Chứng khoán Việt mất thêm 40 tỷ USD

10/10/2022 06:27

Đà lao dốc 5 tuần liên tiếp của VN-Index khiến vốn hóa HoSE rơi về 4,12 triệu tỷ đồng, tức mất thêm khoảng 40 tỷ USD trong tuần đầu tháng 10.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang trải qua chuỗi ngày tồi tệ khi hàng loạt cổ phiếu rơi về các vùng giá không tưởng. VN-Index tiếp tục nối dài chuỗi giảm điểm khốc liệt trong tuần đầu tiên của tháng 10.

Ngay phiên đầu tuần, VN-Index đã đánh mất mốc 1.100 điểm, đồng nghĩa "dậm chân tại chỗ" so với con số 15 năm về trước. Đà giảm tiếp tục nới rộng trong những phiên sau đó trước làn sóng bán tháo tại nhiều cổ phiếu.

VN-Index kết tuần trong tâm lý hoang mang của nhà đầu tư với mức rơi về vùng giá thấp nhất quanh 1.035 điểm. Như vậy, tính chung cả tuần, chỉ số này mất thêm 8,5% và là mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua.

VN-Index tiếp tục

VN-Index tiếp tục "tắm máu" với mức giảm 8,5% trong tuần đầu tháng 10. Đồ thị: TradingView.

Kết quả này còn đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tuần qua, theo số liệu từ StockQ. Mức giảm này khốc liệt hơn rất nhiều so vớ mức thiệt hại của chứng khoán Nga (4,8%) hay Venezuela (1,87%) xếp ngay phía sau.

Thị trường đã nối dài chuỗi giảm điểm lên 5 tuần liên tiếp. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, VN-Index đã mất gần 245 điểm, tương ứng mức giảm 19%. Vốn hóa HoSE theo đó bị thổi bay gần 972.000 tỷ đồng (hơn 40 tỷ USD), về còn 4,12 triệu tỷ đồng.

Việc liên tục mất điểm đã đẩy mức định giá toàn thị trường xuống mức thấp hơn. P/E của VN-Index hiện đã rơi về khoảng 10,6x lần, gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn khủng hoảng năm 2012.

Tuần giông bão đến với nhiều cổ phiếu có vai trò nâng đỡ chỉ số như ngân hàng, bất động sản. Đồng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này từ vốn hóa lớn đến nhỏ đều giảm mạnh và có những phiên giảm hết biên độ trong tuần.

Những trường hợp đáng kể nhất như STB (-18,7%), TCB (-16,2%), ACB (-16%), MBB (-15,3%), VPB (-14,8%), BID (-13,9%)... Bất động sản có CEO (-24%) HDG (-19,8%) DXG (-19,5%), LDG (-18,6%), NLG (-18%)...

Tuy vậy thị trường vẫn có một số cổ phiếu trụ là điểm sáng hỗ trợ như VIC (+9,5%), EIB (+8,8%), VHM (+6,1%) hay VJC (+3,7%). Thậm chí một số cổ phiếu nhỏ vẫn đi ngược mạnh như PTT (+57,1%), L43 (+55%), EPC (+51,7%), NDP (+50,3%) hay TVH (+39,9%)...

Chứng khoán Việt Nam diễn biến tệ nhất trong tuần đầu tháng 10

Theo ông Đinh Quang Hinh - chuyên gia phân tích VNDirect - định giá P/B của nhiều doanh nghiệp lớn như Hòa Phát và ngân hàng đã về xấp xỉ 1 lần. Điều này là điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng như Covid-19, hay giai đoạn đóng băng bất động sản năm 2012.

"Điều này là do thị trường đã bị ép về trạng thái quá bán rất sâu và nhiều cổ phiếu về định giá rất hấp dẫn, kích hoạt lực cầu bắt đáy", chuyên gia nhận định.

Ông Hinh khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh và dừng bán tháo ở thời điểm này. Nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đó.

Việc bán ra ở thời điểm này chỉ nên thực hiện để hạ tỷ trọng đòn bẩy (margin) nhằm bảo vệ danh mục hoặc hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu quá cao. Người giữ tiền mặt nhiều có thể tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức định giá rất hấp dẫn.

Thực tế, thanh khoản toàn sàn tiếp tục suy yếu trong bối cảnh tâm lý thận trọng và chán nản lan rộng. Giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn ở mức 13.837 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tuần trước.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần vừa qua, mặc dù giá trị bán ròng đã có phần giảm bớt. Dòng vốn này rút ròng hơn 653 tỷ đồng trên sàn HoSE (giảm 30% so với tuần trước) và đã là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp trên sàn.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chứng khoán Việt mất thêm 40 tỷ USD