Sáng 29.9, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tất cả chương trình môn học đã được hội đồng thẩm định thông qua. Trong tháng 10, Bộ sẽ ra thông tư ban hành chương trình mới này.
Sau khi chương trình môn học ban hành, Bộ sẽ chỉ đạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo hướng công khai, tiếp đó sẽ thẩm định sách giáo khoa do Bộ và các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.
Khâu thẩm định sách hoàn thành, Bộ sẽ hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo trình, đề thi rồi phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả của hội đồng thẩm định quốc gia. Ngoài ra, Bộ giáo dục sẽ có hướng dẫn các trường lựa chọn sách cho phù hợp.
"Bộ sẽ có báo cáo với Thủ tướng để có lộ trình áp dụng sách giáo khoa mới cho phù hợp, bảo đảm thời hạn Quốc hội cho phép", ông Lộc cho biết.
Chánh văn phòng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Viết Lộc. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trước đó hôm 15.9, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết tất cả 27 chương trình môn học đã được hội đồng thẩm định thông qua.
Sau khi Bộ Giáo dục công bố dự thảo chương trình môn học để lấy ý kiến nhân dân (ngày 19.1), nhiều nhà xuất bản đã bắt tay viết sách giáo mới. Khi có chương trình môn học chính thức, họ sẽ đối chiếu và chỉnh sửa, in sách.
Tháng 11.2017, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
MẠNH TÙNG (VnExpress)