Mặc dù người tiêu dùng ngày càng có ý thức lựa chọn hàng hóa Tết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng nỗi lo vẫn còn đó.
Đoàn liên ngành huyện Thanh Hà kiểm tra hàng hóa Tết tại một cửa hàng ở thị trấn Thanh Hà
Chọn hàng kỹ hơn
Nguồn hàng Tết rất phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trước đây, nhiều người hám rẻ nên không quan tâm nhiều tới nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về bảo đảm ATVSTP dần thay đổi. Nhiều người tiêu dùng giờ đây lựa chọn hàng Tết cẩn thận hơn.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Cẩm La (Kim Thành) cho biết: “Tết cứ xuống chợ Đồng Gia (xã Đồng Gia) thì mặt hàng gì cũng có. Bánh kẹo bây giờ không ăn nhiều như trước nhưng mấy năm mua hạt bí, hướng dương loại không có bao bì, không rõ nguồn gốc về thì không bảo đảm ATVSTP, mà mua loại đóng gói cẩn thận lại đắt. Năm nay tôi không mua mặt hàng này nữa”.
Năm nay, chị Nguyễn Thị Hường ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) sẽ đến các siêu thị để sắm đồ Tết. “Cả năm mới có một cái Tết nên tôi cũng muốn cả nhà sử dụng hàng bảo đảm. Nếu như mọi năm cứ đi ra chợ mua ào ào mấy thứ cho xong thì năm nay sẽ chọn những mặt hàng có chất lượng tốt. Những hàng không có tem, nhãn, xuất xứ sản xuất tôi không mua và sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”, chị Hường nói.
Theo bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn khi lựa chọn hàng Tết. Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc trước đây được các cửa hàng nhập về không có người mua nên năm nay không nhập nữa.
Công tác kiểm tra còn hạn chế
Thực tế vẫn còn không ít cửa hàng nhỏ lẻ ở làng quê kinh doanh mặt hàng kém chất lượng. Những hàng hóa này đánh vào tâm lý muốn mua hàng rẻ của người dân có thu nhập thấp. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết, song công tác kiểm tra còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra về ATVSTP dịp Tết. Các ngành như công thương, nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra ATVSTP. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới chỉ kiểm tra được những cửa hàng lớn, gần như chưa đến được những điểm buôn bán nhỏ lẻ ở vùng quê. Nhiều cơ sở có vi phạm nhưng các đoàn kiểm tra chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu khắc phục các vi phạm, thiếu sót.
Chúng tôi theo chân đoàn liên ngành kiểm tra ATVSTP huyện Thanh Hà đến cơ sở làm nem chua của gia đình anh Trần Văn Việt ở khu 8, thị trấn Thanh Hà. Cơ sở này còn thiếu nhiều thủ tục, tủ lạnh chứa thực phẩm là thịt sống không rõ thời hạn, không tập huấn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cơ sở này sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng nhưng đoàn cũng chỉ nhắc nhở, yêu cầu hoàn tất các thủ tục và ghi rõ thời hạn bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, các phương tiện để kiểm tra chất lượng thực phẩm còn thiếu, khó phát hiện hàng hóa đó có mất ATVSTP hay không. Đoàn chủ yếu kiểm tra về thủ tục hành chính, các thông số mà mắt thường có thể nhìn thấy.
Ông Nguyễn Văn Phê, Trưởng Phòng Y tế huyện Thanh Hà cho biết công tác kiểm tra ATVSTP đối với cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không phối hợp hoặc chống đối. Nhiều người khi thấy đoàn đến kiểm tra thì đóng cửa, không tiếp. Khi đoàn tổ chức tuyên truyền bảo đảm ATVSTP thì các chủ cửa hàng không chú ý nên lần sau vẫn tái vi phạm.
Bà Dương Thị Hằng Nga cho biết thêm để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho bản thân và gia đình, trước hết người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức để lựa chọn thực phẩm tốt. Khi đông đảo người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng các sản phẩm có chất lượng thì những hàng kém chất lượng sẽ giảm dần. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền bảo đảm ATVSTP cho người dân, đặc biệt là dịp Tết để họ cảnh giác, tẩy chay thực phẩm bẩn.
MINH NGUYỆT