Chưa thể làm phẳng đường cong giá dầu

12/04/2020 15:03

Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng G20 ngày 10.4 diễn ra vào một thời điểm không thể bất lợi hơn, khi giá dầu giảm 70% kể từ đầu năm đến nay do dịch COVID-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.


Một thiết bị bơm dầu thô ở vùng mỏ Permian Basin, bang Texas (Mỹ) trong ảnh chụp lúc hoàng hôn cuối năm 2019. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhiệm vụ bình ổn thị trường giá dầu của hội nghị này xem như thất bại vì sau cuộc họp kéo dài tới đêm 10.4, các nước OPEC+ vẫn chưa thể thuyết phục được G20 cùng tham gia kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Thỏa thuận đình chiến

Thế giới bước vào năm 2020 với việc hai cường quốc dầu mỏ Saudi Arabia và Nga - nước sản xuất lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới - lao vào cuộc chiến giá dầu nhằm giành giật thị phần. Cùng lúc đó, dịch bệnh COVID-19 ập đến, khiến nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới giảm hơn 1/3. Sự kết hợp không mong muốn này đã đẩy giá dầu xuống thấp nhất trong vòng 18 năm qua.

Sau nhiều tuần đối đầu, cuối cùng thì tại Hội nghị OPEC+ diễn ra ngay trước Hội nghị G20 một ngày, Saudi Arabia và Nga buộc phải đi đến một thỏa thuận đình chiến, đồng ý cắt giảm sản lượng để bình ổn thị trường. 

Theo thỏa thuận, các nước OPEC+ sẽ cắt giảm 10 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 10% nguồn cung; trong đó riêng Saudi Arabia và Nga sẽ cắt giảm 2,5 triệu thùng; các nước còn lại trong OPEC+ cắt giảm 5 triệu thùng còn lại.

Đây là thỏa thuận cắt giảm chưa từng có tiền lệ, lớn gấp 7 lần so với thỏa thuận sau khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009. Nhưng để đưa vào thực hiện là một chặng đường dài, trong đó trước hết là làm thế nào để thuyết phục được Mexico - một thành viên OPEC+, tham gia thỏa thuận. 

Bộ trưởng Năng lượng Mexico đã bỏ đi trước khi cuộc họp của OPEC+ kết thúc, và nước này chỉ đồng ý cắt giảm 100.000 thùng, ít hơn 10% sản lượng của nước này.

Và quan trọng hơn là tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng G20 ngày 10-4, các nước OPEC+ cần thuyết phục được các nước G20 ủng hộ kế hoạch này. Nhất là làm thế nào để có được cái gật đầu của Mỹ và Canada - nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ nhất và thứ tư thế giới, cùng tham gia vào việc cắt giảm và thuyết phục các nước G20 tăng cường mua thêm dầu mỏ vào các kho dự trữ dầu chiến lược.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mỹ cũng chịu áp lực lớn khi mà giá dầu giảm sẽ làm hàng trăm công ty dầu đá phiến của Mỹ sẽ bị phá sản, nhiều cơ sở khai thác dầu sẽ phải đóng cửa và hàng chục nghìn việc làm sẽ mất.

Do đó Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù đã nhiều lần chỉ trích OPEC gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ, đã phải gây sức ép với Saudi Arabia và Nga để đạt được thỏa thuận đình chiến, thậm chí đe dọa sẽ áp thuế đối với dầu mỏ nhập từ hai nước này. Ngược lại, cả hai nước này đòi hỏi Mỹ và các nước khác cũng phải tham gia; Nga tuyên bố sẽ chỉ đồng ý nếu Mỹ cũng cắt giảm sản lượng.

Đây là một yêu cầu rất khó cho ông Trump, vì từ trước tới nay Mỹ chưa bao giờ tham gia vào các thỏa thuận như vậy. Việc buộc các doanh nghiệp Mỹ phải cắt giảm sản lượng là vi phạm nguyên tắc thị trường tự do và sẽ bị các công ty dầu mỏ kiện ra tòa. Với hàng nghìn nhà sản xuất dầu độc lập và không có một tổ chức đại diện chung, giá dầu mỏ ở Mỹ luôn để cho thị trường tự do quyết định.

Sau cuộc họp kéo dài tới đêm 10.4, các nước OPEC+ vẫn chưa thể thuyết phục được G20 cùng tham gia kế hoạch này.

Đúng như dự báo, Mỹ đã không cam kết cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, bộ trưởng năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày, thậm chí 3 triệu thùng/ngày, do hệ quả của việc giá dầu xuống thấp, tương đương với 10% sản lượng của Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng cam kết sẽ bù đắp cho phần chênh lệch của Mexico khi tham gia vào thỏa thuận này.

Canada cũng cho biết không thể đưa ra con số cắt giảm cụ thể vì đây thuộc thẩm quyền của chính quyền các tỉnh nhưng cho rằng giá cả thị trường sẽ buộc các nhà sản xuất Canada phải tự động cắt giảm sản lượng, thậm chí có thể lên đến gần 1 triệu thùng/ngày, lớn hơn 10% sản lượng của nước này.

Như ông tổng giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã nói, thế giới dầu mỏ đã chứng kiến nhiều cú sốc trong những năm qua nhưng "chưa bao giờ ở một mức độ như thế này" và cũng như đối phó với virus corona, thế giới dầu mỏ cũng cần đến các hành động quyết liệt để "làm phẳng đường cong" ngay lập tức.

Thực thi thỏa thuận khó hơn

Việc không đưa ra được cam kết cắt giảm cụ thể là ít hơn những gì mà thị trường mong đợi. Chưa biết liệu rằng thị trường dầu mỏ sẽ có phản ứng như thế nào do cuối tuần thị trường đóng cửa; tuy nhiên, điều cần phải chờ xem là các nước sẽ cụ thể hóa được thỏa thuận này như thế nào, nhất là lộ trình thực hiện và chế tài nếu có nước vi phạm.

Các thỏa thuận trước đây của OPEC đã cho thấy việc đạt được thỏa thuận đã khó, việc thực hiện lại càng khó khăn hơn khi nước nào cũng muốn bán ra nhiều dầu, đồng nghĩa với việc có thêm ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa thể làm phẳng đường cong giá dầu