Chùa Đồng Neo có một nhà sư liệt sĩ

11/12/2014 08:00

Chùa Đồng Neo ở thôn Cập Thượng (Tiền Tiến, Thanh Hà) là một ngôi chùa cổ đã có hơn 300 năm tuổi và một nhà sư là liệt sĩ.



Ngôi chùa cổ đã có hơn 300 năm tuổi

Người dân địa phương và khách thập phương biết đến chùa Đồng Neo ở thôn Cập Thượng (Tiền Tiến, Thanh Hà) không chỉ vì đây là một ngôi chùa cổ đã có hơn 300 năm tuổi mà còn được nghe kể về câu chuyện của một sư ông liệt sĩ.

Xuất gia nhưng không xuất thế

Theo lời kể của Đại đức Thích Đạo Mẫn, trụ trì chùa Đồng Neo và các phụ lão ở làng thì sau khi Hòa thượng Thích Tường Tường viên tịch (vào khoảng năm 1924), Hòa thượng Thích Thanh Trúc thay thế trụ trì. Cũng vào những năm đó, Hòa thượng Thích Thanh Trúc nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi khoảng 8 tuổi đặt tên là Nguyễn Văn Bể. Sau một thời gian ăn nhờ nơi cửa Phật, chú tiểu Nguyễn Văn Bể quyết tâm chọn con đường xuất gia học đạo. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, chùa là một cơ sở Việt Minh nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sư Nguyễn Văn Bể đã theo Hòa thượng Thích Thanh Trúc đi hoạt động cách mạng, tham gia bộ đội Bắc Hà (năm 1948).

Tháng 6 - 1952, trong trận đánh tiêu diệt tên Việt gian bán nước Sếp Sẹo tại ngã ba Kỳ Tây, Cẩm Chế (Thanh Hà), nhà sư Nguyễn Văn Bể đã anh dũng hy sinh. Để ghi nhận công đức của người đã mất, người dân địa phương suy tôn là Sư ông, liệt sĩ Nguyễn Văn Bể. Hằng năm, nhà chùa chọn ngày 2 - 6 (âm lịch) là ngày giỗ của Sư ông. Sư ông Nguyễn Văn Bể đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và được tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Đại đức Thích Đạo Mẫn cho biết: "Chúng tôi tự hào là hậu duệ các sư tổ, sư ông. Chúng tôi luôn lấy tấm gương hy sinh của Sư ông để giáo dục các tăng ni, phật tử tinh thần “hộ quốc an dân”... Niềm mong ước lớn nhất của nhà chùa và người dân địa phương là tìm được mộ của Sư ông để đưa hài cốt về nghĩa trang địa phương.

Lưu giữ nhiều di vật quý


Với những giá trị quý báu về văn hóa và lịch sử, ngày 31-12-1997, chùa Đồng Neo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sử sách ghi rằng, mảnh đất nơi đây xưa kia là một dòng sông lớn bắt nguồn từ cửa Xà Lai (thuộc sông Thái Bình) có rất nhiều tàu thuyền neo đậu. Cái tên chùa Đồng Neo cũng bắt nguồn từ đấy. Năm 1527, vào thời Hậu Lê, nhận thấy đây là mảnh đất linh thiêng, nhân dân sở tại đã dựng lên một ngôi chùa nhỏ làm nơi thờ Phật. Đến đời vua Lê Hy Tông năm thứ 10 - niên hiệu Chính Hòa (năm 1693), nhân dân đã phát tâm công đức xây dựng lại ngôi chùa.

Chùa Đồng Neo được xây theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, hoa văn tinh xảo và độc đáo đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngôi Tam Bảo được xây theo kiến trúc chữ đinh có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Trong ngôi Tam Bảo còn lưu giữ nhiều tượng Phật quý giá. Cách bài trí tượng thờ đặc trưng của các chùa miền bắc theo quan điểm Tam giáo đồng nguyên gồm 3 pho tam thế, tam Thánh Tây Phương, tượng Đức Bản Sư niêm hoa vi tiếu, tượng Di Lặc, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào, Bắc Đẩu, tòa Cửu Long. Hoành phi câu đối trong chùa được chạm khắc tinh xảo như: đại tự “Hiển ứng linh”, đại tự “Tuệ nhật viên dung”… có từ thời Nguyễn. Sau chùa là 3 gian nhà tổ, mới được trùng tu.

Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo, chùa Đồng Neo còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 (năm Nhâm Ngọ 1702), chuông cổ được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (tức năm 1700) và nhiều bia đá cổ.  Phía trước chùa có một cây hương đài bằng đá cao 1,2 m ghi dòng chữ: Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699). Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ, trong đó tháp Minh Quang được xây bằng gạch 3 tầng thờ Hòa Thượng Thích Chiếu Khuông, Thiên quan bảo tháp bằng gạch 3 tầng xây dựng thời vua Minh Mệnh 1827, tháp Phả Đồng Minh được xây dựng từ thời Nguyễn thờ 3 vị sư: Phổ Chiêu, Phổ Hiếu, Phổ Nghiêm. Tháp có giá trị nhất là tháp đá 3 tầng được xây dựng năm Tân Dậu, thờ Hòa thượng Thích Tường Tường. Chùa cũng còn lưu giữ được hơn 100 mộc bản ghi chép kinh Phật.

Theo thời gian, chùa Đồng Neo đang có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là ngôi Tam Bảo. Nền điện Tam Bảo đã bị lún, tường nghiêng và nứt, hệ thống khung gỗ, cột kèo đã mối mọt... Nhà chùa đang vận động công đức để tu bổ giữ lại một chốn linh thiêng cho người dân địa phương và khách hành hương lui về nơi cửa Phật.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Đồng Neo có một nhà sư liệt sĩ