Chung sức đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới

11/08/2013 15:32

Để có được sức cạnh tranh, người trồng lúa Việt Nam cần có những thay đổi trong tập quán canh tác...

Chưa có năm nào tình hình xuất khẩu gạo của nước ta khó khăn như năm nay. Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ lúa hè thu, nhưng giá lúa đang xuống thấp kỷ lục so với những mùa vụ trước.

Cho dù Chính phủ đã triển khai mua tạm trữ đến 31.7 và gia hạn mua thêm trong tháng 8, nhưng giá lúa không nhích lên bao nhiêu. Nguyên nhân chính là thị trường XK gạo hiện đang có những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trên thị trường lúa gạo thế giới là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan…

Các nước như Myanmar, Campuchia cũng đã tham gia thị trường xuất khẩu gạo; Indonesia, Philippines, Malaysia là thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam cũng đang dần bị thu hẹp, các đối thủ cạnh tranh đang hạ giá bán để đưa gạo của họ vào các thị trường này.

Thị trường Trung Quốc những năm qua mua một lượng gạo lớn của Việt Nam mà không đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Nhưng đây là thị trường không ổn định, khi cần thì họ mua giá cao, nhưng sau đó quay lại ép giá gây thiệt hại cho DN XK Việt. Các thị trường khác như Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ cũng đang gặp phải sự canh tranh gay gắt.

Đó là trên thị trường quốc tế. Trong khi ở trong nước, để làm ra hạt gạo, người nông dân Việt Nam đang phải vật lộn với bao khó khăn, từ thiên tai, lũ bão, đến việc tăng giá của tất cả các loại vật tư đầu vào như giống, phân bón, xăng dầu… dẫn đến giá thành của hạt gạo Việt Nam tăng cao, giảm sức cạnh tranh so với gạo XK từ các nước.

Chính sách mua lúa tạm trữ của Chính phủ chỉ giúp giảm được phần nào khó khăn, nhưng lợi nhuận của người trồng lúa vẫn sụt giảm nghiêm trọng, làm nản lòng người trồng lúa. Đã có nhiều trường hợp nông dân bỏ ruộng. Đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh lại chính sách sản xuất, XK gạo. Nhìn sang Thái Lan, chính sách hỗ trợ nông dân của Chính phủ Thái năm qua đã phản tác dụng, làm cho hạt gạo Thái Lan mất đi sức cạnh tranh vốn có.

Đến nay, Chính phủ Thái đã phải điều chỉnh lại chính sách, nhưng họ cũng đang đau đầu tìm cách tiêu thụ kho gạo mua tạm trữ giá cao ngất ngưởng từ năm trước. Thay vì mua lúa tạm trữ, chúng ta nên có chính sách hỗ trợ các loại vật tư đầu vào như giống, các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ giá xăng dầu cho sản xuất nông nghiệp…

Cần có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong việc chế biến lúa gạo, giảm thiệt hại sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm từ hạt gạo để nâng giá trị của hạt gạo Việt Nam. Quan tâm hơn đến thị trường nội địa, vì hiện nay dân thành thị nước ta đang chuộng ăn gạo nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan. Đã đến lúc mở thêm cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng gạo Việt Nam”.

Các DN XK gạo trong và ngoài hiệp hội XK gạo Việt Nam cần linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm thị trường. Hiện nay, thị trường Châu Á chiếm tới hơn 77% lượng gạo XK của Việt Nam, cần phải duy trì thị trường này. Đồng thời, các cơ quan đại diện thương mại phối hợp cùng Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao… cùng phối hợp hỗ trợ các DN XK gạo mở thêm thị trường mới cho lúa gạo Việt Nam.

Thị trường Châu Phi với hơn 1 tỉ dân đang là thị trường tiềm năng, nhưng việc mua bán chứa đựng nhiều rủi ro, cần có sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để giúp cho các DN có thể XK trực tiếp lúa gạo đến thị trường này, nhằm giảm chi phí trung gian. Thị trường phía tây bán cầu cũng đang là mục tiêu thâm nhập của hạt gạo Việt.

Để có được sức cạnh tranh, người trồng lúa Việt Nam cần có những thay đổi trong tập quán canh tác. Chiến lược cánh đồng mẫu lớn cần được nhân rộng, các loại giống lúa chất lượng cao cũng phải dần được thay thế giống lúa phẩm cấp thấp hiện nay. Tin rằng, với những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành, các DN và người trồng lúa, hạt gạo Việt Nam sẽ có đủ sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới.

(Nguồn: Lao động)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung sức đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới