Trận chung kết Champions League 2018/19 giữa Tottenham và Liverpool sẽ là trận chung kết nội bộ quốc gia thứ 7 trong lịch sử giải đấu...
Lịch sử đang ở rất gần Liverpool
Trước đó là các trận đấu giữa Real và Valencia năm 2000, AC Milan và Juventus năm 2003, Man United và Chelsea năm 2008, Bayern và Dortmund năm 2013, Atletico và Real năm 2014 và 2016.
Các đội thắng trong 6 trận chung kết trước lần lượt là Real, AC Milan, Man United, Bayern và lại là Real. Vậy bạn có nhận ra điểm chung của những cái tên được ca khúc khải hoàn so với đối thủ là gì không? Câu trả lời chính là kinh nghiệm ở cúp châu Âu. Các đội thắng đều có số lần nâng cao chức vô địch, số lần vào chung kết Cúp C1/Champions League cao hơn so với đối thủ.
Dù có thể phong độ hiện tại không bằng (điển hình là trận chung kết giữa Real và Atletico năm 2016), nhưng chiến thắng trong các cặp đấu nội bộ đều thuộc về những đội có bề dày lịch sử. Còn nếu xét rộng trên bình diện 25 kỳ Champions League đã qua từ năm 1993 với nhà vô địch đầu tiên là Marseille cho đến Real năm ngoái, ta có 18/25 đội chiến thắng có lịch sử đứng cao hơn so với đối thủ ở chung kết, đạt tỉ lệ cực cao: 72%.
Nói đâu xa, cách đây 3 ngày Chelsea đánh bại Arsenal ở chung kết Europa League. Nhìn lại, rõ ràng Chelsea có bề dày lịch sử hơn hẳn Arsenal ở sân chơi cúp châu Âu. Chelsea có 4 lần vô địch cúp châu Âu, trong đó có 1 Champions League; còn Arsenal chỉ có một chức vô địch C2 (1994) và một chức vô địch C3 (1970).
Rõ ràng, tuy bóng đá đầy rẫy bất ngờ, nhưng xem ra Champions League vẫn giống như World Cup, kẻ được mỉm cười đều có truyền thống, hay là những quý tộc lâu đời. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra cho sự trùng lặp này. Nhưng tóm lại có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là kinh nghiệm, những đội bóng có thâm niên đá ở chung kết Champions League rất hiểu văn hóa của giải đấu này, biết phải làm gì, chuẩn bị gì, biết được cảm giác thế nào để có sự sẵn sàng trong các tình huống mà họ không phải lần đầu đối mặt, đấy là điều mà các đội ít tên tuổi hơn không có.
Nguyên nhân thứ hai là tâm lý, những cầu thủ của các đội bóng lần đầu vào chung kết Champions League đa phần đều bị “ngợp” bởi không khí, sự vĩ đại của trận đấu mà họ phải đối mặt. Hãy nhìn chính Liverpool năm ngoái khi gặp Real. Ta thấy khi vào trận, các cầu thủ Liverpool như những kẻ chạy trong bóng đêm để xua đi nỗi sợ hãi.
Những Jordan Henderson, Roberto Firmino, Andrew Robertson… chạy điên cuồng, tấn công điên cuồng để quên đi cảm giác của trận chung kết. Đối diện với họ là những Toni Kroos, Cristiano Ronaldo… kinh qua trăm trận lạnh lùng đợi chờ cơ hội. Kết quả, thủ môn Loris Karius mắc sai lầm, ngôi sao được kỳ vọng Mohamed Salah bị Sergio Ramos “gài” cho chấn thương. Nguyên nhân cuối cùng là tâm thế. Xin kể một ví dụ nổi tiếng là những lời mà HLV Zinedine Zidane đã nói với các cầu thủ Real trước loạt “đấu súng” với Atletico ở chung kết Champions League 2015/16.
Ông nói: “Cứ thoải mái mà sút, thua trận chúng ta vẫn còn 10 chiếc cúp, còn họ thua thì không có cái nào”. Thường những kẻ được lịch sử ủng hộ luôn có tâm thế đứng cao hơn, do đó có thái độ thoải mái hơn những kẻ lần đầu vào chung kết. Họ biết họ là ai, và vì thế họ tỉnh hơn rất nhiều.
Theo Bongdaplus