Bất chấp động thái chưa từng có tiền lệ của Fed, Wall Street vẫn đi xuống khi Quốc hội Mỹ chưa thể thông qua gói kích thích 2.000 tỷ USD.
Các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu
Chỉ số DJIA chốt phiên 23.3 (giờ địa phương) giảm 3,04% về 18.591 điểm. Trong khi đó, S&P 500 mất 2,93% về 2.237 điểm và Nasdaq Composite giảm 0,27% về 6.860 điểm. Đến nay, S&P 500 đã mất 34% kể từ đỉnh tháng 2.
Wall Street đi xuống bất chấp động thái kích thích chưa từng có tiền lệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Sau khi hạ lãi suất xuống quanh 0%, FED thông báo sẽ cho các ngân hàng vay thêm, thế chấp bằng chính các khoản cho vay nộp học phí và vay thẻ tín dụng. Cơ quan này cũng sẽ mua lại trái phiếu doanh nghiệp và cho vay trực tiếp các công ty.
Động thái này được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ hôm chủ nhật chưa thể thống nhất về gói kích thích khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đề xuất, nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi tác động của đại dịch. Tại Thượng viện, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng gói này chi quá ít tiền cho bệnh viện và các bang, cũng như không đủ quy định ràng buộc với một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp lớn.
10 trong 11 nhóm ngành thuộc S&P500 đi xuống, mạnh nhất là năng lượng. Cổ phiếu Apple giảm 2,12%, kéo vốn hóa về 982 tỷ USD, sau Microsoft (1.030 tỷ USD). Cổ phiếu đại gia phần mềm cũng mất 1% hôm qua.
"Điều có thể đảo ngược tình hình hiện tại là tâm lý của nhà đầu tư về việc phong tỏa. Chỉ khi cải thiện được điều đó, thị trường mới bật lên mạnh", Stephen Massocca – Phó giám đốc Wedbush Securities nhận định.
Đến nay, 13 trên 50 bang của Mỹ đã áp lệnh hạn chế đi lại để ngăn Covid-19 lây lan. Tình hình tại Mỹ đang diễn biến theo chiều hướng của các nước châu Âu như Italy hay Tây Ban Nha.
"Điều FED làm rất quan trọng với thị trường tín dụng. Nhưng nó không đủ giúp thị trường cổ phiếu. Chúng ta vẫn cần Quốc hội thông qua phần nào gói kích thích", Willie Delwiche – chiến lược gia đầu tư tại Robert W. Baird nhận định.
Theo VnExpress