanh Hà, Ninh Giang tin cậy đến khoa sản của bệnh viện thực hiện việc sinh đẻ, nhất là mổ đẻ lần hai. Bác sĩ Phạm Văn Điển, Trưởng khoa cho biết: “Khoa Sản có 14 cán bộ, nhân viên, trong đó có 7 người đang tiếp tục học nâng cao. Áp lực công việc lớn nhưng các thành viên trong khoa luôn tích cực hỗ trợ nhau nên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, khoa cũng không để xảy ra tình trạng đưa, nhận phong bì nên được nhân dân tin tưởng. Năm nay, tất cả cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều ký cam kết thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử; 7 cán bộ, nhân viên của khoa đăng ký sẵn sàng hiến máu cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp”.
Sau gần 1 năm thực hiện Quy tắc ứng xử, nhận thức và sự hiểu biết của cán bộ, nhân viên ngành y tế và nhân dân trong việc xây dựng bệnh viện thân thiện đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, còn một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm thực hiện Quy tắc ứng xử, chỉ coi trọng chuyên môn mà chưa quan tâm giao tiếp thân thiện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; tình trạng đưa, nhận phong bì giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế còn tồn tại. Theo đồng chí Đoàn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Y tế, năm 2012, Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cụ thể hóa theo từng đơn vị, từng vị trí công việc. Ban chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
MINH HẠNH