Các cấp hội cần coi kết quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.
Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ, từ năm 1961-1971, quân Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít hóa chất độc, trong đó 68,1 triệu lít có chất da cam chứa 366 kg đi-ô-xin xuống 24,67% diện tích miền Nam Việt Nam. Đi-ô-xin là loại hoá chất độc hại nhất mà loài người đã tổng hợp được năm 1957. Với liều lượng 1 pi-cô-gam (một phần nghìn tỷ gam), đi-ô-xin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục na-nô-gam (1 phần tỷ gam) đi-ô-xin có thể lập tức gây chết người. Tính đến nay, chất độc da cam (CĐDC)/đi-ô-xin đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của khoảng 4,8 triệu người Việt Nam, trong đó số người mắc bệnh được xác định là 447.845 người, chiếm 0,58% dân số cả nước với cả 3 thế hệ (nhiễm trực tiếp, con đẻ, cháu). Hàng chục nghìn người đã chết trong đau đớn. Hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều người khác đang chết dần chết mòn, từng ngày từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến CĐDC/đi-ô-xin.
Các nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chăm sóc bằng những việc làm cụ thể như: trợ cấp hằng tháng; xây, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ xe lăn, khám và điều trị bệnh miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, giúp vốn sản xuất; cấp học bổng; thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết... Mặc dù vậy, nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Chiến tranh đã lùi xa 36 năm qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó. Để giúp các nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin vơi bớt nỗi đau cả về tinh thần và thể xác, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân. Tích cực tham gia hoàn thiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin. Các hoạt động chăm sóc nạn nhân CĐDC cần được lồng ghép với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Xã hội hóa các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; huy động toàn dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin. Các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú. Phổ biến, nhân rộng các mô hình chăm sóc nạn nhân có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Cổ vũ mạnh mẽ những gương vượt khó, vươn lên của các nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, nhằm huy động tối đa nguồn lực cho việc giúp đỡ các nạn nhân. Xây dựng Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin các cấp vững mạnh, phát huy vai trò tích cực của hội. Các cấp hội cần coi kết quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.
HẢI ĐĂNG